Cao tốc 7.669 tỷ chậm tiến độ vì thiếu… đất

15/03/2021 - 06:05

PNO - Cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông liên tiếp chậm tiến độ vì… thiếu đất san lấp và vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Theo kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế phải hoàn tất mặt bằng vào cuối năm 2020. Thế nhưng hiện nay, cao tốc ngàn tỷ này liên tiếp chậm tiến độ vì… thiếu đất san lấp và những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, gây bức xúc cho dân.

Chủ mỏ nâng giá để “ém đất”

Trong vai nhà thầu thi công gói XL6 và XL5 của cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần khoảng 400.000m3 đất đắp, chúng tôi đã tiếp cận với ông Trường, được giới thiệu là chủ mỏ đá Trường Thịnh (Thừa Thiên - Huế), để mua đất làm công trình. Ông Trường cho biết, chỉ có thể cung cấp được khoảng 200.000m3 đất đẹp, đúng chuẩn.

“Tôi đang cung cấp cho một số nhà thầu với giá mỗi m3 vận chuyển đến công trường từ 75.000 - 85.000 đồng, tùy vị trí. Chỗ anh gần hơn thì lấy 75.000 đồng/m3, không bớt”, ông Trường nói.

Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang được các nhà thầu thi công
Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang được các nhà thầu thi công

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua vật liệu tại mỏ, tự vận chuyển vì có đội xe đang “đói việc”, ông Trường quả quyết “xe các anh vào chở dễ gây lộn xộn, chúng tôi sẽ bao luôn vận chuyển”.  

Theo một cán bộ Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh phụ trách thi công gói thầu XL5, XL6 nhẩm tính, với cách tính 75.000 đồng/m3 đến chân công trường, trừ chi phí vận chuyển (khoảng 20km), vật liệu đất đắp này có giá khoảng trên 50.000 đồng/m3, tức là đã cao hơn rất nhiều so với mức giá công bố của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cụ thể, vào năm 2019 khi khảo sát, lập dự toán cho dự án, đất đắp được tỉnh Thừa Thiên - Huế thông báo là 27.500 đồng/m3, đến nay thông báo của địa phương là 31.500 đồng/m3, nhưng thực tế các chủ mỏ đang bán với giá trên 50.000 đồng/m3

Các chủ mỏ tìm cách lách luật bằng việc không công bố giá bán trực tiếp từng m3 đất đắp như trước đây mà gộp cả chi phí vận chuyển vào để ép đơn vị thi công. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến việc thi công dự án cao tốc La Sơn - Cam Lộ đang diễn ra ì ạch, chậm tiến độ vì giá mua đất san lấp thực tế cao hơn giá được duyệt. 

Không chỉ đất san lấp, ngay cả cát phục vụ thi công cao tốc cũng đang bị các chủ mỏ đẩy giá lên mức “cắt cổ”. Đại diện một nhà thầu thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua tỉnh Quảng Trị tiết lộ: “Giá cát được tính trong dự toán vào khoảng 170.000 - 190.000 đồng/m3, nhưng bây giờ chúng tôi đang phải mua tại bãi là 270.000 đồng/m3, chưa kể phí vận chuyển. Mặc dù giá cao, nhưng không có để mua. Nhiều đoạn tuyến thi công ở Huế nhưng phải lấy cát từ Quảng Trị hoặc Quảng Nam về”.

Trước tình trạng này, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế để tăng nguồn cung ứng đất san lấp bằng việc xin gia hạn, mở rộng những mỏ đất trên địa bàn tỉnh này và xin cấp phép thêm mỏ đất mới.

“Ban sẽ tham gia đấu thầu để chủ động nguồn đất san lấp phục vụ dự án. Ngoài ra, hiện giá đất san lấp ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cao hơn so với các địa phương khác. Sau khi ban làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và các chủ mỏ đất, giá đất san lấp có giảm xuống nhưng không đáng kể”, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay.

Thiếu khoảng 2 triệu m3 đất san lấp

Ngoài thiếu khối lượng lớn đất san lấp, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế còn gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Ông Lê Công Diễn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết tính đến hết tháng Hai công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn tỉnh đạt 99,25%, bàn giao được 65,9km. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành xây dựng chín khu tái định cư cho 178 hộ dân và hoàn thành di dời khoảng 800 ngôi lăng, mộ.

Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc tại một số đoạn trên tuyến. Nguyên nhân chậm trễ là do người dân chưa thống nhất theo phương án bồi thường giá đất và tài sản trên đất. Mặt khác, một số hộ dân đang đợi làm xong nhà tại các khu tái định cư mới di dời.

Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa kéo dài ảnh hưởng đến việc triển khai di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh phí bồi thường hỗ trợ di dời, xây dựng tái định cư còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của công tác di dời của địa phương.

“Ban giải phóng mặt bằng Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc tại hiện trường các điểm di dời. Đối với hạ tầng kỹ thuật cấp nước, viễn thông cơ bản đã được di dời hoặc di dời tạm đảm bảo mặt bằng cho đơn vị thi công. Toàn tuyến có 30 vị trí ảnh hưởng đường dây điện trung, hạ thế và một số đường dây cấp điện, nước sau đồng hồ đang được các đơn vị tiến hành lập hồ sơ bổ sung và di dời trước để bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh. Tất cả các bên liên quan đang nỗ lực giải quyết vướng mắc, dự kiến đến cuối tháng 3/2021 sẽ hoàn thành”, ông Diễn thông tin.

Mới đây, trực tiếp thị sát công tác thi công trên công trường cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày 9/3 Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, dự án cao tốc là công trình trọng điểm quốc gia nên cần hạn chế tối đa những thiếu sót, trong đó tiến độ thi công, chất lượng công trình là yếu tố hàng đầu.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các chủ đầu tư bố trí làm việc một cách khoa học, có kế hoạch cụ thể. Đồng thời, quá trình thi công phải tuân thủ các quy trình, đảm bảo chất lượng cũng như tính ổn định, bền vững của công trình. Lưu ý các vị trí tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt vào mùa mưa lũ, đảm bảo chắc chắn, độ chặt ở các vị trí kè, ốp mái cũng như xử lý triệt để các vị trí có xuất hiện mạch nước ngầm…

Hiện nay, dự án chuẩn bị đến giai đoạn thi công lớp móng, lớp mặt, vì vậy công tác chuẩn bị, quy trình, tập huấn cho các đơn vị thi công phải được triển khai nghiêm túc, đặc biệt là chuẩn bị nguồn vật liệu, dây chuyền công nghệ hiện đại để tổ chức thi công. Thứ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu, tiến độ hoàn thành dự án phải cán đích đúng theo thời hạn hợp đồng. Đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung công tác giải phóng mặt bằng các đoạn còn lại trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, sớm hoàn thành bàn giao mặt bằng cho dự án này. 

Cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế có tổng chiều dài 66,4km (62,6km tuyến chính và 3,8km tuyến hoàn trả đường tránh Huế), đi qua bốn huyện, thị xã gồm Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc với tổng mức đầu tư là 7.669 tỷ đồng. Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, hiện công tác thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang bị ảnh hưởng, chậm tiến độ. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI