Cấp bách bảo vệ nước ngầm

18/03/2022 - 06:27

PNO - Việc khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức ở TPHCM đã, đang và sẽ dẫn đến hàng loạt hệ quả xấu cho hạ tầng, môi trường, sức khỏe. Tại tọa đàm “Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn” do Báo Phụ Nữ TPHCM phối hợp với Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) tổ chức ngày 17/3, các đại biểu đều cho rằng, việc bảo vệ nguồn nước ngầm đang hết sức cấp bách.

Nhiều hệ lụy về sức khỏe, môi trường 

Ở TPHCM hiện nay, ngay cả những nơi đã có đường ống cấp nước, người dân vẫn dùng nước ngầm để sinh hoạt, thậm chí để ăn, uống. Nhiều gia đình không lấy mẫu xét nghiệm nên không biết chất lượng nước giếng khoan ra sao. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại bởi nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng. 

Công nhân tại khu trọ Ao Sen (120 phòng) đang dùng nước giếng khoan được bơm lên bồn chứa chung ẢNH: SƠN VINH
Công nhân tại khu trọ Ao Sen (120 phòng) đang dùng nước giếng khoan được bơm lên bồn chứa chung - Ảnh: Sơn Vinh

Bác sĩ Ngô Cao Lẫm - Trưởng khoa Sức khỏe môi trường Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) - thông tin, năm 2015, HCDC đã lấy mẫu từ 1.400 giếng khoan để kiểm nghiệm, kết quả là, gần 70 - 80% mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý, 2 - 5% mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh. Năm 2021, HCDC kiểm nghiệm 160 mẫu nước giếng khoan nhưng chỉ có ba mẫu đạt các chỉ tiêu hóa lý, tương đương 1,88%. Trong đó, mẫu không đạt đa phần ở các quận 12, Bình Tân, Tân Bình, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn. 

“Trước đây, Bộ Y tế có hai bảng quy chuẩn đánh giá, một cho nước dùng để ăn uống và một cho nước dùng để sinh hoạt, trong đó có nước ngầm với các chỉ tiêu đối với nước sinh hoạt thấp hơn. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành thống nhất một quy chuẩn quốc gia về đánh giá chất lượng nước sinh hoạt, gồm 99 chỉ tiêu. Nếu đánh giá chất lượng nước giếng khoan theo quy chuẩn mới này thì 100% mẫu sẽ không đạt” - bác sĩ Ngô Cao Lẫm nói.

Cũng theo bác sĩ Lẫm, hiện chưa có đầy đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá nước giếng khoan ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng dựa vào các chỉ tiêu về độ pH, sắt, amoni, vi sinh, kim loại nặng… có thể xác định được rằng, việc sử dụng nước giếng khoan sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, người dân ở các khu vực đã được cung cấp nước máy thì nên ưu tiên sử dụng nước máy.

Việc khai thác nước ngầm quá mức sẽ dẫn đến tình trạng sụt lún và ô nhiễm nước ngầm - ẢNH: SƠN VINH
Việc khai thác nước ngầm quá mức sẽ dẫn đến tình trạng sụt lún và ô nhiễm nước ngầm - Ảnh: Sơn Vinh

Ông Bùi Thanh Giang - Phó Tổng giám đốc Sawaco - cho biết, thời gian qua, lãnh đạo TPHCM rất quan tâm vấn đề nước sạch cho người dân và đã chỉ đạo Sawaco đầu tư kinh phí rất lớn để mở rộng mạng lưới cấp nước ở nông thôn. Đến đầu năm 2017, 100% người dân ở TPHCM đã được tiếp cận nguồn nước sạch, đưa TPHCM trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất cả nước đạt được tỷ lệ này. 

Tuy nhiên, theo ông, có một thực trạng rất đáng lo ngại, đó là rất nhiều hộ gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng. Theo số liệu của Sawaco, đến tháng 2/2022, Sawaco đã lắp đặt hơn 1,5 triệu đồng hồ nước nhưng trong số đó, có hơn 173.000 đồng hồ không sử dụng m3 nước nào kể từ lúc lắp đặt, chiếm khoảng 11,2%. Số đồng hồ nước này tập trung ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, các quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh. Ngoài ra, toàn thành phố có khoảng 20% đồng hồ chỉ sử dụng mỗi kỳ từ 0 đến 4m3 nước. Đây là một sự lãng phí rất lớn và nó cũng cho thấy, còn nhiều hộ dân dùng nước ngầm thay cho nước máy.

Theo tiến sĩ Hà Quang Khải (Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường đại học Bách khoa TPHCM ), không chỉ lãng phí và ảnh hưởng đến sức khỏe, việc khai thác nước ngầm quá mức còn gây ra nhiều hậu quả xấu về môi trường, như ô nhiễm nguồn nước ngầm, gây sụt lún nền đất.

Kết quả nghiên cứu từ năm 2009 và trong năm 2015 cho thấy mức sụt lún trung bình ở TPHCM lên đến 4cm/năm, phần lớn do hoạt động của con người, trong đó có việc khai thác nước ngầm. Mặt khác, việc khai thác nước ngầm cũng khiến các chất gây ô nhiễm (hóa chất, phân bón, rác thải, nước thải) trên mặt đất ngấm dần xuống nguồn nước ngầm theo các giếng khoan.

Theo các nghiên cứu của Trường đại học Bách khoa TPHCM , việc khai thác nước ngầm quá mức đã làm xâm nhập mặn ở H. Bình Chánh, Nhà Bè và gây ô nhiễm ở khu vực H.Củ Chi, Hóc Môn, Tân Bình… Ở một số nơi của Q.Tân Bình, ô nhiễm chì, nhôm trong nguồn nước đã lên đến 8mg/lít, cao gấp 40 lần hàm lượng cho phép (0,2mg/lít).

Khó quản do chồng chéo trong cấp phép 

Để bảo vệ nguồn nước ngầm, từ năm 2018, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 1242 về kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất đến năm 2025. Tuy vậy, ông Huỳnh Thanh Nhã - Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - thừa nhận, việc quản lý trên thực tế gặp không ít khó khăn. Hiện có hai nhóm đối tượng sử dụng nước ngầm, gồm doanh nghiệp và người dân. 

Sawaco hỗ trợ trám lấp giếng ngầm cho người dân ở TP.HCM - ẢNH: SƠN VINH
Sawaco hỗ trợ trám lấp giếng ngầm cho người dân ở TPHCM - Ảnh: Sơn Vinh

Khi muốn sử dụng nước ngầm, doanh nghiệp phải xin phép. Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp phải có kế hoạch giảm khai thác nước ngầm hằng năm, mức giảm dựa vào điều kiện thực tế chứ không phải ý muốn chủ quan của doanh nghiệp. Như hiện nay, ở H.Bình Chánh, do nguồn nước sạch chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên phải giảm từ từ chứ không thể cắt ngay. Qua rà soát, kiểm tra, sở cấp phép theo hướng giảm dần lưu lượng khai thác, thời hạn cấp phép tối đa hai năm, sau đó sẽ xem xét lại.

Với người dân, việc quản lý nước ngầm chủ yếu là bằng tuyên truyền, vận động. Hằng năm, sở phối hợp với địa phương rà soát danh sách hộ dân đã có nước máy thì vận động bỏ giếng khoan. Ông Huỳnh Thanh Nhã phân tích: “Chúng ta phải thấy nhu cầu của dân rất đa dạng. Họ không chỉ sử dụng nước để ăn uống, sinh hoạt mà còn dùng để tưới tiêu, nên cũng khó buộc họ mua nước sạch để tưới.

Theo khảo sát, sản lượng khai thác nước ngầm của hộ dân đến nay đã giảm được 81%. Sở đã lập kế hoạch hỗ trợ các hộ dân trám lấp giếng khoan với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, đã trình UBND TPHCM nhưng ngân sách thành phố còn khó khăn nên vẫn chưa được chấp thuận”.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhã, có hai tín hiệu đáng mừng trong việc giảm khai thác nước ngầm ở TPHCM thời gian qua, đó là: sản lượng của các chi nhánh cấp nước đều tăng qua các năm, cho thấy dân dùng nước máy nhiều hơn; mực nước ngầm có tăng lên - theo kết quả khảo sát tại trạm Công viên Phần mềm Quang Trung, Q.12 - cho thấy việc khai thác nước ngầm có giảm. 

Qua kiểm tra, các doanh nghiệp như Pepsi, Coca Cola, Heineken… đã lấp giếng khoan và sử dụng nguồn nước của Sawaco, chỉ còn lại sáu khu công nghiệp sử dụng nước ngầm. Tuy nhiên, các khu công nghiệp này đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác nước ngầm với thời hạn mười năm nên rất khó đưa vào danh sách và lộ trình giảm khai thác nước ngầm. So với lộ trình do UBND TPHCM ban hành, mức giảm khai thác nước ngầm của các đối tượng do sở quản lý đều vượt chỉ tiêu, nhưng xét tổng số liệu bao gồm cả các đối tượng do bộ quản lý thì lại không đạt. 

Cần quyết liệt hơn nữa 

Đánh giá cao nội dung buổi tọa đàm do Báo Phụ Nữ TPHCM và Sawaco tổ chức, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM - cho rằng, việc lên tiếng bảo vệ nguồn nước ngầm là hết sức cấp bách, đến nay có thể nói là muộn nhưng đừng để quá muộn: “Nguồn tài nguyên nước không phải vô hạn. Hiện nay, ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch ngày càng trầm trọng. Nếu không sớm bảo vệ nước ngầm thì trong tương lai, chúng ta sẽ gặp khó khăn lớn về nguồn nước sinh hoạt.

ÔNG CAO THANH BÌNH - TRƯỞNG BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI, HĐND TP.HCM
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM

Chúng tôi đã tổ chức khảo sát về thực trạng và nguyên nhân sử dụng nước ngầm, ghi nhận vài quận, huyện có đến hàng chục ngàn giếng. Sở Tài nguyên và Môi trường báo rằng đã giảm được 81% giếng khoan, nếu đúng như vậy thì quả là đáng mừng. Thế nhưng, chi phí cần trám giếng theo đề án lên đến cả trăm tỷ đồng, chứng tỏ số giếng trong hộ dân còn rất nhiều”.

Với băn khoăn của ông Cao Thanh Bình về thực hư tỷ lệ giảm 81% số giếng nước ngầm, ông Huỳnh Thanh Nhã cho biết, đây là con số thống kê từ UBND các quận, huyện. Có một thực tế là, dù không còn dùng nước giếng, đa phần người dân vẫn giữ lại giếng để dự phòng. Việc lập đề án hỗ trợ dân trám lấp giếng là dựa trên số liệu ban đầu, sau đó sẽ giao cho các quận, huyện trực tiếp làm dựa trên tình hình thực tế. Vừa qua, do dịch bệnh nên việc hỗ trợ trám lấp đã bị gác lại. 

Theo ông Cao Thanh Bình, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến người dân, vì còn nhiều người suy nghĩ “dùng nước giếng để tiết kiệm được phần nào hay phần đó”. Nếu cho người dân hiểu rõ về chất lượng nước ngầm, hậu quả, nhiều người sẽ chọn dùng nước sạch, hoặc ngành tài nguyên - môi trường nghiên cứu tăng mức phí sử dụng nước ngầm thì dân sẽ cân nhắc lợi ích, chọn dùng nước máy. Nhiều trường hợp sử dụng nước ngầm để chăn nuôi, tưới tiêu, nếu chúng ta tuyên truyền, hướng dẫn họ tận dụng nước mưa thì họ sẽ làm, vừa được việc cho mình, vừa giảm ngập nước. 

 

Tọa đàm Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn

 Cho rằng ngành tài nguyên - môi trường cần chủ động, quyết liệt hơn nữa, ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh, đối với TPHCM , khoản kinh phí 100 tỷ đồng cần cho việc hỗ trợ trám lấp giếng là không khó xoay xở; nếu ngân sách không bố trí được thì có thể kêu gọi xã hội hóa. Vấn đề là Sở Tài nguyên và Môi trường phải cho thấy được tính cấp bách của việc bảo vệ nguồn nước ngầm, như tọa đàm này đã đặt vấn đề, đừng để quá muộn. 

Ông nói: “Không lẽ vì 100 tỷ đồng mà chúng ta lại để quá muộn? Ngành y tế đã đưa ra những khu vực ô nhiễm nước giếng, trước mắt chúng ta có thể cấm khai thác nước ngầm tại các khu vực này, vì nếu xảy ra dịch bệnh thì ai chịu trách nhiệm? Cần đưa ra lộ trình giảm số lượng giếng cụ thể, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị. Rất mong các ngành, cơ quan chức năng của TPHCM vào cuộc một cách quyết liệt, người dân cùng chung tay bảo vệ nguồn nước ngầm vì sức khỏe, môi trường và thế hệ tương lai của chúng ta”. 

Sawaco giảm khai thác nước ngầm theo lộ trình

Theo Sawaco, hiện sản lượng nước trên toàn TPHCM (trừ H.Củ Chi) là 1,9 triệu m3/ngày, trong đó sản lượng nước ngầm chỉ chiếm khoảng 3%. Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025, Sawaco được phép khai thác 100.000m3 nước ngầm/ngày.

Tuy nhiên, với chủ trương giảm dần khai thác nước ngầm, Sawaco khai thác nước ngầm với sản lượng thấp hơn mức quy hoạch trước đây. Đến cuối năm 2022, theo lộ trình đã xây dựng, sẽ chỉ còn 19 trạm và Nhà máy Bình Hưng khai thác khoảng 33.000m3 nước/ngày và Nhà máy nước ngầm Tân Phú khoảng 29.000m3 nước/ngày; sang năm 2023, dự kiến giảm thêm 10.000mnước ngầm/ngày; tới năm 2025, Sawaco dự kiến chỉ còn khai thác 30.000m3 nước ngầm/ngày.

Vừa giảm khai thác nước ngầm Sawaco vừa cam kết đẩy mạnh chất lượng cung cấp nước sạch để đảm bảo người dân được tiếp cận nguồn nước sạch bình đẳng, công bằng. Trước đây, TPHCM chỉ cung cấp nước sạch ở khu vực nội thành nhưng sau đó, theo nghị quyết của HĐND TPHCM , ngành cấp nước đã cung cấp nước sạch cho 100% người dân. Những năm gần đây, Sawaco đã đầu tư kinh phí rất lớn để phát triển mạng lưới cấp nước.

Nhiều người không biết mình đang phạm pháp

Cách đây không lâu, tôi có tham gia tư vấn pháp lý trong vụ công nhân ở trọ kiện chủ khu trọ bán nước giếng khoan với giá cao hơn giá nước sạch theo quy định. 

Luật sư Trần Minh Hùng  (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM )

Theo Luật Tài nguyên nước và các quy định dưới luật, muốn khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10m3 trở lên/ngày đêm, phải xin cấp phép. Đối với giếng khoan có chiều sâu lớn hơn 20m, phải đăng ký với cơ quan chức năng cấp huyện. Nếu quy mô từ 10m3 trở lên đến dưới 3.000m3/ngày đêm thì phải đăng ký với cơ quan chức năng cấp tỉnh, trên 3.000m3/ngày đêm trở lên thì nộp hồ sơ tại Cục Quản lý tài nguyên nước để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Về chế tài, mức phạt hành chính cao nhất đối với hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép có thể lên đến 140 triệu đồng; mức phạt hình sự cao nhất là ba năm tù.

Hiện nay, các hoạt động khoan giếng cho các hộ gia đình hay các công trình xây dựng đang ngày một nhiều. Nhưng chủ các cơ sở khoan giếng vẫn chưa nắm bắt được các quy định liên quan đến ngành nghề của mình. Điều đó không chỉ dẫn tới vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng đến nguồn nước như sụt giảm mực nước ngầm, gây sạt lở, sụt lún hoặc ô nhiễm. Vì vậy, theo quy định, các cơ sở này phải đáp ứng các điều kiện đối với ngành nghề và xin giấy phép hành nghề hợp pháp. Nếu không tuân thủ quy định về giấy phép, có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự.

 Luật sư Trần Minh Hùng 
(Đoàn Luật sư TPHCM )

Sơn Vinh - Phương Thanh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI