Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025: Công an, thanh tra, kiểm toán vào từ đầu

10/01/2022 - 18:48

PNO - Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) khẳng định, công an, thanh tra, kiểm toán sẽ vào từ đầu dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông để đảm bảo công khai, minh bạch

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết để đảm bảo công khai, minh bạch, tại dự án lần này sẽ mời công an, thanh tra và kiểm toán vào làm việc ngay từ đầu
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết để đảm bảo công khai, minh bạch, tại dự án lần này sẽ mời công an, thanh tra và kiểm toán vào làm việc ngay từ đầu

Chiều 10/1, giải trình tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2022, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đã trả lời nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm trong kỳ họp.

Về tổng mức đầu tư, nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn vì suất đầu tư cao, lên tới hơn 200 tỷ đồng/km đường cao tốc, Bộ trưởng lý giải: “Chúng tôi cũng đã tính toán suất đầu tư của từng cây cầu, từng km hầm và từng cái cống, kể cả địa chất thủy văn. Tính toán của tư vấn có căn cứ, cơ sở. Tuy nhiên, để tiến tới đấu thầu hoặc chỉ định thầu, chúng ta còn phải thuê tư vấn lập dự án và lúc đó sẽ xác định cụ thể hướng tuyến, xác định cụ thể các công trình, chúng ta còn bước nữa là thiết kế kỹ thuật và dự toán, lúc đó sẽ khoan địa chất và tính toán rất kỹ. Sau khi chúng ta phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán thì mới chỉ định thầu hoặc đấu thầu. Do đó, góp ý của ĐBQH, chúng tôi xin tiếp thu cũng như có kiểm toán. Trong quá trình làm, chúng tôi sẽ hết sức thận trọng để làm sao đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm nhất”.

Về giải phóng mặt bằng, tái định cư, tư lệnh ngành Giao thông cho biết, việc thực hiện giải phóng mặt bằng tái định cư là do chính quyền địa phương. Nhiều ĐBQH lo, việc giải phóng mặt bằng tốn thời gian, có thể khiến dự án không “về đích” đúng hẹn, Bộ trưởng Thể thông tin thêm, tháng 6/2022, sau khi phê duyệt dự án, Bộ GT-VT sẽ bàn giao mặt bằng cho địa phương và theo ông, phải tập trung giải phóng mặt bằng trong 1 năm rưỡi, đến cuối năm 2023 là phải xong hết toàn bộ và Chính phủ sẽ họp giao ban để kiểm tra, chỉ đạo việc này.

Về vấn đề mỏ đất, Bộ trưởng Thể cho hay, rút kinh nghiệm bài học của giai đoạn 1, giai đoạn 2 này giao nhiệm vụ cho tư vấn ngay từ trong bước lập dự án sẽ xác định đầy đủ các mỏ đất, những mỏ đất đang khai thác thì mở rộng được bao nhiêu, những mỏ đất nằm trong quy hoạch đã có rồi sẽ làm thủ tục mở mỏ ngay, những chỗ chưa có đủ mỏ đất thì phải khảo sát địa chất để bổ sung mỏ và đưa vào quy hoạch của địa phương, sẽ tiến hành mở các mỏ đất để đáp ứng yêu cầu. "Vấn đề biện pháp thi công, chúng tôi sẽ ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới và đặc biệt đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, những vùng đất yếu chúng ta sẽ sử dụng một số hình thức gia cố, trong đó có gia cố đất, gia cố xi măng, rút ngắn được thời gian gia cố và đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật", Bộ trưởng Thể nói.

Về vấn đề đường công vụ, đường gom, đường dân sinh, Bộ trưởng Bộ GT-VT đặc biệt lưu tâm trước những đóng góp của ĐBQH: “Chúng ta đã có hệ thống đường cao tốc hơn 1.000km, những vấn đề liên quan đến đường gom, đường dân sinh, chúng tôi sẽ rút bài học kinh nghiệm để làm sao đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân, kể cả những hầm chui. Riêng đường công vụ, Bộ GT-VT đề xuất sắp tới các đơn vị thi công khi sử dụng một con đường nào đó sẽ ký quỹ và khi công trình kết thúc mà không sửa chữa đầy đủ, chúng ta sẽ sử dụng quỹ này để khắc phục lại”.

Bộ trưởng Bộ GT-VT cũng nhấn mạnh về vấn đề công khai, minh bạch. Rút bài học kinh nghiệm của giai đoạn 1, các cơ quan chức năng như công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia từ đầu dự án.

Về vấn đề chỉ định thầu, Bộ GT-VT khẳng định sẽ thực hiện đúng luật, có hồ sơ yêu cầu, có yêu cầu năng lực và có đầy đủ các tiêu chí và công bố công khai, rộng rãi: "Các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp sẽ đăng ký tham gia. Chúng ta tổ chức xét tuyển đàng hoàng chứ không phải sơ sài chỉ định thầu. Chính phủ dự kiến sẽ thành lập Hội đồng liên bộ để làm sao đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Vấn đề tổ chức thu phí thì đã có Nghị quyết 52 của Quốc hội khóa trước cũng như Nghị quyết 117. Hiện nay chúng tôi đề xuất phương án tổ chức là thu phí. Chúng ta có thể bán quyền thu phí 2 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm, tùy theo điều kiện. Vấn đề này, Chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội".

M.Quang

 
TIN MỚI