Cao tốc tăng 10km/h: Tranh luận nóng...

04/01/2016 - 06:58

PNO - Việc tăng tốc độ tối đa sẽ có nhiều cái lợi về thời gian, kinh tế. Có thể tai nạn sẽ tăng nhưng chưa chắc đã có nhiều người chết.

Xin giảm tốc là..."đi thụt lùi"

Ngày 31/12/2015, chia sẻ với PhunuOnline, ông Trần Ngọc Sơn - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT tỉnh Lào Cai hoàn toàn ủng hộ dự thảo tăng tốc độ tối đa thêm 10km/h cho tất cả các phương tiện so với quy định hiện hành mà Bộ GTVT đang soạn thảo, dự định thay cho Thông tư 13 vào đầu năm 2016.

Theo ông Sơn, trong năm 2015 trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai xảy ra 151 vụ tai nạn làm 74 người chết và 159 người bị thương. Mô tô và xe máy chiếm 75% số vụ tai nạn, nguyên nhân liên quan đến tốc độ chiếm 46%.

"Thực tế cho thấy, những vụ tai nạn ở Lào Cai là do người điều khiển không tuân thủ quy chuẩn tốc độ, xe đi chậm quá, xe đi nhanh quá nên húc vào nhau. Nguyên lý tốc độ càng cao thì nguy cơ gây tai nạn càng tăng cũng có cơ sở. Nhưng không phải cứ tai nạn là chết người" - ông Sơn nói.

 Cao toc tang 10km/h: Tranh luan nong...
Nhiều vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai là do không tuân thủ quy định tốc độ.

Nói tới trường hợp Ủy ban ATGT tỉnh Long An xin giảm tốc trên đường cao tốc Trung Lương, ông Sơn cho rằng không ai "đi thụt lùi" như vậy. Tốc độ không phải là nguyên nhân quyết định để gây ra tai nạn giao thông mà còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Ông Sơn nêu ra ví dụ, nước Đức không cấm biển hạn chế tốc độ trên đường cao tốc, người tham gia giao thông được đi thoải mái. Thế mà, người chết rất ít vì ý thức của họ tốt hơn.

"Điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông" - ông Sơn kết luận.

Giao quyền tự chủ cho địa phương

Ông Hoàng Hải Bình - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT tỉnh Hưng Yên đề xuất Bộ GTVT nên trao quyền tự chủ cho địa phương trong việc nghiên cứu tăng tốc độ tối đa cho các phương tiện trên tất cả các tuyến đường so với quy định hiện hành.

"Việc tăng tốc độ tối đa hiện nay là đúng nhưng không thể thực hiện đại trà mà phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng tuyến đường, lượng xe đi lại trong từng thời điểm cụ thể. Anh không thể cho phương tiện đi với tốc độ cao vào giờ cao điểm có nhiều người tham gia giao thông hay đoạn đường xấu không thể đi như đoạn đường đẹp" - ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng, chỉ có cơ quan quản lý của địa phương mới hiểu rõ được từng tuyến đường trên địa bàn mình quản lý để đưa ra phương án tốc độ tối đa cụ thể cho từng tuyến đường, khung giờ trong ngày. Từ đó, việc giám sát cũng sẽ có nhiều thuận lợi.

Chi Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI