Cạnh tranh báo hiếu

11/12/2018 - 09:05

PNO - Những người con có tấm lòng hiếu thảo luôn được mọi người ngưỡng mộ, tán dương vì sự hiếu thuận của mình.

Niềm vui, hạnh phúc của cha mẹ ở tuổi xế chiều là được con cái quan tâm, chăm sóc, nhất là khi ốm đau. Những người con đó luôn được mọi người ngưỡng mộ, tán dương vì sự hiếu thuận của mình. 

Tại bệnh viện Y, có hai anh em ngày ngày đều tranh vào thăm mẹ đang nằm ở Khoa Hồi sức tích cực. Nhưng sự tranh giành này lại làm những người cùng nuôi bệnh ngao ngán. Người mẹ đang nằm bên bờ vực sinh tử kia càng đau lòng khi biết các con giành nhau quyền bảo hộ, vào thăm mình chỉ vì mục đích riêng.

Bà mẹ 67 tuổi, là chủ cơ sở kinh doanh kim hoàn. Bà bị đột quỵ và rơi vào tình trạng hôn mê trong lúc chưa lập di chúc nên chuyện vào thăm mẹ trở thành “cuộc đua vũ trang” của hai anh em. Theo quy định của bệnh viện, mỗi ngày chỉ cho một thân nhân vào thăm người bệnh một lần vào khoảng 15g. Vậy là cứ trước giờ này mười phút, hai anh em xuất hiện, tranh suất vô thăm mẹ. Người anh nói: “Tao là anh, tao vào thăm, chăm sóc mẹ mới phải đạo”. Người em phản bác: “Anh là con, tôi cũng là con, nên đều có quyền như nhau”. Lần nào hai anh em vào thăm mẹ cũng khiến nhân viên y tế đau đầu. Bởi ai cũng dùng mọi lý lẽ để chứng minh mình là người có trách nhiệm, tình yêu thương dành cho mẹ và xứng đáng đại diện cho mẹ khi đang nằm viện.

Canh tranh bao hieu

Chính cách cư xử hiếu thuận của con cái sẽ là tấm gương cho thế hệ cháu chắt mai sau. (Ảnh minh họa)

 

Sự tranh giành này ai cũng hiểu. Hai anh em sợ khi người kia vào thăm, biết đâu mẹ bất chợt tỉnh lại sẽ tiết lộ chỗ cất của cải và sợ nhất là người kia rỉ tai khiến mẹ âm thầm lập di chúc cho người đó thì mình thiệt thòi. 

Nhiều hôm, “chiến sự” còn có sự tham gia của hai cô con dâu. Cô nào cũng giật dây chồng phải giành quyền lợi đến cùng nên tình hình luôn căng thẳng. Họ yêu sách với nhân viên y tế cho cả hai người cùng vô. Nhưng điều này không thể vì vi phạm nội quy của bệnh viện. Cuối cùng, thay vì thăm mẹ được 30 phút thì họ tranh cãi để rồi khi ngã ngũ chỉ còn 5-10 phút vào thăm. Hôm thì người anh, hôm thì người em vào thăm nhưng phải nhờ điều dưỡng “dòm ngó” suốt thời gian vô thăm để không ai được giở trò. 

Mỗi ngày trôi qua, khi các bác sĩ từng phút, từng giờ giữ mạng sống cho bà mẹ, thì cách đó một cánh cửa, hai người con trai mặt mày sáng sủa, ăn mặc sang trọng mà bà yêu thương và đặt hết hy vọng lại trở thành những kẻ lạnh lùng, chỉ lo giữ tài sản. Đến ngày thứ 22, câu chuyện tranh giành quyền thăm nuôi ở bệnh viện của hai anh em kết thúc, bà mẹ đã qua đời. Nhưng mọi người đều hiểu, cuộc chiến tranh giành tài sản sẽ còn khốc liệt hơn.

Cũng trong bệnh viện này, có những người con, quần ống thấp ống cao, áo bạc màu, gương mặt khắc khổ, vẫn chạy vạy tiền để lo cho mẹ. Trước lần người em vào thăm, người anh gửi gắm “nhớ nói chuyện vui cho mẹ nghe thôi nhé. Nói mẹ Susu dạo này ngoan lắm, nhắc bà nội hoài, trông bà mau khỏe để về với cháu”. Nghe vậy, có đấng sinh thành nào mà không ấm lòng đang lúc bệnh nặng. 

Chính cách cư xử hiếu thuận của con cái sẽ là tấm gương cho thế hệ cháu chắt mai sau. Và những quả ngọt của tình yêu thương, lòng hiếu thảo cũng được sinh sôi từ đây. 

Bảo Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI