Cảnh sát Ấn Độ bắn chết con hổ "ăn thịt người"

09/10/2022 - 18:42

PNO - Hôm 9/10, cảnh sát Ấn Độ cho biết đã bắn chết con hổ được gọi là "hổ ăn thịt người" sau khi nó giết chết ít nhất 9 người.

Ấn Độ là quê hương của khoảng 70% số hổ trên thế giới. ẢNH: AFP
Ấn Độ là quê hương của khoảng 70% số hổ trên thế giới - Ảnh: AFP

Thời gian qua con hổ này đã liên tục khủng bố người dân địa phương ở ven Khu bảo tồn hổ Valmiki ở Champaran, miền Đông Ấn Độ. Trong tháng qua, nó đã giết chết ít nhất 6 người. Trong đó, hôm 8/10, nó tấn công một phụ nữ và cậu con trai 8 tuổi của cô. Đêm 6/10, con hổ tấn công một bé gái, lôi cô bé ra khỏi giường và giết chết nạn nhân. 

Ngay cả trước khi xảy ra hai vụ giết người gần đây nhất, các nhà chức trách đã xác định con hổ, được cho là hổ đực 3 hoặc 4 tuổi, là "kẻ ăn thịt người", nghĩa là nó có thể bị tiêu diệt. Cảnh sát Ấn Độ cho biết trước đó họ không có ý định tiêu diệt con hổ mà chỉ nỗ lực để trấn an và xua nó vào rừng sâu, nhưng họ đã hoàn toàn thất bại.

"Chiều ngày 8/10, hai đội đã đi vào rừng trên hai con voi và đội thứ ba đợi ở nơi chúng tôi nghĩ rằng con hổ sẽ thoát ra - và chúng tôi đã bắn 5 phát đạn để giết nó ở đó. Có khoảng 200 quan chức sở kiểm lâm tham gia và chúng tôi mất khoảng 6 giờ để hoàn thành", cảnh sát trưởng địa phương Kiran Kumar nói với truyền thông.

Các quan chức cho biết, những cánh đồng mía rộng lớn là nơi loài hổ này thường ẩn náu, sau đó tấn công dân làng và gia súc của họ.

Con hổ bắt đầu hoành hành hồi tháng 5, người dân địa phương tại các ngôi làng nghèo khó xung quanh khu bảo tồn ở bang Bihar đã ngừng việc đi ra ngoài vào buổi tối. 

Các nhà bảo tồn cho rằng việc mở rộng các khu định cư của con người xung quanh các khu rừng và các hành lang quan trọng của động vật hoang dã một cách nhanh chóng đã làm cho các loài động vật như voi và hổ trở nên nổi loạn, từ đó gia tăng xung đột giữa người và động vật ở nhiều vùng của Ấn Độ.

Theo số liệu của chính phủ Ấn Độ, từ năm 2014 - 2019, đã có gần 225 người thiệt mạng do bị hổ tấn công. 

Ấn Độ là quê hương của khoảng 70% số hổ trên thế giới với số lượng được ước tính 2.967 con (năm 2018). 

Trọng Trí (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI