Canh phòng “giặc lửa” ở các bệnh viện dã chiến

21/08/2021 - 06:54

PNO - Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chính quyền TPHCM đã cho xây mới và chuyển công năng nhiều công trình để làm bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị. Nguy cơ cháy, nổ ở những địa điểm này luôn hiện hữu nên công tác phòng cháy chữa cháy cho những khu vực này rất quan trọng.

Nhiều nỗi lo về an toàn cháy, nổ

Để đảm bảo an toàn cháy, nổ ở bệnh viện dã chiến (BVDC), lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc ứng dụng công nghệ. 

Cán bộ PC07 Công an TP.HCM kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại Bệnh viện Dã chiến số 5 (Q.5)
Cán bộ PC07 Công an TPHCM kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại Bệnh viện Dã chiến số 5 (Q.5)

Một cán bộ thuộc Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) Công an TPHCM cho biết, tại các BVDC, cơ sở cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19, ngoài nguy cơ cháy, nổ do sự cố điện, còn có nỗi lo lớn hơn, đó là khu vực chứa khí ô-xy: “Các BVDC, cơ sở cách ly, điều trị COVID-19 thường tập trung một lượng lớn khí ô-xy để cứu chữa bệnh nhân, nguy cơ cháy, nổ ở khu vực chứa khí ô-xy rất cao. Khu vực này phải đảm bảo các quy định, quy chuẩn về PCCC vì nếu xảy ra cháy, nổ, hậu quả sẽ rất lớn”.

Theo quy định của Luật PCCC, công trình đi vào hoạt động phải đáp ứng đủ điều kiện an toàn PCCC và phải được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để đáp ứng số giường điều trị cho các bệnh nhân, chính quyền TPHCM đã cho xây dựng mới và chuyển đổi công năng nhiều công trình để làm BVDC, khu cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 khẩn cấp. Do đó, nguy cơ cháy, nổ ở nhưng nơi này luôn hiện hữu. Ngoài ra, nhiều trường học, hộ dân, chung cư cũng được tận dụng làm khu cách ly, điều trị COVID-19, cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Mới đây, tại một BVDC điều trị COVID-19 ở TP.Thủ Đức, đã xảy ra cháy do chập điện. Rất may, lực lượng chức năng đã kịp thời can thiệp, khống chế ngọn lửa nên không xảy ra thương vong. Theo PC07, qua điều tra, nguyên nhân cháy, nổ ở các cơ sở y tế phần lớn là do chập điện. Tuy nhiên, một nguy cơ cần hết sức lưu ý là các bình khí ô-xy và đường dẫn khí; nếu áp suất quá cao, sẽ gây nổ,  tác động đến hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện và các thiết bị khác gây cháy. Nếu xảy ra nổ dẫn đến cháy thì hậu quả rất nghiêm trọng.

Trung tá Cù Huy Tuấn - Phó Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy - cho biết thời gian qua, một số bệnh viện điều trị bệnh thông thường và BVDC điều trị COVID-19 đã xảy ra sự cố cháy, nổ nhưng được lực lượng tại chỗ khống chế kịp thời, không gây hậu quả đáng kể.

Các bệnh viện dã chiến cơ bản chấp hành tốt việc phòng cháy, chữa cháy

Theo PC07, dù đang giãn cách xã hội và dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm tại các khu cách ly, BVDC rất cao, lực lượng chức năng vẫn triển khai đợt kiểm tra an toàn PCCC ở những nơi này. Lực lượng PCCC&CNCH các quận, huyện và TP.Thủ Đức cũng có kế hoạch kiểm tra tương tự. Việc kiểm tra tập trung chủ yếu vào các nội dung: nơi chứa khí ô-xy, hệ thống cung cấp khí ô-xy, lối thoát nạn, thoát hiểm, việc sử dụng các thiết bị có thể phát sinh nguồn nhiệt… 

Qua kiểm tra, PC07 đánh giá, đa số bệnh viện, cơ sở chấp hành tốt điều kiện an toàn PCCC. Đoàn kiểm tra đã hướng dẫn, đề nghị khắc phục kịp thời một số thiếu sót với mốc thời gian cụ thể.

“Tại các BVDC, khả năng di chuyển khi có sự cố của bệnh nhân mắc COVID-19 hạn chế nên chúng tôi phải lên phương án, diễn tập với các tình huống giả định. Trong đó, chúng tôi chú trọng diễn tập phương án di chuyển bệnh nhân ra khỏi nơi cháy, nổ an toàn. Chúng tôi cũng hướng dẫn cho các cơ sở tổ chức tuyên truyền cho các lực lượng, kể cả bệnh nhân, bằng nhiều hình thức như dán bản quy định, hướng dẫn, phát tờ rơi, phát loa tuyên truyền nhằm đảm bảo an toàn PCCC một cách hiệu quả nhất” - trung tá Cù Huy Tuấn thông tin.

Ứng dụng công nghệ để giảm nguy cơ

Công an H.Bình Chánh cho biết, đang áp dụng phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng, chống cháy, nổ và CNCH tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, gồm lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư hậu cần tại chỗ.

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn cháy, nổ trực tuyến thông qua ứng dụng Help 114
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn cháy, nổ trực tuyến thông qua ứng dụng Help 114

Để thực hiện được điều này, việc tuyên truyền và huấn luyện cho lực lượng tại chỗ ở cơ sở rất quan trọng. Mới đây, Công an H.Bình Chánh đã phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự H.Bình Chánh tổ chức tuyên truyền và huấn luyện cho các lực lượng phục vụ tại BVDC thu dung, điều trị COVID-19 số 4 (xã Vĩnh Lộc B) để các chiến sĩ làm nhiệm vụ tại chỗ và nhân viên y tế có thể xử lý được các tình huống cháy, nổ xảy ra và sử dụng thành thạo các loại phương tiện đã được trang bị. Trong các vụ cháy, nổ gần đây, lực lượng cơ sở ứng phó khá tốt, như vụ cháy xảy ra ở BVDC tại TP.Thủ Đức.

Cùng với việc huấn luyện cho lực lượng tại chỗ, PC07 còn ứng dụng công nghệ vào PCCC, giúp tiết kiệm cán bộ làm việc trực tiếp ở cơ sở, giảm nguy cơ lây nhiễm mà vẫn đạt hiệu quả trong việc PCCC. Dùng ứng dụng (app) Help 114, lực lượng PCCC có thể kết nối trực tiếp đến khu điều trị bệnh nhân COVID-19 để canh “giặc lửa” một cách xuyên suốt. Ứng dụng này cho phép kết nối trực tuyến hình ảnh giữa cán bộ kiểm tra với nhân viên y tế, bệnh nhân điều trị. Khi phát hiện sai phạm hoặc nguy cơ thiếu an toàn, lực lượng PCCC sẽ yêu cầu chấn chỉnh ngay.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Trường - Phó Trưởng phòng PC07 - cho biết: “Chúng tôi thường cho truyền hình ảnh ở khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao, như khu lưu chứa ô-xy, hệ thống điện để kiểm tra trực tuyến. Hiện tại, việc ứng dụng công nghệ vào kiểm tra an toàn phòng, chống cháy, nổ đã được triển khai cho tất cả khu cách ly, BVDC trên toàn thành phố”. 

Khuyến cáo của PC07 đối với bệnh nhân ở các cơ sở y tế

- Không tự ý sử dụng điện, sử dụng hệ thống khí ô-xy, bình ô-xy khi chưa được phép của lực lượng chăm sóc y tế tại chỗ.
- Không sử dụng nguồn phát sinh lửa, sinh nhiệt, đun nấu trong phòng hoặc nơi điều trị.
- Không tự ý sử dụng các phương tiện PCCC, các nút ấn báo cháy khẩn cấp khi không có sự cố 
cháy, nổ.
- Nêu cao tinh thần cảnh giác và khuyến cáo mọi người đảm bảo an toàn PCCC.
- Hô hoán, thông báo cho mọi người biết khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; tham gia chữa cháy khi có thể và phải đảm bảo việc phòng COVID-19; không tập trung xem, tụ tập đông người.
- Gọi ngay số điện thoại 114 hoặc cài đặt ứng dụng Help 114 vào điện thoại của mình để gửi hình ảnh, video và định vị chính xác địa điểm xảy ra các sự cố cho cảnh sát PCCC.

Hiểm họa do sử dụng ô-xy bất cẩn

Thời gian gần đây, trên thế giới, đã xảy ra nhiều vụ nổ, cháy tại bệnh viện điều trị COVID-19 khiến hàng trăm người thương vong. Nguyên nhân của các vụ này thường là do sử dụng khí ô-xy bất cẩn.
- Ngày 23/4, xảy ra vụ cháy tại phòng điều trị đặc biệt của Bệnh viên Virar thuộc thành phố Mumbai, miền tây Ấn Độ khiến hơn 13 bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng. 
- Ngày 24/4, ít nhất 27 người đã chết trong vụ hỏa hoạn tại một bệnh viện điều trị COVID-19 ở thủ đô Baghdad, Iraq. Ngọn lửa bắt nguồn từ một phòng chăm sóc đặc biệt chuyên về phổi khi một bình dưỡng khí cung cấp ô-xy cho bệnh nhân COVID-19 phát nổ.
- Ngày 12/7, tại Bệnh viện Al-Hussain (Iraq), 92 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau một vụ nổ tại đây. Theo cảnh sát, nguyên nhân nổ có thể bắt nguồn từ bình chứa ô-xy  trong khu điều trị COVID-19 của bệnh viện.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI