Cao ốc Thuận Việt: Dân mất ngủ vì lối thoát hiểm thành quán ăn

30/08/2014 - 06:05

PNO - PN - Theo quy định, cao ốc từ mười tầng trở lên phải có ít nhất hai lối thoát hiểm, nhưng cao ốc Thuận Việt (319 Lý Thường Kiệt, P.15, Q.11, TP.HCM) cao đến 16 tầng nhưng chỉ có một lối thoát hiểm, vì lối còn lại đã bị chủ đầu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Kiểm tra thực tế, xử lý… trên giấy

Theo các cư dân, vào đầu năm 2010, khi họ đến nhận nhà, cao ốc Thuận Việt có đầy đủ hai lối thoát hiểm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, bất ngờ chủ đầu tư công trình là Công ty TNHH đầu tư bất động sản Thuận Việt (CT Thuận Việt) chốt chặn một trong hai lối thoát ra khu vực hành lang chung của cao ốc. Đồng thời, chủ đầu tư (CĐT) quây toàn bộ khu vực này lại để xây thêm gác lửng, nhà vệ sinh, cầu thang... Cư dân phản ứng quyết liệt nhưng CĐT không tháo dỡ. Sau gần nửa năm, toàn bộ khu vực này đã biến thành một căn hộ được CĐT đặt số nhà 0.07.

Bức xúc, các cư dân gửi đơn phản ánh đến chính quyền địa phương và Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Q.11. Theo kết quả kiểm tra của Phòng Cảnh sát PCCC Q.11: lối thoát nạn tại khu vực tầng trệt của cao ốc đã bị chặn lại, biến lối đi thành cửa hàng kinh doanh ăn uống. Phòng Cảnh sát PCCC Q.11 lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính CT Thuận Việt và đề nghị mở lại lối thoát nạn. Tuy nhiên, sau đó CT Thuận Việt vẫn không chấp hành.

Các cư dân tiếp tục phản ánh, khoảng giữa năm 2012, Cảnh sát PCCC TP.HCM và Q.11 tái kiểm tra lập biên bản nêu rõ: “Việc CT Thuận Việt bít lối thoát hiểm, mở thêm khu vực kinh doanh là sai so với thiết kế, đề nghị khôi phục lại hiện trạng ban đầu”. Nhưng một lần nữa, sau khi kiểm tra, mọi chuyện lại như cũ.

Bức bách, các cư dân đành cầu cứu UBND Q.11. Cuối năm 2013, UBND Q.11 có văn bản số 1423/UBND nêu rõ: Đây là khu vực dùng làm lối thoát nạn thứ hai của công trình, vì vậy CT Thuận Việt phải khôi phục lại nguyên trạng ban đầu để đảm bảo an toàn cho cư dân, hạn chót đến cuối tháng 3/2014. Tuy nhiên, đến nay, tất cả các chỉ đạo của cơ quan chức năng đều như… “nước đổ đầu vịt” và cũng không nơi nào có biện pháp xử lý đối với CT Thuận Việt.

Cao oc Thuan Viet: Dan mat ngu vi loi thoat hiem thành quán an

Phía sau cửa hàng kinh doanh này là lối thoát hiểm đã bị bít lại

Lỗi chính quyền, người dân gánh?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân CT Thuận Việt không đồng ý khôi phục hiện trạng ban đầu vì trước đó, CT đã bán toàn bộ khu vực lối thoát nạn nói trên (có diện tích 134,5m2) cho ông Phạm Tuấn Anh (59 Âu Cơ, P.9, Q.Tân Bình) với giá 130.950 USD. Sau đó ông Anh chuyển nhượng lại cho bà Trương Thị Nguyệt (245/5 Lý Thường Kiệt, P.15, Q.11). Sau khi nhận nhà, bà Nguyệt kinh doanh dịch vụ ăn uống và được CT Thuận Việt làm thủ tục xin cấp giấy chủ quyền nhà ở. Tuy nhiên, đầu năm 2014, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM) đã có văn bản gửi Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q.11 đề nghị không giải quyết cấp giấy chủ quyền cho trường hợp này vì vị trí căn nhà trên là nơi dùng làm lối thoát nạn. Đến nay, căn nhà này vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thế Trí - Trưởng phòng Hành chính quản trị CT Thuận Việt lại kịch liệt phản đối: “CT không hề làm sai thẩm định thiết kế của Cảnh sát PCCC TP”. Đưa bản vẽ công trình cho chúng tôi xem, ông Trí khẳng định, trước đây, Cảnh sát PCCC TP.HCM phê duyệt cho cao ốc Thuận Việt chỉ có một lối thoát nạn. Còn khu vực mà người dân cho rằng là lối thoát nạn ra hành lang chung của cao ốc thì cơ quan chức năng phê duyệt cho phép CT xây dựng kinh doanh dịch vụ thương mại. Tuy nhiên, khi cư dân phản ánh thì Thanh tra Cảnh sát PCCC TP.HCM lại cho rằng, theo tiêu chuẩn, cao ốc Thuận Việt phải có hai lối thoát nạn và khu vực kinh doanh có thể làm lối thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp. Điều này khiến cư dân hiểu lầm CT đã bít lối thoát hiểm, lấy không gian chung đem bán làm nơi kinh doanh.

Để giải quyết vấn đề này, cơ quan PCCC lại đề ra giải pháp: trước mắt cho cư dân đi xuyên qua khu vực kinh doanh và đơn vị kinh doanh phải chừa lối đi thông thoáng 24/24 giờ. Đồng thời đề nghị CT cân nhắc mở lối thoát hiểm thứ hai. Điều này đồng nghĩa với việc cửa hàng kinh doanh không được đóng cửa ra vào bất kỳ thời điểm nào. Trong khi đó, đây là cửa hàng kinh doanh, người đầu tư có quyền đóng cửa để bảo vệ tài sản của mình. Về phía CT, qua khảo sát, hiện không có nơi nào có thể mở thêm lối thoát hiểm thứ hai, ngoài việc CT phải chấp nhận thỏa thuận với chủ kinh doanh bỏ tiền ra mua lại một phần khu vực kinh doanh rộng để làm lối thoát hiểm cho cư dân.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Trương - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương, việc công trình xây dựng chưa đúng quy định, buộc phải sửa chữa lại để đảm bảo an toàn cho cư dân. Đối với những cá nhân, đơn vị bị thiệt hại hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu đền bù. Cụ thể, người chủ kinh doanh có thể kiện CT Thuận Việt vì không được cấp giấy chủ quyền và ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Còn CT Thuận Việt có thể kiện Cảnh sát PCCC TP.HCM vì phê duyệt thiết kế không đúng quy chuẩn, gây thiệt hại cho CT.

 Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI