“Canh tác đô thị” thời COVID-19 của người Bangkok

15/08/2020 - 15:00

PNO - Ở một tỉnh lân cận Bangkok, tại một trong những khu công nghiệp ô nhiễm và nóng nực nhất của thủ đô Thái Lan, người ta bắt đầu một doanh nghiệp nông nghiệp, và sau một thời gian một ốc đảo xanh đã xuất hiện bên trên những tòa nhà bê tông, những con phố nhộn nhịp ở Samut Sakhon.

Tầng thượng Đại học Thammasat có hệ thống gom nước theo tầng trong thiết kế rất thuận lợi cho việc trồng cây - Ảnh: Jack Board
Tầng thượng Đại học Thammasat có hệ thống gom nước theo tầng trong thiết kế rất thuận lợi cho việc trồng cây - Ảnh: Jack Board

Một vườn cây xanh mát được hình thành trên sân thượng tòa nhà trụ sở Mạng lưới quyền của người lao động nhập cư (MWRN), một tổ chức trợ giúp pháp lý và xã hội cho những người lao động nước ngoài dễ bị tổn thương.

Kênh truyền hình Channel NewsAsia cho biết, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, người lao động nhập cư nằm trong số những người đầu tiên mất kế sinh nhai và họ không thể trở về nước do biên giới đóng cửa. Một điều phối viên của MWRN, cô Suthasinee Keawleklai, đã sớm nhận ra một vấn đề là những công nhân nước ngoài này sẽ đói.

Ko Saw tìm thấy niềm vui khi học được nghề trồng rau trong khu vườn trên sân thượng MWRN - Ảnh: Jack Board
Ko Saw tìm thấy niềm vui khi học được nghề trồng rau trong khu vườn trên sân thượng MWRN - Ảnh: Jack Board

Thay vì cố gắng tìm mọi cách để quyên góp đồ ăn cho công nhân mất việc, Suthasinee đã chủ động tìm kiếm nguồn thực phẩm. Một người bạn của cô có chuyên môn nông nghiệp hữu cơ khuyên cô trồng rau trên tầng thượng tòa nhà.

Vài tháng sau, khoảng 30 người nhập cư - chủ yếu là công nhân đến từ Myanmar và gia đình họ - tự tay chăm sóc khu vườn trong thời gian rảnh rỗi, họ gieo hạt giống, nhổ cỏ và tưới nước cho không gian xanh của mình, và rau quả đã trở thành lương thực thiết yếu hàng ngày trong thời buổi bất trắc.

Ko Saw, một thành viên MWRN và hiện là một người làm vườn nhiệt tình, cho biết: “Ai đến cũng có thể hái (rau) ăn, chúng tôi trồng ra nhưng không phân biệt người tham gia trồng hay không”.

Đại dịch COVID-19 đã đã làm dấy lên sự quan tâm đến trồng trọt trong thành phố mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “canh tác đô thị”.

Khu vườn trên sân thượng ở Samut Sakhon tuy nhỏ nhưng hiệu quả và là một động lực cho cộng đồng địa phương - Ảnh: Jack Board
Khu vườn trên sân thượng ở Samut Sakhon tuy nhỏ nhưng hiệu quả và là một động lực cho cộng đồng địa phương - Ảnh: Jack Board

Dự án nông trại thành phố Thái Lan của quỹ nông nghiệp bền vững Thái Lan đã nâng cao kỹ năng canh tác của cư dân đô thị trong hơn một thập kỷ qua.

Dự án nông trại thành phố Thái Lan đã giúp giám sát hơn 450 dự án cộng đồng, một con số đã tăng nhanh trong thời gian gần đây với 210 dự án mới được khởi động trong giai đoạn sau khi COVID-19 bùng nổ.

Cô Varangkanang Nimhatta, giám đốc dự án nói rằng "chúng tôi không muốn cư dân thành phố 100% sống dựa vào thực phẩm do mình tự làm ra, nhưng chúng tôi muốn dựa vào công việc canh tác ở các khu vực thành thị như một công cụ, để giúp mọi người học các kỹ năng cơ bản”.

Trang trại đô thị tại trụ sở dự án Nông trại Thành phố Thái Lan - Ảnh: Jack Board
Trang trại đô thị tại trụ sở dự án Nông trại Thành phố Thái Lan - Ảnh: Jack Board

Cô chia sẻ: “Ngoài ra, chúng tôi nghĩ rằng việc học để trở thành nhà sản xuất sẽ giúp mọi người hiểu được nguồn gốc thực sự của thực phẩm và trở thành người tiêu dùng ủng hộ một nền nông nghiệp bền vững - hữu cơ và tự nhiên - cũng như nền nông nghiệp hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ có thể kiếm sống bằng nông nghiệp không phá hủy môi trường và cảnh quan quanh ta”.

Ý tưởng đó được Nakorn Limpacuptathavon - “Hoàng tử ăn chay” - một trong những nông dân thành thị tiên phong của Bangkok, chia sẻ. Anh đã và đang phát triển và thúc đẩy một lối sống đô thị bền vững trong hơn 12 năm và sân sau của anh ở huyện Lat Prao ngập tràn cây xanh.

Hoàng tử ăn chay đã vun vén cho không gian nhỏ của riêng mình suốt 12 năm qua - Ảnh: Jack Board
"Hoàng tử ăn chay" đã vun vén cho không gian nhỏ của riêng mình suốt 12 năm qua - Ảnh: Jack Board

Cô Varangkanang của Thai City Farm nói thêm: “Tôi nghĩ một điều đã được chứng minh, chỉ cần có không gian, cho dù đất hay bê tông, hay bất cứ thứ gì, mỗi một chỗ như vậy có thể là nơi trồng lương thực tiềm năng – Mọi người chỉ cần bắt tay vào làm thôi!”.

Tô Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI