Cảnh ngộ trớ trêu

11/04/2015 - 06:59

PNO - PN - Nhận tin về căn bệnh của ông, mọi người trong gia đình không mấy bất ngờ. Chỉ có điều, nó trở thành điều may mắn cho tình yêu muộn màng của ông bà, thật xót xa khi bà nghĩ về điều này.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hai đứa con gái lớn đều đã lập gia đình riêng quá luẩn quẩn với việc thay nhau chăm sóc cha vì đứa nào cũng trăm công ngàn việc với gia đình nhỏ của mình. Con trai út còn ở chung với cha thì đang học lớp 12, ngoài học chính khóa trên trường thì thời gian còn lại cũng bận rộn với những khóa ôn luyện.

Canh ngo tro treu

Bà hiểu vì sao ba đứa con của ông không phản ứng dữ dội nữa. Ban đầu thì bà hâm lại cháo do cô con gái đem tới, sau thì bà tự nấu. Có bệnh thì vái tứ phương, từ Tây y ông khám thêm Đông y rồi dùng thêm thuốc nam. Đứa con trai út thức dậy sớm để sắc thuốc, được một tuần thì nó đuối vì buổi tối đã thức quá khuya để học bài, mà mỗi thang thuốc nam phải sắc ba lần sáng trưa chiều.

Không thể sắc thuốc hàng loạt để cất tủ lạnh uống dần như nước đóng chai được cho nên khi bà ngỏ ý để hàng ngày bà sắc thuốc giùm cho thì đứa con trai út gật đầu ngay. Hai cô chị lui tới, khác với vẻ lạnh lùng thậm chí là vô lễ trước đây, họ mỉm cười chào hỏi lễ độ khi thấy bà loay hoay trong bếp hay đang xoa bóp cho ông.

Con gái bà kêu lên: “Họ chẳng thương gì má đâu, chỉ là kẹt quá không có người cho nên...”.

Bà biết vậy nhưng tình yêu bà dành cho ông sâu nặng hơn mọi điều. Bà cũng không ngờ trái tim mình có thể hồi sinh cho một mối tình đếm từng ngày như thế này. Từ khi làm vợ rồi chia tay chồng cũ, bà khép lòng, sợ tổn thương và sợ con gái tổn thương. Vậy mà bây giờ…

Bà chỉ sợ con gái buồn, còn phần bà thì sao cũng được, miễn là trong thời gian ngắn ngủi còn lại của ông, bà được ở bên, chăm sóc ông. Bà ước gì có thể đón ông về nhà mình để được tự do hơn, nhưng không thể. Vậy nên, bà khóa cửa nhà lại để đến nhà ông, phải khép nép mỗi khi có ai đó tới thăm và sự có mặt chưa - chính - danh của bà luôn là câu hỏi trong mắt họ, mặc dù ông nhấn mạnh câu giới thiệu “bà xã của tôi đó”. Bà thích ánh lấp lánh trong mắt ông khi thốt lên hai tiếng “bà xã”, chừng như căn bệnh ngặt nghèo tạm biến mất trong giây phút đó.

Vài ngày, bà quay về nhà mình, đem theo áo quần dơ của ông và cả áo quần của bà. Bà giặt giũ rồi quét dọn và bật bếp nấu chút gì đó căn nhà ấm lên, gọi điện thoại kêu vợ chồng con gái tới ăn với mình bữa cơm. Con gái bà đang làm dâu nhà người ta, đó cũng là một điều khiến bà thấy mình có lỗi với con, không biết nhà chồng của con gái có mỉa mai bóng gió gì không.

Chuyện trò một hồi thì con rể hỏi: “Hôm nay bác đỡ hơn không má?”. Bà thấy mình thật may mắn có con rể biết thông cảm, còn con gái thì làu bàu: “Họ chỉ lợi dụng má thôi. Để rồi má coi”.

Canh ngo tro treu

Nói vậy, nhưng con gái cũng rủ chồng tới thăm ông. Bà thích nhìn thấy khuôn mặt nhợt nhạt của ông sáng bừng lên khi con gái bà cất tiếng chào hỏi. Bà cũng thích nhìn thấy con trai út của ông vui vẻ đáp lời chào của vợ chồng con gái bà. Những lúc như vậy, bà đau đớn tiếc nuối vì ông sắp sửa ra đi khi mà sự thuận hòa giữa những đứa con đã chớm đâm chồi. Rồi bà lại tự an ủi, cũng là may, ít ra trước khi đi mãi mãi ông cũng được nhìn thấy con của ông và con của bà thân thiết với nhau.

Hai năm trời trôi qua như vậy, xen kẽ những buồn vui, sợ hãi phập phồng và hy vọng phập phồng... Con trai út của ông đã năm thứ hai đại học và vì đi về giữa Sài Gòn và làng đại học Thủ Đức mất nhiều thời gian nên nó đã chuyển tới ở ký túc xá. Căn nhà chỉ còn lại ông và bà cho nên bà khá tự do, đôi khi ông đùa: “Nếu mình có đứa con nhỏ thì khác nào vợ chồng son”. Câu nói đùa thắp lên niềm hy vọng là ông đã khỏe hơn nhiều.

Ông trở bệnh nặng bất ngờ. Và bất ngờ hơn nữa là vợ chồng đứa con gái lớn của ông dọn về ở cùng. Cuộc điện thoại tình cờ nghe được khiến bà điếng người: “Phải có đứa nào về ở để giữ căn nhà chứ lỡ ba chết rồi tụi mình bị ra rìa sao”.

Tang lễ xong, bà xếp áo quần của mình vô va ly. Thắp nén nhang chào ông, bà đi về nhà mình. Cảm giác kỳ quặc là như bà vừa bỏ rơi ông. Vậy, bà đã ở bên ông suốt tháng ngày khó khăn nhất, hay chính lúc này đây mới là khó khăn nhất?

Con gái bà đã theo chồng đi nước ngoài. Bà lặng lẽ dọn dẹp căn nhà bỏ trống suốt hai năm tơ nhện giăng đầy. Điện thoại con gái gọi về: “Con xin lỗi không dự đám tang của bác được”. Bà nín lặng, hình dung con gái đang cau mày “Họ chỉ lợi dụng má thôi. Để rồi má coi”. Bà trĩu nặng trong lòng chờ đợi con gái thốt một câu tương tự vậy, nhưng đường dây im lặng. Bà khẽ hỏi: “Má lập bàn thờ bác ở nhà mình được không con?”. 

Đầu dây bên kia, giọng con gái dịu dàng: “Con cũng định nói với má việc đó”. Nước mắt bà tuôn trào.

 NGUYÊN HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI