Nghe tin mối tình đầu của chồng từ Mỹ về thăm nhà, bà Trần Thị Thảo Mai, một giáo viên cấp ba, bỗng rơi vào trạng thái “bề ngoài tỉnh rụi, mà trong rối ren”. Chuyện chồng bà quen với cô bạn gái hồi lớp 10, bà đã nghe ông khai báo rành rọt từ khi ông hẹn hò với bà. Bà cũng công nhận, đó chỉ là chuyện trẻ con, cảm xúc của tuổi học trò dễ dàng “qua mau, qua mau…”.
|
Ai cũng từng có người yêu trước khi lập gia đình. Ảnh minh họa |
Nhưng, sau 20 năm, người ta trở về, chắc chắn là phải gặp bạn bè, trong đó có ông chồng của bà. Đời, có câu “Tình cũ không rủ cũng đến” khiến bà cũng hoang mang. Bà nghe mấy cô bạn của ông bóng gió nhắc lại câu chuyện tình nổi bật nhất trong trường trên phây, và có vẻ hào hứng chờ xem diễn biến của cuộc gặp thời hiện tại.
Ở nhà, bà vờ như không để ý gì chuyện người cũ của chồng, nhưng thật ra bà đang tập trung xem ông chồng có dấu hiệu gì bất thường không? Hình như ông cũng đang chờ mong, đang nôn nao, đang hồi hộp… Bằng chứng là ông quên đóng cửa sổ để mưa tạt vào nhà, quên đi đổ rác, quên nhắc con học bài… Nói chung bà hết sức cố gắng tìm kiếm những gì để chứng minh rằng chồng bà đang… sống với quá khứ.
Nhưng rồi bà như bừng tỉnh sau một cơn…mê. Đúng là sợ hãi cũng có giá trị. Sợ lửa để khỏi bị bỏng, sợ bệnh để khỏi ăn bậy, sợ chết để không bất cẩn… Tương tự, sợ mất chồng khiến bà đã đi đến một quyết định.
|
Bà vợ thay đổi tích cực. Ảnh minh họa |
Bắt đầu từ cái tóc, bà ra tiệm, cắt đi phần đuôi tóc khô queo, uốn ép, nhuộm màu nâu nhẹ, hấp dầu… Bà ngỡ ngàng nhìn mình trong gương, khuôn mặt dường như sáng ra, mái tóc buông hờ hững trên vai, chứ đâu chứ bấy lâu nay cứ túm lại sau gáy. Rồi bà đi matxa mặt, chịu khó xức kem chống nắng, thay màu son… bà thấy mình đâu có già trước tuổi. Bà vận động nhiều hơn, đi bộ thể dục thêm nửa tiếng mỗi ngày, cười nhiều hơn, ngọt ngào với con, nhẹ giọng với chồng…
Ngày chồng bà thông báo mời cô bạn gái năm xưa về nhà dùng cơm, bà gật đầu mĩm cười. Thứ bảy, bà đi chợ sớm, chọn nấu vài thứ dân dã quê hương: tép xào khế, bầu chấm chao…có thế thôi mà đám bạn và “cô kia” nức nở khen bà đảm đang. Hoa tươi trên bàn khiến cho mọi người nghĩ bà tinh tế, khéo tay. Còn nữa, nhìn bà, tóc tai hợp lý, quần áo thời trang, da dẻ tươi sáng… mọi người ngầm so sánh còn “ngon” hơn cô Việt kiều, rằng chồng bà quả là một người đàn ông may mắn. Thái độ điềm tỉnh, niềm nở với khách còn khiến bà được cộng thêm điểm.
Sau sự kiện này, bà ngầm cảm ơn “cô bạn ngày xưa học chung một lớp” với ông xã bà. Bởi sự có mặt của cô ấy đã tạo cho bà một “áp lực” để nhìn lại mình, đổi thay và phát triển, để bà có động lực củng cố thêm niềm tin vào bản thân, vào tình yêu vợ chồng. Bà mua cho “cô kia” nhiều món đặc sản để làm quà lúc chia tay. Chồng bà cảm động, tự hào về vợ và thế là từ đó, ông chồng chỉ muốn sống bên vợ trọn đời.
|
Ông chồng bắt đầu chiến lược mới. Ảnh minh họa |
Mỗi lần, vợ thông báo đi họp lớp, ông Lê Khánh Toàn, một kỹ sư tin học, rất bực mình. Đâu phải thỉnh thoảng bà mới gặp bạn bè, mà năng suất họp cứ ngày càng tăng: bạn cấp 1, bạn cấp 2, bạn cấp 3, đại học, bạn đồng hương, đồng nghiệp… Mặc dù, bà vợ thu xếp mọi việc trong nhà đâu ra đó, nhà cửa vẫn gọn gàng, cơm nước đủ đầy… nhưng ông chồng vẫn thấy bà giảm thời gian, thiếu tình thương cho gia đình. Trước tình hình bất ổn đó, ông chồng sử dụng chiến lược lầm lì, bỏ nhà đi suốt, bỏ ăn… nhưng bà vợ cũng tỏ ra bình thường.
Một hôm, xe bà bị hư, ông đành miễn cưỡng chở bà đi gặp mặt bạn bè. Trời mưa to, buộc ông phải vào cùng gặp gỡ bạn bè của bà. Tưởng là phải chịu đựng, dè đâu ông cảm thấy thân thiện, chia sẻ, tình bạn ấm áp… Ông chợt nhận ra, vì sao vợ ông thích đi họp lớp, bởi để được lắng nghe, được tâm sự, được động viên, hổ trợ… những thứ mà ông rất tiết kiệm với vợ mình. Ông cũng nhận ra bạn bè của vợ mình hiểu cô ấy hơn ông.
Ông bắt đầu một chiến lược mới để cạnh tranh lành mạnh với bạn bè của bà. Ông chọn một tấm hình của bà ngày xưa lúc mới quen ông, úp lên phây với lời bình: “Sư tử dịu dàng của tui đó”. Có thế thôi mà bà vợ rung động tơi bời: À, thì ra, hắn vẫn giữ, vẫn cất hết kỷ vật xưa cũ… chứng tỏ là hắn rất tinh vi.
Tiếp theo, ông chịu khó nhớ và bày tỏ “tấm lòng” nhân các ngày sinh nhật vợ con, ngày cưới vợ chồng, ngày Phụ nữ…
Và thế là, vợ chồng ông từ đó, vừa là bạn đời, vừa là bạn trên mạng, chuyện gì cũng thỏ thẻ tâm tình với nhau. Quả nhiên, bà bớt họp mặt bạn bè, tăng cường thời gian họp với ông xã.
Đó, đâu phải lúc nào “thế lực bên ngoài” cũng là “thế lực thù địch”, mà tương kế, tựu kế thì đôi khi “thế lực bên ngoài” lại trở thành đồng minh của mình. Các ông chồng, bà vợ cần sáng suốt, kiên nhẫn để thành công!
Tuấn Lê