Điện thoại di động trở thành thiết bị không thể thiếu của nhiều người, thậm chí không ít người bị “nghiện” chúng. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh xảy ra, rạp phim, hàng quán đóng cửa… buộc con người phải tìm đến những hình thức giải trí trên mạng. Khi đó, điện thoại thông minh lại càng cho thấy sức hấp dẫn.
Hà Anh thú nhận chị cũng “nghiện” điện thoại, bởi nhiều lý do. Mọi công việc của chị đều phải thông qua điện thoại như: email, chụp ảnh, chỉnh ảnh, tương tác với bạn bè trên các mạng xã hội, mua đồ online, tìm người giúp việc… Mọi thứ có thể điều khiển/tiêu khiển/kết nối chỉ bằng những cú click trên điện thoại.
|
Siêu mẫu Hà Anh và ông xã |
Chị cho biết có những buổi tối thư giãn tại nhà, hai vợ chồng cũng dí mắt vào điện thoại. Trong khi ông xã xem tin tức thể thao thì Hà Anh giải quyết công việc hoặc tán dóc với em gái. Thậm chí, khi vừa thức dậy họ phải lướt tin nhắn, xem Facebook có gì mới mẻ.
Nhận thấy việc “nghiện” này, Hà Anh đã có động thái nhất định. Chị để chế độ máy bay từ 10g tối trở đi. Thời gian này, chị dành hết suy nghĩ cho việc có một giấc ngủ ngon, không lo lắng công việc hay bất cứ thứ gì.
Tuy nhiên, chị cho rằng vẫn còn một nhược điểm hay dùng điện thoại rất nhiều trước mặt con. “Con bé nhiều khi phải cạnh tranh với cái điện thoại để mẹ chú ý bằng cách nắm lấy cái điện thoại của mẹ rồi gạt ra chỗ khác.
Những lúc ấy đang làm việc gì đó tôi cảm thấy bực bội, nhưng rồi nhanh chóng nhận ra rằng thời gian và sự đầu tư chú ý cho con mà không có sự sao lãng nào là vô giá. Nó cho con bé biết rằng con bé quan trọng nhất trên đời trong con mắt của mẹ”, chị tâm sự.
|
Hà Anh và con gái |
Tối 9/5, Hà Anh và ông xã "trốn" con để hẹn hò ăn tối. Một sự việc diễn ra khiến chị thức tỉnh, dẫu đã có cái nhìn tương đối tỉnh táo với điện thoại trước đó.
Bên cạnh bàn của vợ chồng Hà Anh là một cặp đôi. Trong suốt một tiếng rưỡi, cô gái dí mắt vào điện thoại đến khoảng 97% thời gian. Do không gian nhỏ nên chị có thể thấy một phần hoạt động của cô gái, nào lướt TikTok, xem các clip… Người đàn ông bên cạnh ngồi ăn cũng chẳng biết nói gì, thỉnh thoảng chán quá lại mang điện thoại ra bấm.
Chị đặt ra nhiều câu hỏi: Ai có thể yêu nổi một người như thế? Chắc có còn tình yêu hay không khi người ta thà xem những thứ tiêu khiển vô bổ còn hơn tương tác với người bên cạnh?
Chị không bác bỏ nhu cầu chụp ảnh hay chia sẻ hình ảnh, clip lên mạng xã hội, với bạn bè… nhưng theo Hà Anh cần có sự kiềm chế.
“Chúng ta hãy để sau, hãy dành thời gian tận hưởng món ăn, trò chuyện với con cái, vợ chồng, bạn bè, những người đang hiện hữu ngay trước mặt. Đừng làm nô lệ cho những thứ “ngay, luôn”. Tin nhắn nếu trả lời sau 1 tiếng không sao cả, những clip, tin tức giải trí vẫn còn đó sau 1-2 tiếng nữa. Đừng để công nghệ chế ngự bữa ăn, giấc ngủ. Trong những sinh hoạt gia đình rất cần những tương tác thực, yêu thương thực, những chia sẻ bằng lời, những cái vỗ về đụng chạm bày tỏ tình cảm bằng tay”, chị tâm sự.
Công nghệ phục vụ con người, chứ con người không thể biến thành nô lệ của chúng, theo Hà Anh. Chị nói khi chia sẻ câu chuyện này cũng là lúc chị nhắc nhở bản thân để tránh được những điều xấu xí trên.
Cảnh báo sau COVID-19 là "đại dịch" trẻ nghiện thiết bị điện tử
Học online, giải trí tại nhà đã khiến thời gian trẻ nhỏ tiếp cận với các thiết bị điện tử tăng lên. James, từ một thiếu niên thích đạp xe, leo núi thì nay chơi điện thoại đến 40 tiếng/tuần, và cho biết không thể thiếu thiết bị này bên cạnh.
Một ứng dụng tại Mỹ dành cho thiếu niên 9-12 tuổi ghi nhận lượng người dùng tăng 82% trong thời điểm dịch bệnh so với năm 2019. Theo số liệu từ Qustodio (công ty theo dõi tần suất thiết bị công nghệ trên toàn thế giới) trong tháng 4 và 5/2020 thời gian trẻ từ 4-15 tuổi dùng thiết bị điện tử tăng gấp đôi so với năm 2019. Tại không ít gia đình, thời gian sử dụng internet đã tăng đến 70% trong dịch.
Keith Humphreys, giáo sư tâm lý tại Đại học Stanford cho biết: "Trong tương lai sẽ có rất nhiều trẻ em, thanh thiếu niên trải qua quá trình “cai nghiện”, khi chúng buộc phải tập trung vào hoạt động xã hội thông thường mà không được chơi điện tử hay dùng mạng xã hội".
Các chuyên gia cảnh báo việc nghiện thiết bị điện tử có thể gây ra lo lắng, trầm cảm… hay bệnh thể chất như béo phì, đồng thời khiến trẻ mất đi nhiều kỹ năng cơ bản.
Tiến sĩ Jenny Radesky, bác sĩ nhi khoa nghiên cứu việc sử dụng điện thoại ở trẻ em tại Đại học Michigan, cho rằng nếu không sớm có biện pháp thì sự ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở trẻ mà trong tương lai chính bố mẹ cũng sẽ luôn mang cảm giác tội lỗi. Ông khuyên các gia đình nên tắt wifi, ngoại trừ những khung giờ cần thiết.
(Theo New York Times)
|
Hà Nam