|
Đất được thu mua để san lấp mặt bằng làm nền nhà ven quốc lộ |
Đồng ruộng thành công trường
Trưa đứng bóng, trên cánh đồng dọc theo con đường nhựa ở ấp 9, xã Hậu Lộc, H.Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, hàng chục chiếc xe ben cải tiến đang đua nhau nhả khói. Tuần tự từng xe đậu nối đuôi chờ nhận đất từ hai chiếc xe múc, mỗi gàu múc được chừng nửa khối đất.
Ở phía xa xa, các xe ủi cào lên từng tảng đất mặt ruộng còn xen lẫn từng búi rạ vàng ươm. Lớp đất mặt ruộng bị xe ủi cào sâu xuống khoảng 2 tấc. Giữa các chiếc xe đang gầm rú là hàng trăm mô đất đã được gom lại, chờ các xe đến múc, chở đi. Miền Tây đang mùa khô hạn, ruộng đồng khô khốc, kênh nội đồng trơ đáy nên những chiếc xe cơ giới chạy trên đồng ruộng khá dễ dàng.
“Do dạo này người ta cần đất để san lấp nên chúng tôi tranh thủ làm. Nếu mua theo xe thì mỗi xe 250.000-350.000 đồng, còn chở ăn chuyến thì mỗi chuyến 100.000-150.000 đồng tùy gần hay xa. Sau khi trừ đi chi phí, xăng dầu, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 1,5 triệu đồng” - anh Nguyễn Văn Xa, một tài xế xe cải tiến, cho biết.
“Do là hàng xóm quen biết nên tôi mua đất mặt ruộng theo diện tích, mỗi công đất 1.000m2 có giá dao động từ 1,5-2 triệu đồng, chủ ruộng chỉ cho lấy sâu xuống từ 1-1,5 tấc thôi” - ông Nguyễn Văn Sáu, ở ấp 6, xã Hậu Lộc, nói. Ông Sáu có gần 1ha trồng cam sành ở mé sông, mùa mưa thường bị ngập nước. “Mua đất này 5 công, cộng thêm tiền thuê xe thu gom và chở về nâng vườn chỉ tốn 30 triệu đồng. Chi phí vậy là quá rẻ, mà mình lại được loại đất tốt cho cam” - ông Sáu nói.
Chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng cho biết, từ khi cơ quan chức năng làm quyết liệt với nạn khai thác cát lậu, nhiều mỏ cát bị đóng cửa nên giờ người ta chuyển qua sử dụng đất ruộng để san lấp mặt bằng, vừa tiện lợi, vừa rẻ.
|
Một mảng ruộng vừa được cạo lớp đất phù sa xong |
Hình ảnh những chiếc xe cơ giới rầm rộ khai thác đất mặt trên đồng ruộng kiểu này khá phổ biến ở tỉnh Vĩnh Long, như các xã Hậu Lộc, Mỹ Lộc, Hòa Thuận, Hòa Hiệp của H.Tam Bình, các xã Trung Hiếu, Trung Thành, Hiếu Phụng, Tân An Luông của H.Vũng Liêm, các xã Phú Đức, Hòa Phú của H. Long Hồ, các xã Tân Long, Tân Long Hội của H.Măng Thít…
Thời gian qua, nhiều tỉnh cuối nguồn của vùng đồng bằng sông Cửu Long bị hạn mặn, thì ở tỉnh đầu nguồn An Giang bước vào cao điểm của khô hạn. Tình trạng bán lớp đất mặt ở tỉnh đầu nguồn này cũng diễn ra rầm rộ do có giá cao ngất ngưởng. Có người ví H. Chợ Mới là “thủ phủ khai thác đất mặt”. Cánh đồng rộng hàng trăm héc-ta ở xã Mỹ Hội Đông, H. Chợ Mới những ngày từ đầu tháng Ba đến nay trở thành công trường khai thác, bởi xe ủi, xe cuốc, xe ben hoạt động ngày đêm.
Theo Phòng Kinh tế H. Chợ Mới, tại địa phương có khoảng 130 cơ sở làm gạch, nhu cầu sử dụng nguyên liệu để sản xuất gạch hằng năm lên đến 400.000m3 đất. Do đó, để đảm bảo cho việc sản xuất gạch, gốm và các sản phẩm khác từ đất nung, các chủ cơ sở phải thỏa thuận với nông dân để mua và khai thác lớp đất mặt.
Cứ thế, những lớp đất thịt màu mỡ trên đồng ruộng dần dần bị bóc đi, mang san lấp các khu dân cư, làm nguyên liệu trong các lò gạch.
Cạo bay tầng đất giàu phù sa
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại đồng bằng sông Cửu Long, những năm gần đây, cứ đến mùa khô, bà con lại bán đất mặt.
“Gần như toàn bộ cánh đồng này đã được lấy xuống hơn ba tấc đất mặt” - một nông dân ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hội Đông, H. Chợ Mới nói. Theo ông này, trạm bơm thủy lợi hoạt động cầm chừng nên khá nhiều gia đình đành bỏ hoang đất suốt mấy tháng qua. “Chủ đất kêu bán lớp mặt, xe đến thu gom rầm rộ ngày đêm mà chẳng thấy ai xử lý” - ông ngao ngán.
Theo quan sát của chúng tôi, khá nhiều mảnh ruộng được lấy đất mặt rất sâu. “Ruộng này chờ nước về chỉ để nuôi cá chứ trồng lúa gì được nữa” - ông Trương Văn Thanh, một lão nông tại địa phương, nói. Theo ông Thanh, đất ở đây được các chủ lò gạch mua ngầm với nông dân. “Giá mỗi công đất đào xuống một tấc hơn triệu đồng, nếu chịu đào sâu hơn, giá gần 100 triệu đồng. Giá cao ngất ngưởng thì ai mà chẳng muốn bán” - ông Thanh nói.
|
Các phương tiện xe cơ giới được huy động đến ruộng sâu để thu gom đất mặt |
Dưới bóng mát hàng bạch đàn ven lộ, ông Lê Văn Tứ - ở ấp 9, xã Hậu Lộc, H.Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long - ngồi nhìn từng đoàn xe đang thu gom đất trên mảnh ruộng bốn công của mình: “Hồi xưa, đất đâu có gò dữ vậy. Vài năm trở lại đây, mùa nào cũng thiếu nước. Mùa đông xuân còn làm tạm được, chứ vụ hè thu thì đành chịu chết với đất gò”. Mảnh ruộng nhỏ của ông Tứ nằm lọt thỏm trên cánh đồng xa tít mắt mà hầu hết đều đã bị cạo lớp đất mặt. “Ngoài đó, giờ người ta mua đất ruộng làm nền cất nhà chứ còn ai san bằng cát nữa đâu” - ông Tứ chỉ tay về hướng dãy nhà mới xây ven Tỉnh lộ 909 - con đường chính nối liền H.Tam Bình với tỉnh lỵ Vĩnh Long.
Ông Lê Chí Đức - ở ấp An Hòa, xã Phú Đức, H. Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết vừa cạo bán lớp đất mặt bảy công. “Hồi xưa, nước vô tràn đồng, nước dưới kinh lúc nào cũng mênh mông, luôn đủ nước tưới cho cả cánh đồng. Mùa khô thì trồng rau màu cũng dư sức tưới. Giờ phải cạo bán đất mới mong giữ được nước. Khu kế đây người ta đã cào hết rồi, mình mà không cào thì nước nôi, phân bón thả xuống chạy qua ruộng người ta hết. Chưa bao giờ thấy cảnh làm ruộng mà phải khổ cực đến mức này” - ông Đức than.
Nếu như ở Vĩnh Long, hoạt động cạo bán đất mặt ruộng chỉ diễn ra khoảng một tháng qua kể từ sau vụ lúa mùa đông xuân muộn thì tại tỉnh Bến Tre, bà con nông dân đua nhau bán đất mặt từ nhiều tháng trước do được cơ quan chức năng khuyến cáo không xuống giống do hạn, mặn. Qua tìm hiểu, bà con cho biết, ngoài việc có thêm thu nhập để bù đắp cho việc không xuống giống, việc bán đất mặt là để hạ thấp mặt ruộng cho bằng với mực nước nội đồng, giảm chi phí bơm nước.
“Năm rồi đã bán đất xuống một tấc cho bằng với các ruộng bên cạnh. Mùa hè thu năm ngoái, bơm nước lên hôm trước thì hôm sau ruộng lại cạn queo do chảy sang các ruộng bên. Giờ phải cạo xuống thêm một tấc nữa chứ làm mùa rồi thất quá, lúa thóc đâu có mà ăn” - ông Lý Văn Tân, ở ấp Cầu Vĩ, xã Mỹ Chánh, H. Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nói.
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng khai thác đất mặt tại địa phương, một lãnh đạo của UBND xã Tân Xuân, H. Ba Tri cho biết, chính quyền địa phương đã khuyến cáo bà con ngưng khai thác đất mặt ruộng để bán, nhưng vẫn chưa có hiệu quả. “Mùa khô thì bỏ vụ, lại thêm chuyện mực nước biển mỗi năm mỗi dâng cao nên chúng tôi chưa có cách nào ngăn cản bà con được” - vị lãnh đạo này nói.
“Chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo bà con nông dân cách cải tạo gò, lấy đất đúng phương pháp nhưng nông dân không làm theo” - bà Huỳnh Cẩm Hằng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H. Long Hồ - nói. Theo bà Hằng, số tiền nhận được từ việc bán đất sẽ không đủ để bù đắp vào những thiệt hại sau đó, vì tầng đất canh tác lúa dày khoảng ba tấc, nếu cạo đi lớp đất mặt này thì các mùa vụ sau sẽ không giữ được dinh dưỡng trong đất và nước cho cây. Nước và phân bón dễ dàng ngấm xuống sâu nhanh hơn. Bà con nông dân phải mất nhiều năm mới có thể tạo nên lớp phù sa dinh dưỡng cho lúa.
Một thực nghiệm của ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre công bố gần đây cho thấy, chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu cho ruộng lúa đã bóc đi lớp đất mặt ở vụ sau sẽ tăng từ 2-3 lần so với các thửa ruộng không bị khai thác đất mặt. Bên cạnh đó, năng suất lúa của vụ sau cũng giảm ít nhất 15%.
Từ Nhân