Cao tốc không chuẩn, “tử thần” rình rập

19/02/2024 - 20:13

PNO - Làm cao tốc là để phục nhu cầu phát triển của đất nước, đi lại của người dân nhưng trước hết nó cần đảm bảo an toàn.

Trước đây từ TPHCM đi Tiền Giang, Bến Tre… các xe đều đi trên tuyến Quốc lộ 1. Đoạn đường tầm hơn 70 km nhưng đi thật vất vả vì xe đông. Đầu năm 2010, khi toàn tuyến cao tốc TPHCM- Trung Lương đưa vào sử dụng, xe chạy bon bon trên đường nhựa phẳng lì.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (phải) giao với cao tốc TP HCM - Trung Lương tại Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành. Ảnh: Hoàng Nam
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (phải) giao với cao tốc TP HCM - Trung Lương tại Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành - Ảnh: Hoàng Nam

Đầu năm 2015 thêm một tuyến cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào khai thác vận hành. Đường cao tốc này như mọi người đã quen với cao tốc trước đó là có dãi phân cách ở giữa, mỗi bên có 2 làn xe, có làn dừng khẩn cấp. Cao tốc chuẩn, phương tiện đi lại rất an toàn.

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18/2

Đến khi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, sau nhiều năm đình trệ được thông xe, người ta bất ngờ, lạ lẫm vì tuy cũng có 4 làn xe, có dãi phân cách nhưng không có làn dừng khẩn cấp mà chỉ có điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4 – 5km/1 điểm. Tài xế chạy cả trăm km, mệt mỏi vẫn phải căng mắt ra chạy đến hết cao tốc mới được nghỉ. 

Đến lượt cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo cũng không khác. Cả tuyến cao tốc không 1 điểm dừng chân. Trước nhu cầu bức thiết của người đi đường, “trạm dừng chân dã chiến” với cầu thang vượt rào cao tốc mọc lên. Ai cũng thấy nguy hiểm bắt đầu phát sinh trên tuyến cao tốc này.

Tính đến nay, ước tính cả nước có hơn 1.700 km đường cao tốc được đưa vào khai thác, nhưng có khoảng hơn 1/3 trong số này không có trạm dừng nghỉ. Có những con đường cũng được gọi là cao tốc nhưng chỉ có 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp và thậm chí cao tốc không có dãi phân cách.

Tai hại hơn có những con đường cao tốc được thiết kế “lạ”, lúc 2, 3 làn, lúc chỉ còn 1 làn tạo nút thắt cổ chai, chẳng khác nào cái bẫy cho tài xế non tay lái. Những tuyến cao tốc có khác đường quốc lộ chăng chỉ là đường cấm xe 2 bánh, xe thô sơ, người đi bộ… và “tử thần” rình rập nhiều hơn. 

Khi lưu lượng xe đi trên các cao tốc tăng cao thì số lượng tai nạn giao thông trên đó cũng tăng theo. Vụ tai nạn đau lòng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18/2 có lẽ ai cũng nhìn thấy bất cập của tuyến cao tốc này: đường lúc phình to 3 làn, lúc bóp nhỏ chỉ còn 1 làn và không có dải phân cách. Tai nạn thảm khốc đã xảy ra!

Nhìn lại, người ta thấy cao tốc có đủ biển báo, cảnh báo nhưng tài xế thiếu quan sát, vượt không đúng quy định. Sau mỗi vụ tai nạn trên cao tốc, người ta thường so sánh với các nước trên thế giới rồi kết luận, lái xe ở nước ta chưa có đầy đủ kỹ năng đi trên đường cao tốc. Thế nhưng nếu không có nút thắt cổ chai kia và con đường có dải phân cách như 1 cao tốc đúng nghĩa thì có lẽ 3 mạng người đã không ra đi oan uổng. 

Làm cao tốc là để phục nhu cầu phát triển của đất nước, đi lại của người dân nhưng trước hết nó cần đảm bảo an toàn. Cao tốc chỉ đạt tiêu chuẩn tốc độ cao và “tử thần” rình rập nhiều hơn thì điều đó cần xem lại. Không thể lấy lý do thiếu tiền hay tài xế thiếu kỹ năng để biện minh sau mỗi vụ tai nạn. 

Nguyễn Thu Đăng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI