Cảnh quan thiên nhiên không thua kém, tại sao du lịch Việt Nam lại thua xa Thái Lan?

27/05/2023 - 17:36

PNO - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) nói rằng, "cảnh quan thiên nhiên không thua kém, tại sao du lịch Việt Nam lại thua xa Thái Lan?", và ông chỉ ra, du lịch Việt Nam đang có khoảng cách xa so với các nước trong khu vực, một trong những nguyên nhân là thủ tục visa.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra có khoảng cách giữa du lịch Việt Nam và Thái Lan, Malaysia
ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra có khoảng cách giữa du lịch Việt Nam và Thái Lan, Malaysia

Chiều 27/5, Quốc hội thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) cho rằng, tại thời điểm này, dự án luật ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho công dân nước ngoài nhập cảnh là hơi muộn. Nếu sớm hơn sẽ tốt hơn, đặc biệt với ngành du lịch. Năm 2019, Việt Nam đón 19 triệu khách quốc tế trong khi Thái Lan là 25 triệu khách. Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu du khách quốc tế nhưng thực tế chỉ đạt 3,6 triệu. Trong khi đó Thái Lan đạt 11 triệu và Malaysia đạt 9,2 triệu khách. Thái Lan thu hút được khách quốc tế ngay vì họ có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du khách như gia hạn visa, kéo dài thời gian lưu trú, thủ tục nhập cảnh online nhanh, gọn…

3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã đón 3,7 triệu khách du lịch quốc tế và để đạt mục tiêu đón 8 triệu khách cả năm sẽ là thách thức không nhỏ. Trong khi đó, Thái Lan đặt mục tiêu đón 15 triệu khách trong năm nay. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đón 35 triệu khách quốc tế, thì Thái Lan đặt mục tiêu 80 triệu khách.

ĐBQH bày tỏ sự nhất trí với điều chỉnh, bổ sung ở dự luật này. Đồng thời, cho rằng tháo gỡ thủ tục visa là một trong những chìa khóa quan trọng để du lịch Việt Nam cất cánh. Tuy nhiên, ông mong muốn, có thêm nhiều quốc gia trong danh sách các nước được cấp xuất nhập cảnh bằng thị thực điện tử, kéo dài thời gian lưu trú (do Chính phủ quy định chi tiết).  

Bên cạnh đó, phải nâng cấp hệ thống xuất nhập cảnh bằng thị thực điện tử hiện nay của Việt Nam. “Tôi là người trực tiếp “apply passport” của người Việt Nam nhưng thấy rất khó, thường xuyên quá tải, treo, mất nhiều thời gian. Khi chúng ta mở cho người nước ngoài, việc xử lý như thế nào phải chuẩn bị rất kỹ, bởi nếu có rồi mà không mở được ra thì lại là rào cản” - ông nói thêm.

Ngoài ra, ông Hùng cũng đề nghị mở rộng tối đa số lượng các cửa khẩu được làm thị thực điện tử cho người nước ngoài để thu hút khách du lịch. Bởi khó khăn trong việc xin visa là rào cản lớn để thu hút khách du lịch.Việc cấp visa cho các chuyên gia sang Việt Nam công tác hiện cũng bất cập. Khi hết hạn, họ phải quay về nước làm lại gần như từ đầu. "Tại sao chúng ta không cho thủ tục ngay tại chỗ để kết nối. Rất nhiều doanh nghiệp, người nước ngoài đề nghị nên chăng xem xét thêm để mở rộng các đối tượng, với cả các chuyên gia dự án, chuyên gia đào tạo…", ông Hùng nói

Cũng liên quan đến vấn đề thủ tục xuất nhập cảnh cho người nước ngoài, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Cần Thơ - cũng gửi kiến nghị của nhiều chủ tịch hội đồng quản trị của các trường đại học. Theo ông, chủ tịch hội đồng quản trị của các trường đại học hiện nay không được cấp hộ chiếu công vụ vì “không phải là người đứng đầu trường”. Trong khi đó, hiệu trưởng hay hiệu phó của trường thì lại được cấp hộ chiếu công vụ.

Ông cho rằng, ở đây có sự thiếu rõ ràng trong sử dụng thuật ngữ, cần điều chỉnh lại quy định là “người đứng đầu hoặc tương đương” cho phù hợp.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương cũng ủng hộ việc cấp visa điện tử. Trước đây, người nước ngoài muốn vào Việt Nam phải gửi hộ chiếu rồi đến đại sứ quán làm hồ sơ. Việc cấp visa điện tử khiến họ không mất nhiều thời gian, thuận tiện.

Sáng 27/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung khoản 9 vào Điều 15, sửa đổi khoản 2 Điều 28, sửa đổi khoản 2 Điều 32 để bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông.

Dự thảo Luật sửa đổi khoản 2 Điều 15 để bãi bỏ quy định nộp bản chụp chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất và bãi bỏ quy định nộp bản sao giấy khai sinh/trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi đã được cấp mã số định danh cá nhân.

Đáng lưu ý, dự thảo Luật nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh: “Việc xây dựng Luật nhằm bảo đảm các mục đích góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư”.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI