Cạnh tranh “bẩn” trên thị trường gas

01/10/2013 - 07:29

PNO - PN - Lột tem của đối thủ, dán tem của mình lên là chiêu hiện được nhiều đại lý gas sử dụng để giành khách. Việc này khiến không ít đại lý kêu trời vì doanh số ngày càng tụt giảm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tình trạng nêu trên đang diễn ra khá phổ biến ở các vùng ven TP.HCM, những nơi có nhiều dân nhập cư. Trong đó, Công ty TNHH thương mại gas Bình Minh hoạt động khá công khai với danh nghĩa “chăm sóc khách hàng”.

Canh tranh “ban” tren thi truong gas

Ông Cao Tiến Chương, Tổng giám đốc Công ty gas Bình Minh khẳng định hai số điện thoại trên tem gas Bình Minh dán ở bình gas này thuộc sở hữu của gas Bình Minh

Anh Nguyễn Hoàng Sơn (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) kể, nhân viên của gas Bình Minh với đồng phục công ty chỉnh tề, xin vào nhà anh để kiểm tra an toàn gas. Thấy đề nghị hợp lý nên anh đồng ý. Tuy nhiên, khi hết gas, anh quan sát trên bình gas, tìm số điện thoại của đại lý anh vẫn gọi thì không thấy đâu mà thay vào đó là một nhãn mới của gas Bình Minh. “Tôi phải chạy ra tận đại lý cũ để gọi gas. Sở dĩ tôi không gọi gas Bình Minh vì những nhân viên này đã chê bai đủ thứ về an toàn, chất lượng gas của các đại lý khác. Trong khi đó, họ lại dán chồng số điện thoại của mình lên số điện thoại của người khác”, anh Sơn nói.

Tương tự, chị Phạm Thị Thanh, công nhân một công ty nằm trên đường Hồ Học Lãm (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết, những nhân viên của Bình Minh vào phòng trọ của chị với danh nghĩa là “người của cơ quan nhà nước” đi kiểm tra vấn đề kinh doanh của các đại lý trên địa bàn Q.Bình Tân. Chị Thanh nói, khi phát hiện nhân viên cào tem trên bình gas để dán tem khác, chị thắc mắc thì được trả lời: “Cứ gọi vào số này , muốn đại lý nào, chúng tôi sẽ phân công đại lý đó giao gas”. Sau đó, gọi gas theo hướng dẫn trên, chị Thanh đã được giao một bình gas Bình Minh, thay vì đại lý quen của chị.

Theo phản ánh của chị Trần Ngọc Cúc, chủ đại lý gas Phương trên đường Hồ Học Lãm (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM), những ngày gần đây, nhiều mối quen của chị phải đến tận nơi để gọi gas thay vì gọi điện thoại như lâu nay. “Doanh số thời gian gần đây giảm đáng kể, từ 40-50 bình gas/ngày xuống còn hơn 20 bình mỗi ngày. Tôi cứ tưởng vì khó khăn nên người dân xài ít, ai ngờ có người giật mối của mình”, chị Cúc nói. Chủ một đại lý trên đường Kinh Dương Vương (Q.6) cũng cho biết, doanh số bán hàng thời gian gần đây tụt giảm đáng kể. Theo bà này, nhiều đại lý cũng từng sử dụng chiêu tương tự.

Về vấn đề trên, ông Cao Tiến Chương, Tổng giám đốc Công ty gas Bình Minh cho rằng, thời gian qua, doanh số của Bình Minh bị sụt giảm nên doanh nghiệp này tổ chức một đội bảo trì bếp để đi chăm sóc khách hàng cũ. Do rất nhiều đại lý trước đó đã dán tem chồng lên tem của Bình Minh, nên công ty buộc phải xóa tem của họ. “Nghĩa là trước giờ mình bị mất khách, giờ mình đi dán tem để kéo khách lại?”, PV Báo Phụ Nữ hỏi. “Đúng rồi! Tuy nhiên, Bình Minh chỉ đi đến những khách hàng chỉ định, có trong danh sách và có gọi điện hẹn trước, không đi tràn lan như nhiều đại lý khác”, ông Chương nói.

Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho rằng, việc chăm sóc khách hàng là rất cần thiết trong kinh doanh, đặc biệt là đối với mặt hàng gas vốn đang trong tình trạng thật giả lẫn lộn như hiện nay. Song, chăm sóc kiểu này thì chỉ càng làm thị trường gas rối hơn. Vì sao có người sẵn sàng trả tiền để mua bình gas cũng 12kg mà đắt hơn vài chục ngàn đồng so với nhãn hiệu khác? Theo phân tích của ông Loan, đó là họ có nhu cầu sử dụng dịch vụ tốt hơn, cao cấp hơn... Trong khi đó, thị trường gas hiện chưa thật sự đáp ứng nhu cầu này của người tiêu dùng. Hầu hết doanh nghiệp kinh doanh gas chỉ mới dừng ở việc bán hàng.

Vấn đề quảng bá, truyền thông hay chăm sóc khách hàng để người tiêu dùng có thêm kiến thức về lựa chọn, sử dụng sản phẩm gas hầu như bị doanh nghiệp bỏ ngỏ. Nguyên nhân có thể lý giải là do mô hình kinh doanh gas hiện nay đang tạo nên tình trạng này. Các đại lý gas vốn là hộ kinh doanh cá thể, được phép bán nhiều nhãn hiệu gas nên họ không có trách nhiệm với bất cứ thương hiệu nào. Doanh nghiệp cũng không đầu tư cho đại lý vì sợ “cốc mò cò xơi”. Do đó, ông Loan cho rằng, để thị trường gas vào quy củ, nên lập lại trật tự đối với các đại lý kinh doanh gas bằng cách “biến” họ thành đại lý chính thức của các doanh nghiệp. Như vậy, mới có thể quản lý cả doanh nghiệp lẫn đại lý về chất lượng cũng như an toàn cháy nổ. Đồng thời, người tiêu dùng được hưởng dịch vụ hậu mãi tốt hơn…

 Ca Hảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI