Du lịch tại gia
Bộ phim Miền quên lãng (HTV7) vừa lên sóng đánh dấu sự đột phá của hãng phim TFS về một tác phẩm màu sắc ma mị. Phim là câu chuyện truy tìm kho báu diễn ra ở vùng núi rừng thâm sâu, ghi hình ở Thác Mai (Đồng Nai). Thác Mai (khu du lịch sinh thái Bàu Nước Sôi) hiện lên trong phim với đầy vẻ hoang sơ, âm u của chốn thâm sơn cùng cốc, gây tò mò, thú vị cho người xem.
|
Cảnh đẹp Hang Rái xuất hiện trong phim Tình yêu đến cùng gió biển |
Trong khi Miền quên lãng mang đến bối cảnh rừng núi thì phim Nữ luật sư kết thúc cách đây không lâu trên SCTV14 đưa người xem đến vùng nắng vàng, cát trắng, biển xanh của Bình Thuận. Những cảnh quay tuyệt đẹp ở Bàu Trắng giúp khán giả thích thú khi theo dõi hành trình căng thẳng giải án oan của nhân vật nữ luật sư Kim Kiều.
Cùng với điện ảnh, các nhà làm phim truyền hình 2 miền cũng chú trọng đến bối cảnh đẹp cho tác phẩm. Không quá kỳ công, vì không có nhiều chi phí để xây dựng bối cảnh như phim chiếu rạp, phim truyền hình đa phần tận dụng bối cảnh thiên nhiên sẵn có. Những bộ phim có câu chuyện diễn ra ở vùng núi phía Bắc luôn khiến người xem đắm chìm trong cảnh sắc vùng cao. Phim Mùa xuân ở lại mang tới những hình ảnh ấn tượng của núi rừng hùng vĩ, các điểm bản du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng của các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Lặng yên dưới vực sâu hớp hồn nhờ sự hùng vĩ của những ngọn núi đá tai mèo, sự thơ mộng của những cánh đồng hoa tam giác mạch, vẻ cổ kính của những mái nhà ẩn sau bờ rào đá. Những cánh rừng hoa mơ, hoa mận trắng xóa ở Mộc Châu (Sơn La) khiến khán giả mê mẩn khi xem phim Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ; Hướng dương ngược nắng. Kể cả phim đề tài khô khan như công an triệt phá tội phạm trong Bão ngầm cũng mãn nhãn qua những khung hình về một Yên Bái đẹp nao lòng.
Các danh thắng như ruộng bậc thang Mù Cang Chải, suối nước nóng Trạm Tấu, khu tái định cư Cu Vai, resort Mù Cang Chải, khu sinh thái Chuồn Chuồn (Nghĩa Lộ), hồ Thác Bà (Yên Bình)… đều được đưa vào phim.
Sắp tới, khán giả sẽ có “chuyến du lịch miễn phí” vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) thông qua bộ phim Tình yêu đến từ gió biển (20 tập, phát trên SCTV14). Người xem sẽ bắt gặp những homestay xinh xắn, những resort trải dài đẹp hút mắt, bãi san hô cổ ngàn năm của Hang Rái, cùng nhiều địa điểm vô cùng lý thú như bãi Thùng, bãi Chuối.
Với những phim phát trên các ứng dụng xem phim trả tiền, tác phẩm càng được đầu tư bối cảnh đẹp. Như phim Trại hoa đỏ “đốt tiền” cho khâu bối cảnh đậm vẻ hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, phù hợp với chuyện phim. Trong đó, điểm nhấn là xây trang trại hoa đỏ trên nền một khu nghỉ dưỡng có sẵn ở Bảo Lâm.
Phim Tết ở làng địa ngục tốn kém đáng kể khi ghi hình tại ngôi làng nguyên sơ Sảo Há ở Hà Giang, nơi điện, nước, sóng điện thoại đều không phủ tới.
Cú hích cho du lịch địa phương
Những thước phim thiên nhiên tuyệt đẹp trong các bộ phim dài tập đã góp phần không ít trong việc kích cầu du lịch. Chẳng hạn du lịch Hà Giang nổi lên nhờ Chuyện của Pao và càng thêm thu hút khi Tết ở làng địa ngục trình chiếu. Ngoài những địa danh hấp dẫn như Núi Đôi ở cổng trời Quản Bạ, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, cột cờ Lũng Cú hay nhà của Pao, giờ đây du khách, nhất là giới trẻ, còn bị thôi thúc tới khám phá ngôi làng nhỏ Sảo Há ẩn mình giữa khu rừng già ở xã Vần Chải, huyện Đồng Văn.
|
Phim Nữ luật sư có những khung hình đẹp của khu du lịch Bàu Trắng |
Một số công ty du lịch có các tour riêng dẫn khách tới trải nghiệm nếu có nhu cầu. Từ chỗ là nơi hẻo lánh không ai biết tới, giờ đây mỗi ngày ngôi làng đều đặn đón khách, nhất là dịp lễ, tết hay cuối tuần. Làng Sảo Há giờ cũng đã có điện, nước, wifi nhằm phục vụ tốt hơn cho du khách.
Phim Bão ngầm cũng giúp du lịch Yên Bái được chú ý nhiều hơn, đặc biệt là khu du lịch Thác Bà - nơi diễn ra cảnh quay hành động công an rượt đuổi tội phạm đẹp mắt trên phim. Theo ông Vũ Tuấn Mạnh -
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Bình (Yên Bái) - từ khi phim Bão ngầm phát sóng, khách du lịch đến Thác Bà tăng đột biến, đặc biệt là những ngày cuối tuần, khiến các tour du lịch trên đảo, hồ luôn quá tải. Việc Bão ngầm giúp kích cầu du lịch được xem là thành công lớn nhất của phim.
Khi cảnh đẹp đi vào phim, không chỉ địa phương có lợi mà nhà sản xuất cũng được hưởng lợi, nhất là khi 2 bên chủ động bắt tay nhau. Ngày 9/7 qua, tại khu du lịch Happy Land (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), hãng phim Xuân Phước đã tổ chức lễ công bố dự án phim truyền hình Miền ảo vọng. Đáng chú ý, buổi lễ có sự tham gia của đại diện lãnh đạo tỉnh Long An, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, Hiệp hội Du lịch Long An. Sự hiện diện này cho thấy có sự hợp tác giữa đoàn phim và chính quyền địa phương trong việc quảng bá du lịch tỉnh nhà.
Đạo diễn Xuân Phước cho biết: “Phim Miền ảo vọng dài 50 tập, dự kiến phát sóng trên đài Vĩnh Long, với câu chuyện diễn ra trong bối cảnh xưa từ thập niên 1930-1950. Bối cảnh Long An phù hợp cho phim nên tôi chủ động đề nghị tỉnh hợp tác để quảng bá du lịch địa phương. Đây là lần đầu chúng tôi làm việc này với một tỉnh thành. Trước đây, nhờ phim Cánh đồng bất tận, du lịch tỉnh cũng hút khách với phim trường Cánh đồng bất tận nên khi nghe tôi ngỏ ý, tỉnh vui vẻ nhận lời và hỗ trợ rất nhanh cho đoàn phim về mặt công văn, giấy tờ. Nhờ sự giúp đỡ này, đoàn thuận lợi khi quay bối cảnh ở những khu du lịch do tỉnh quản lý. Tỉnh cũng có những ưu đãi khi thuê bối cảnh, giúp giảm phần nào chi phí làm phim”.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Thanh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An - cũng bày tỏ mong muốn thông qua bộ phim Miền ảo vọng, những hình ảnh của Long An sẽ đến gần hơn với khán giả và tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh loại hình du lịch phim trường tại Long An trong thời gian tới.
Bối cảnh cũng là một phần quan trọng cho phim, tạo cảm xúc cho người xem lẫn người diễn. Càng có thêm nhiều cái bắt tay giữa nhà làm phim và địa phương, du lịch Việt Nam càng có thêm cơ hội cất cánh.
Hương Nhu