Canh lưỡi long: Sơn hào hải vị của tuổi thơ

30/12/2019 - 06:35

PNO - Mẹ tôi, những ngày Sài Gòn cuối năm se se này thỉnh thoảng lại buột miệng: “Giờ mà có tô canh lưỡi long thì “đã” biết mấy!”.

Ở đất miền Nam, ai nghe tới “lưỡi long” cũng mắt tròn mắt dẹt, chả hiểu nó là cái chi. Biết ra rồi lại phán: xương rồng thì nói xương rồng, lại bày đặt lưỡi long!

Canh luoi long: Son hao hai vi cua tuoi tho
 

Nhưng là long hay là rồng, là xương hay là lưỡi cũng đều có lý do của nó. Quả thật lưỡi long dường như chỉ là tên gọi từ một số vùng của ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Đó là một giống cây thuộc họ xương rồng nhưng có bẹ lá (mà cũng là thân) như hình chiếc lưỡi. Lưỡi long để nấu canh phải là loại “lưỡi” gai mềm, ngắn (khác với một loại xương rồng có hình dáng chiếc lưỡi tương tự, nhưng gai cứng và nhọn, dài, thường được dân địa phương gọi là xương hùm).

Ở khắp các tỉnh miền Trung, nhất là những vùng đất cát, lưỡi long là một loại cây trồng bao quanh nhà, làm hàng rào thay cho lưới kẽm. Kỳ thực, không có thứ hàng rào nào vừa “cấm” lại vừa “thông” như cái hàng rào ấy. Hàng cây lưỡi long đan dày vào nhau, cao chỉ vừa đến lưng người lớn, lại nhiều gai, đủ để làm ai đó không thể bươn rào bước qua. Với đám con nít thì cái hàng rào ấy vừa sợ mà vừa thích. Đứng bên sân nhà mình kiễng chân gọi với thằng bạn bên sân nhà nó, coi thử nó đang làm gì. Gọi thôi chứ chẳng đứa nào dám lại gần hàng rào ấy. Mảnh gai mỏng như tơ ấy mà đâm vào da thì chỉ có khóc… 

Canh luoi long: Son hao hai vi cua tuoi tho
 

“Cái khó ló cái khôn”, vào những ngày mẹ không thể đi chợ vì bận đồng áng, thể nào trong nhà cũng có nồi canh lưỡi long. Ba lội xuống mương, chỉ chừng 30 phút là kiếm được vài con cá nhỏ, mẹ ra hàng rào bẻ vài lưỡi non, bào sợi dày, thế là có nồi canh.

Tưởng là canh “chữa cháy”, mà không, nó ngon đến từng thớ thịt. Không hiểu từ khi nào, vị chua nhẹ của lưỡi long non, cộng với mùi thơm của rau ngổ, ngò gai… quyện vào nhau, khiến chén canh nóng trong ngày trời lành lạnh trở thành sơn hào hải vị không đâu kiếm ra được. 

Nói đơn giản thế nhưng phải hiểu đặc tính của loại cây này thì mới có được tô canh ngon. Đó phải là bẹ non, càng non thì lưỡi long càng chua. Đặc biệt, phải bẻ lưỡi long vào sáng sớm, khi mặt trời chưa kịp lên và sương còn đọng trên từng đầu gai. Lưỡi long khi ấy chua mà thanh, như cái non tơ của khí trời ở thời điểm trong trẻo nhất, để lại dư vị ngọt “hậu” rất đáng nhớ.

Canh luoi long: Son hao hai vi cua tuoi tho
 

Bẻ một chùm lá bất kỳ, quất nhẹ lên mớ lưỡi long vừa bẻ cho rụng bớt gai tơ, rồi dùng dao bào gọt gai đi. Khi đó, bẹ lưỡi long như vừa mọc ra hàng trăm mắt, lại lấy dao bào thái lưỡi long thành sợi nhưng không quá mỏng. Chỉ thế thôi, bắc nồi nước, thả mớ cá đã ướp sơ với vài hạt muối trước đó vào, nước sôi dạo nữa thì thả lưỡi long vào nồi, rồi nêm nếm là xong. 

Sau này, khi tôi lớn lên, đời sống người dân đã cao hơn tí xíu, thỉnh thoảng bữa ăn lại có chút thịt bò, hàng xóm nhà tôi có “thể nghiệm” món canh lưỡi long thịt bò. Thấy ngon quá, thế là lại đi mách cho từng nhà nấu thử.

Thế nhưng với người mới ăn, canh lưỡi long là món rất… khó nói. Nhựa lưỡi long khiến chén canh như kéo sợi, đến mức… dẻo quánh, cọng lưỡi long thì giòn sần sật nên nếu không quen, sẽ chẳng thể nào… khen được. Chưa kể, độ chua của lưỡi long chỉ… lưng lửng, khác với tô canh chua vẫn thường ăn. Nhưng chính những điểm đặc trưng ấy lại làm nên sự đáng nhớ của món ăn này. 

Lương Hàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI