Cấp bách ban hành các quy định quản lý tài sản ảo

23/12/2024 - 06:37

PNO - Những ngày qua, đồng bitcoin tăng giá mạnh, có ngày đạt gần 100.000 USD, tăng gần 50% chỉ trong vòng 2 tuần. Việc mua bán các đồng tiền số như bitcoin, ethereum, BNB hiện nay khá đơn giản, có thể thông qua các sàn giao dịch với nhiều phương thức khác nhau hoặc mua bán trực tiếp.

Theo báo cáo mới nhất từ Cổng thanh toán tiền điện tử Triple-A, Việt Nam hiện đứng thứ hai trong 10 quốc gia có tỉ lệ người dân sở hữu tiền số lớn nhất thế giới, chỉ sau UAE. Tổng giá trị tiền mã hóa tại Việt Nam lên tới hàng chục tỉ USD. Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết, trong năm 2023, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về lợi nhuận tiền số, chỉ sau Mỹ và Anh với ước tính khoảng 1,2 tỉ USD trên tổng số lợi nhuận 37,6 tỉ USD của toàn cầu.

Với sức hút từ tiền ảo, các vụ lừa đảo đầu tư tài chính và giao dịch xuyên biên giới đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2023, người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000-10.000 tỉ đồng, trong đó 91% vụ lừa đảo liên quan đến đầu tư tài chính. Nhiều người dễ dàng dùng tiền mã hóa để giao dịch. Thực trạng này đặt ra yêu cầu xây dựng chính sách, cơ sở pháp luật cho tiền ảo và giao dịch bằng tiền ảo. Tiền ảo vẫn được giao dịch, vậy thì tại sao không đưa vào quản lý? Cần sớm xây dựng khung pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp thiết đang được đặt ra với tiền số.

Đến nay, nhiều quốc gia đã xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý cho tài sản ảo, tiền ảo. Ở Mỹ, khung pháp lý cho tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo đã có từ năm 2013. Tháng 3/2013, Mạng lưới Thực thi tội phạm tài chính (FinCEN) của Mỹ khẳng định, các sàn giao dịch tiền mã hóa là “doanh nghiệp dịch vụ tiền tệ (MSB)” nên phải lưu giữ tài liệu chứng minh danh tính của khách hàng. Ngày 25/3/2014, Sở Thuế vụ (IRS) Mỹ ra Thông báo 2014-21, xác định các loại tiền mã hóa như bitcoin sẽ bị đánh thuế tài sản chứ không phải tiền tệ. Tháng 11/2021, tiền mã hóa được đề cập trong Đạo luật Việc làm và Đầu tư cơ sở hạ tầng do Tổng thống Joe Biden ký ban hành, được gọi là tài sản số.

Chính phủ nhiều nước đang phải lựa chọn cách ứng xử phù hợp với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo bởi nếu không, sẽ tác động tiêu cực vào chủ quyền quốc gia về tiền tệ, nhằm đạt lợi ích quốc gia tốt nhất, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực.

Việt Nam cần nhanh chóng ban hành các quy định quản lý tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống rửa tiền của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính FATF để đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám. Các đơn vị cung ứng dịch vụ tài sản ảo cần tích cực đề xuất những giải pháp và phối hợp với cơ quan quản lý, hiệp hội nghề nghiệp trong vấn đề hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời đẩy mạnh các chương trình đào tạo cho khách hàng để đầu tư hợp lý và phòng, chống lừa đảo.

Quy định pháp luật là rất cần thiết để bảo đảm một môi trường lành mạnh cho thị trường tiền mã hóa và hoạt động đầu tư tài chính quốc tế. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tham khảo và tiếp thu kinh nghiệm từ các nước, xác định đầy đủ mối quan hệ giữa tiền ảo và tiền thật, tài sản ảo và tài sản thật, kết hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam, xây dựng cơ chế phù hợp để vừa phát huy được mặt tích cực, vừa ngăn ngừa hệ lụy.

Phạm Cường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI