Nông dân lời nhiều nhưng chưa vui
Từ giữa tháng Ba đến nay, nhiều cánh đồng lúa dọc theo đường Quản Lộ - Phụng Hiệp đi qua 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu vào vụ thu hoạch rộ. Những chiếc máy gặt đập liên hợp chạy hết công suất từ sáng sớm đến chiều tối, người xe hối hả chuyển lúa ra sông lớn để thương lái chở đi xay xát, cung ứng gạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Chi - ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu - cho hay, gia đình bà vừa bán cho thương lái với giá 8.000 đồng/kg lúa Đài Thơm 8, lời hơn 40 triệu đồng/ha. Vụ này, bà canh tác 2,5ha, thu lãi khoảng 100 triệu đồng, cao nhất trong đời làm ruộng. Ông Phạm Văn Cồ (cùng xã) nói, nhờ chủ động phòng ngừa nên hạn, mặn không ảnh hưởng đến vụ lúa đông xuân.
|
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tăng cường cơ giới hóa sản xuất lúa gạo nhằm giảm chi phí, tăng giá trị |
Theo ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu - nông dân trong tỉnh sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 hơn 45.000ha, hiện đang thu hoạch, năng suất đạt khoảng 8 tấn lúa/ha. Do giá lúa năm nay cao hơn các năm trước nên nông dân có lãi tốt.
Ở huyện Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nông dân cũng đang thu hoạch lúa vụ đông xuân, lúa đạt năng suất cao, giá bán 7.400-8.500 đồng/kg tùy giống. Mức giá này thấp hơn trước tết Giáp Thìn (10.000-12.000 đồng/kg) nhưng về cơ bản vẫn cho lãi khá. Theo nông dân Nguyễn Văn Tâm (phường 2, thị xã Ngã Năm), bà con chỉ tiếc là lúc giá lúa cao thì chưa có nhiều lúa để bán, đến khi vô vụ thu hoạch rộ thì giá lúa giảm nên lợi nhuận không nhiều.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 1,08 triệu tấn gạo, doanh thu hơn 735,5 triệu USD, tăng 20,4% về lượng và 55,7% về giá, nhưng trong tháng Ba, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ 596 USD/tấn trong khi giá gạo cùng loại của Thái Lan là 607 USD/tấn, của Pakistan là 603 USD/tấn.
Do giá gạo xuất khẩu giảm nên các doanh nghiệp trong nước giảm giá thu mua lúa ngay lúc vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch rộ vụ đông xuân. Vì vậy, một số thương lái bỏ cọc (không chịu thu mua lúa của nông dân) khiến việc tiêu thụ bị chậm và nhiều hộ trồng phải chịu mất 1.000-2.000 đồng/kg mới bán được lúa cho thương lái.
Tăng thu nhập trên cùng diện tích
Lâu nay, ở Việt Nam, tình trạng tới mùa bị dội chợ, rớt giá vẫn thường diễn ra không chỉ với lúa gạo mà với nhiều loại nông sản khác. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Phần đông nông dân vẫn canh tác riêng lẻ, đầu ra phụ thuộc vào thương lái.
|
Nông dân tỉnh Bạc Liêu thu hoạch lúa vụ đông xuân, đạt lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha |
Hằng năm, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long sản xuất khoảng 1,5 triệu héc ta lúa vụ đông xuân, nhưng diện tích được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra trong mô hình cánh đồng lớn chỉ khoảng 200.000ha. Ngoài ra, trong khoảng 180 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo, cũng chỉ có hơn 50 doanh nghiệp có xây dựng vùng nguyên liệu, có ký kết hợp đồng tiêu thụ với các hợp tác xã.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đánh giá, thời gian qua, ngành lúa gạo đã thu được nhiều thành công, góp phần khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu gạo ngày càng nghiêm ngặt nên chất lượng gạo cần được nâng cao, an toàn thực phẩm và trách nhiệm cộng đồng phải được bảo đảm. Phải tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, từ đó tăng sức cạnh tranh, tăng giá trị cho hạt gạo; phải phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác để quy tụ nông dân vào sản xuất lớn, mua chung vật tư đầu vào với giá ưu đãi và bán chung sản phẩm đầu ra với giá tốt.
Theo ông Lê Minh Hoan, trong thời gian tới, cần chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị trên một diện tích sản xuất lúa để có nguồn thu nhập không chỉ từ lúa, gạo mà còn từ các hoạt động như chế biến các phụ phẩm, phế phẩm để bán, làm du lịch nông nghiệp và các nghề phi nông nghiệp.
Mới đây, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, sự tài trợ phân bón của doanh nghiệp, nông dân xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã thí điểm mô hình canh tác lúa thông minh, trong đó cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc đến khi thu hoạch lúa và thu gom rơm rạ. Họ thử nghiệm bón lót vùi phân khi làm đất, nhờ đó tiết kiệm 30% lượng phân bón, giúp cây lúa phát triển mạnh ngay từ đầu. Khi áp dụng mô hình này, chất lượng gạo được nâng lên, tỉ lệ thu hồi gạo khi xay xát cũng tăng và không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất đạt gần 10 tấn lúa tươi/ha, giá tại ruộng 8.800 đồng/kg (giống lúa RVT), giúp nông dân thu về gần 88 triệu đồng/ha, lãi ròng 65 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với sản xuất kiểu truyền thống.
|
Tập đoàn Lộc Trời đưa gạo chất lượng cao xuất khẩu qua cảng Mỹ Thới, tỉnh An Giang - Ảnh: Duy Anh |
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ - nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ - nhận xét, canh tác lúa thông minh giúp nông dân tăng năng suất 0,5 tấn/ha, giảm chi phí từ 1,2-1,4 triệu đồng/ha, tăng lợi nhuận 4-5 triệu đồng/ha, giúp tiết kiệm nước, xử lý tuần hoàn rơm, rạ tạo phân bón, giảm mức phát thải khí nhà kính. Do đó, đây là mô hình cần được nhân rộng để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Xuất khẩu gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Theo đó, những tháng đầu năm 2024, thị trường lúa gạo khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tâm lý một số chủ doanh nghiệp và nông dân. Chỉ thị yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các thương nhân xuất khẩu gạo… tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ (về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững); tổ chức thu hoạch đúng thời vụ, cập nhật liên tục diễn biến thị trường lúa, gạo; xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Chỉ thị cũng yêu cầu các cá nhân, tổ chức trên theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam; chủ động điều tiết hoạt động xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả; nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình đưa thương lái vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị. |
Huỳnh Lợi
WWF sẵn sàng chia sẻ mô hình nông nghiệp thuận thiên Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam - cho hay, WWF và đối tác đã và đang triển khai thí điểm một số giải pháp phát triển cây lúa bền vững, như mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, cho kết quả tốt về mặt kinh tế và bảo tồn được đa dạng sinh học, môi trường sinh thái. Từ kết quả đạt được, WWF sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các mô hình này nhằm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo sức khỏe cho con người và bảo tồn thiên nhiên. Huỳnh Trọng |