Cao tốc Bắc - Nam đấu thầu không thành công sẽ chuyển sang đầu tư công

27/09/2019 - 19:19

PNO - Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GT-VT) Nguyễn Ngọc Đông, dự án đường cao tốc Bắc-Nam sẽ không có chỉ định nhà đầu tư mà sẽ đấu thầu.

Riêng phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đáp ứng 20% nên không thể sửa, đã đấu thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu không bảo lãnh doanh thu và khoản vay nên sẽ tiếp tục duy trì.

Tại buổi họp báo Quý 3/2019 chiều tối 27/9 tại Bộ GT-VT, theo ông Đông, sau khi Bộ GT-VT có quyết định hủy đấu thầu quốc tế chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước thì việc sơ tuyển nhà đầu tư sẽ mất thêm thời gian.

“Bộ GT-VT đã có giải pháp chỉ đạo quyết liệt như: hủy hồ sơ sơ tuyển; yêu cầu khẩn trương hoàn tất hồ sơ sơ tuyển đấu thầu cạnh tranh trong nước rộng rãi; tiến hành phát hành hồ sơ tháng 10 tới...” - Thứ trưởng Đông nói.

Cao toc Bac - Nam dau thau khong thanh cong se chuyen sang dau tu cong
 
Cao tốc Bắc - Nam sẽ loại bỏ nhà đầu tư "tay không bắt giặc"?

Ông Đông cho biết, dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ có sự cạnh tranh rộng rãi trong nước, chưa thể biết bao nhiêu nhà đầu tư tham dự, chỉ đến khi sơ tuyển và nhận hồ sơ mới rõ. Khi chưa có kết quả thẩm định nhà đầu tư nào đủ năng lực, Bộ GT-VT sẽ không công bố do đó là hồ sơ bí mật.

Đề cập đến việc đã tăng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư về năng lực, tài chính, kinh nghiệm, nâng vốn chủ sở hữu lên 20% để loại nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc”, theo ông Đông, dựa vào hành lang pháp lý Nghị quyết 52 của Quốc hội làm theo pháp luật, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đáp ứng 20% nên Bộ GT-VT không thể sửa, đã đấu thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu không bảo lãnh doanh thu và khoản vay nên sẽ tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, Bộ sẽ điều chỉnh tiêu chí về kinh nghiệm làm đường cao tốc.

Nghị quyết 52 của Quốc hội xác định phân chia dự án cao tốc Bắc-Nam thành 11 dự án (3 dự án đầu tư công và 8 dự án PPP). Các dự án đã chốt về pháp lý, cơ sở kỹ thuật kinh tế nên không phân bổ giá trị gói thầu, nếu thay đổi sẽ kéo dài thời gian, chặng thu phí đã được tính toán để hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Trả lời về kịch bản nếu không có nhà đầu tư trong nước nào đáp ứng và lọt qua vòng sơ tuyển thì có chỉ định thầu, ông Đông khẳng định, trong trường hợp giả định không có nhà đầu tư, Bộ GT-VT sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội chuyển sang đầu tư công để kết nối các tuyến với nhau, không có chỉ định nhà đầu tư.

Thừa nhận về vốn tín dụng dự án rất khó khăn trong điều kiện Việt Nam đặc biệt là các gói thầu lớn, Thứ trưởng Đông cho rằng, các dự án BOT Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh trước kia có các gói tín dụng dao động vài trăm tới 1.000 tỷ hoặc 3.000 tỷ đồng.

Hiện, các dự án cao tốc tới, những dự án thông thường vốn vay tương đối lớn 7.000-8.000 tỷ đồng trở lên nên việc huy động vốn tín dụng chắc chắn là khó khăn. Khi chuẩn bị các phương án, Bộ GT-VT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về con số huy động để các ngân hàng thương mại nắm và nghiên cứu, đồng thời kiến nghị một số giải pháp để tạo ra nguồn vốn tín dụng có thể cung cấp.

“Việc cung cấp vốn tín dụng bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện luật pháp của ngân hàng nhưng vẫn phải xem xét tính khả thi của dự án” - Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Mạnh Hà 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI