LHP Cannes đã “hạ cánh” an toàn sau 12 ngày diễn ra với kết quả làm hài lòng dư luận. Dù Shoplifters có thể không nằm trong sự đoán của nhiều người nhưng Cành Cọ Vàng (Palme d'Or) trao cho đạo diễn người Nhật Hirokazu Kore-eda là điều tất cả đều hài lòng. Với chiến thắng này, hành trình tại Cannes của điện ảnh châu Á vượt lên như một đối thủ đáng gờm.
Cate Blanchett gọi Shoplifters là sự lựa chọn đúng
Năm nay, điện ảnh châu Á có 8 cái tên tranh Cành Cọ Vàng. Đây là một con số cao kỷ lục tại Cannes trong 71 năm qua. Cùng với chất lượng và những đánh giá từ giới chuyên môn, việc nhận về các giải thưởng là điều chắc chắn nhưng Palme d'Or dành cho Shoplifters vẫn là bất ngờ lớn.
Chủ tịch hội đồng giám khảo Cannes Cate Blanchett gọi đây là một quyết định khó khăn nhưng là sự lựa chọn đúng đắn cho Palme d'Or. Blanchett nói: “Chúng tôi đã hoàn toàn bị khuất phục trước Shoplifters”.
|
Đạo diễn Hirokazu Kore-eda giành Cành Cọ Vàng trên sân khấu Cannes |
“Trong một sự nghiệp lâu dài của những đỉnh cao đáng kinh ngạc, Hirokazu Kore-eda đã đưa ra một trong những tác phẩm hay nhất của anh ấy. Shoplifters là một câu chuyện hấp dẫn liên quan đến gia đình theo cách mà tôi chưa bao giờ thấy trước đây", Eamon Bowles, chủ tịch của Magnolia Films, nắm quyền khu vực Bắc Mỹ nói về Shoplifters.
Lý giải cho nguyên nhân Shoplifters được vinh danh, từ góc độ khán giả, nhiều người cho rằng sự ổn định của đạo diễn Hirokazu Kore-eda trong bộ phim lần này và 6 lần xuất hiện trước đó tại Cannes trong 20 năm qua chứng tỏ anh xứng đáng được tôn vinh.
Trước buổi bế mạc, một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phê bình quốc tế do Screen International thực hiện, Shoplifters bất ngờ đứng đầu danh sách. Thậm chí, họ đặt lên bàn cân 3 ứng cử viên là Shoplifters của Nhật, Burning của Hàn, Ash is purest white của Trung để so sánh khả năng đoạt giải, phần nhiều nghiêng về Burning vì tính đột phá nhưng so với độ phù hợp với Cannes, Shoplifters vẫn là câu trả lời cuối cùng.
Những sự công nhận không giải thưởng
Trước thềm lễ trao giải diễn ra, trong những buổi chiếu phim và các hoạt động bên lề, các ê-kíp đến từ châu Á luôn được quan tâm. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Li-băng, Nga, Iran là 6 quốc gia châu Á tham dự vào cuộc chạy đua chính thức của Cannes 2018, tăng thêm 3 quốc gia so với LHP lần thứ 70. Dĩ nhiên, số lượng không phản ánh được chất lượng, nhưng 8 bộ phim lần này đều là "những quả bom lớn" tại Cannes 2018.
Trong đó, Everybody knows của đạo diễn Asghar Farhadi (Iran) được chọn mở màn LHP. Một đại diện khác của Iran là Three faces của đạo diễn Jafar Panahi, Asako I&II của đạo diễn Ryusuke Hamaguchi và Shoplifters của Hirokazu Kore-eda đến từ Nhật, Ash is purest white của Giả Chương Kha (Trung Quốc), Burning của Lee Chang Dong (Hàn Quốc), Capharnaum của đạo diễn Nadine Labaki (Li-băng) và Leto của đạo diễn Kirill Serebrennikov (Nga). Chưa bao giờ trong lịch sử Cannes, điện ảnh châu Á lại có cuộc đổ bộ ấn tượng về số lượng như vậy.
Chưa kể, những hạng mục phụ tại Cannes 2018 xuất hiện nhiều cái tên châu Á, mà trong đó, Việt Nam góp mặt với Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nữ diễn viên Trần Lãng Khê góp mặt trong tác phẩm điện ảnh Les confins du monde tham gia hạng mục Director Fornight, Trần Quốc Bảo (người Mỹ gốc Việt) đạo diễn phim Hổ giấy tham dự vào hạng mục Proof of Concept Presentation hay Lý Nhã Kỳ góp vốn cho Angel Face.
|
Diễn xuất của Yoo Ah In trong Buring nhận về nhiều khen ngợi |
Mặc dù ra về trắng tay tại Cannes 2018 nhưng Burning của Lee Chang Dong để lại ấn tượng sâu đậm và nhiều tiếc nuối cho các nhà phê bình. Sau ngày công chiếu 16/5, Thierry Frémaux - Giám đốc điều hành LHP, nhận xét về Burning: "Đây là một tác phẩm tuyệt vời và mạnh mẽ, đậm chất thơ và sự bí ẩn". Trong khi đó, tờ Hollywood Reporter đặc biệt khen ngợi 3 diễn viên chính Yoo Ah In, Steven Yeun và Jeon Jong Seo. Với sự xuất sắc về chất lượng, Burning nghiễm nhiên đạt số điểm đánh giá cao ngất ngưỡng trên tạp chí điện ảnh Mỹ Ioncinema và International Cinephile Society Films (ICS).
Sự trở lại quá thành công của Lee Chang Dong sau 8 năm vắng bóng càng khiến dư luận tiếc cho Hàn Quốc vụt khỏi Cành Cọ Vàng nhưng hơn một giải thưởng, sự ghi nhận từ giới phê bình đáng giá hơn nhiều cho giá trị của Burning khi ra rạp chính thức.
|
Ash is purest white nhận về nhiều khen ngợi nhưng may mắn chưa mỉm cười với đạo diễn Giả Chương Kha |
Xếp liền sau Burning, Ash is purest white của Giả Chương Kha, Capharnaum của đạo diễn Nadine Labaki, Three faces của đạo diễn Jafar Panahi cũng nhận về những điểm số cao cho chất lượng. Nữ đạo diễn Nadine Labaki đến từ Li-băng là một ẩn số lớn hứa hẹn sẽ bùng nổ tại Cannes sau này vì ngay sự xuất hiện đầu tiên, cô đã để lại ấn tượng mạnh với Capharnaum – phim nhận được Giải thưởng Ban giám khảo.
Cộng hưởng sức mạnh – điện ảnh châu Á đáng gờm
Không chờ đến Cannes 2018 để “phô diễn sức mạnh nhưng có lẽ, chỉ ở LHP năm nay, sự vượt trội về số lượng lẫn chất lượng của điện ảnh châu Á mới được thể hiện tuyệt đối.
“Chúng tôi phải đặt sở thích cá nhân của mình sang một bên để đi đến một quyết định chung dành cho Cannes. Điều đó thật sự khó khăn. Cành Cọ Vàng phải là một bộ phim mang lại nhiều cảm xúc khác nhau và Shoplifters, tuy nói về vấn đề khá nhức nhối nhưng sau cùng, đó là một bộ phim phi thường của đạo diễn Hirokazu Kore-eda, gương mặt quen thuộc của Cannes”, bà chủ tịch Cate Blanchett nói tại buổi họp báo sau bế mạc. Nữ diễn viên liên tục khen ngợi nội dung phim Shoplifters và không quên nhắc đến những bộ phim châu Á khác, trong đó có Capharnaum.
Sự thành công của Shoplifters đánh dấu bộ phim châu Á thứ 13 góp mặt vào danh sách Cành Cọ Vàng của Cannes. Tuy chỉ 13 lần đạt giải trong lịch sử Cannes nhưng sự công nhận tài năng của các nhà chuyên môn dành cho điện ảnh châu Á trong 3 năm trở lại đây rõ ràng hơn trước.
|
Từ trái sang Lea Seydoux, Cate Blanchett và Kristen Stewart tại thảm đỏ Cannes 2018 |
Trả lời với báo chí trong một hoạt động thuộc LHP, Thierry Frémaux - Giám đốc điều hành LHP cho rằng châu Á đang xuất hiện nhiều tài năng hơn. Họ ghi dấu ngày càng mạnh trong các bộ phim. Trong đó, nhiều người đã từng xuất hiện ở Cannes các năm và có thể họ có nhiều kinh nghiệm hơn.
Dường như, điện ảnh châu Á đang tiệm cận với điện ảnh thế giới một cách mạnh mẽ hơn. Hay có thể đặt giả thuyết một LHP “già cỗi” (Cannes) và một cây non đang phát triển (điện ảnh châu Á) tìm thấy được sự tương hỗ để cùng tồn tại. Điều đó chấp nhận được vì trước Cannes 2018, LHP có lịch sử lâu đời của châu Âu này đang đứng trước nhiều vấn đề buộc phải thay đổi để làm mới mình trong khi điện ảnh châu Á đang là cái nôi cho nhiều tài năng mang tính đột phá.
|
Ê-kíp Shoplifters trước buổi họp báo giới thiệu phim tại Cannes |
Ngoài ra, sự đổ bộ của “người châu Á” trên thảm đỏ Cannes 2018 và các hoạt động liên quan như "cơn vỡ trận" cho LHP năm nay. Xuất hiện khiêm tốn và lố bịch, sang trọng và hạ đẳng nhưng vẫn phải thừa nhận, người châu Á đổ bộ đến Cannes để khẳng định bản thân là có thật. Dù điều đó khiếm nhã như cách người đẹp Trung Quốc giả vờ ngã sõng soài trên thảm đỏ để nổi tiếng thì cái danh “người châu Á” tại Cannes đã xuất hiện dày đặc hơn.
Hơn những điều dự đoán, tính theo cấp số nhân và chất lượng phim trong Cannes các mùa, điện ảnh châu Á dần trở nên đáng gờm là điều có thật.
Minh Tú