Canh lá khoai mì mát mùa hè

19/05/2023 - 19:01

PNO - Mỗi năm đến hè, có bận việc gì thì tôi cũng “lùa” cả nhà về ăn cơm với mẹ và nhất định phải vòi vĩnh mẹ nấu tô canh chua lá khoai mì.

 

Mọi lá khoai đều được mẹ tận dụng
Mọi lá khoai đều được mẹ tận dụng

Tôi còn nhớ như in, cái mùa hè năm đó. Một mùa hè nắng như đổ lửa, đồng khô cỏ cháy, đất nứt nẻ, cỗi cằn. Trời oi nồng, không có một giọt mưa. Những loại rau trồng trong vườn chỉ còn trơ gốc đất, những loại rau dại ăn được mọc hoang nơi bờ suối cạn cũng đã mót đến kiệt cùng.

Gia đình tôi vừa chân ướt chân ráo đưa nhau lên vùng kinh tế mới, đất hoang chưa kịp khai phá đã gặp ngay trời nắng hạn. Mảnh đất xung quanh nhà vẫn còn khô cằn hoang hóa. May sao, nhà tôi ở ngay bên bờ suối, cạnh lại có cái ao bỏ hoang, ở đó có một đám lá khoai mì nảy ra từ những thân cây người ta đã thu lấy củ, bỏ lăn lóc từ mùa năm cũ.

Đó là mảnh xanh còn sót lại cuối cùng trong vườn nhà tôi. Mà nó cũng chẳng thể còn nếu chúng tôi không cố gắng canh chừng, khi ngày nào cũng có những cặp mắt thập thò nhìn ngó.

Ngày nào thức dậy, việc đầu tiên của tôi là ngó xuống bờ ao xem đám lá khoai còn xanh ở đấy không. Ngay trong những giấc mơ, tôi cũng chập chùng thức giấc giữ canh. Chúng tôi bảo vệ đám lá khoai ấy trong sự đợi chờ những củ khoai mì trắng ngần lùi trong than nóng, thơm nức trong những giấc mơ trôi.

Không! Tôi hét lên như muốn vỡ tan lồng ngực. Vẫn không thể nào ngăn được đôi tay mẹ đang thoăn thoắt ngắt lá khoai, nhanh nhẹn, nhẹ nhàng nhưng cũng thật cương quyết. Thôi, thế là hết. Đám khoai chỉ còn lại những cành trơ khấc, vương vất thêm câu “thòng” của mẹ lửng lơ giữa trời trưa đổ lửa “không được đứa nào phá, để nó tiếp tục nảy lá mà ăn nghe chưa?”. Cái câu nói ấy, chẳng khác nào tiếng sấm giữa trời quang.

Những lá khoai ngắt được, mẹ tận dụng tối đa. Đầu tiên là những ngọn non, chỉ cần vò nhẹ, ngâm vào nước muối cho bớt mủ, vớt ra để ráo rồi mang nấu canh. Nồi canh lõng thõng nước với chút rau khoai mì xanh nổi lều phều, nhệu nhạo khó nuốt, nhưng phần nào đã giải quyết được cơn thèm rau xanh của cả gia đình.

Tầng lá giữa, với màu xanh thâm thẫm, mẹ tôi vẫn thường hay gọi là “lá bánh tẻ” - thứ lá non đã qua mà già chưa tới, là loại lá ngon nhất của cây. Mẹ mang rửa sạch, cắt nhỏ, bỏ vào chiếc cối đá, vung chày gỗ quết cho thiệt nhỏ, thêm chút muối, chút dầu mỡ xào lên eo xèo, thành món lá khoai xào cho gia đình những bữa tiệc rau bụng yên chắc dạ.

Còn những lá khoai già, nấu canh không được mà xào thì chẳng ra chi, nhưng bỏ đi thì mẹ không nỡ. Mẹ mang chúng bỏ vào chiếc thúng để bên góc nhà. Lũ chúng tôi làu bàu hỏi mẹ làm gì với thứ lá già úa bỏ đi đó mà lại sắp xếp cẩn thận như của báu thế kia. Mẹ im lặng.

Mùi hăng hăng bốc lên tận mũi khi chúng tôi vừa sà tới mâm cơm. Tô canh vẫn còn bốc khói, phía bên trên điểm thêm trái ớt đỏ và vài con cá lòng tong mà mẹ vét cạn đáy hồ đêm qua. Ô, hôm nay mẹ cho ăn sang quá vậy. Rau ở đâu mà mẹ nấu cả tô? Lại còn cá nữa chứ. Dù chỉ nhỏ xíu bằng đầu đũa thì vẫn là cá. Chất tanh của cá quyện lẫn vào cái mùi oi nồng nền nã của lá khoai mì muối chua tạo thành một thứ hương rất riêng với mùi vị thật đặc biệt mà chúng tôi chưa được nếm thử bao giờ.

Chúng tôi lùa liên tục, và tới tấp, miếng nước canh đi tới đâu, con tì con vị nở ra đến đấy. Đến khi quay lại, còn miếng cơm cháy cuối cùng và ít nước canh còn sót lại dưới đáy tô. Không ai bảo ai, tôi nhanh tay đổ luôn miếng nước canh cuối cùng vào nồi cơm. Miếng cháy trốc lên theo vị canh chua chua, ngọt ngọt, chát chát, cay cay khiến tôi vẫn mãi hít hà vẫn chưa hết thèm dù đã đến giọt nước cuối cùng, hạt cơm cuối cùng. Đứa nào cũng bụng căng kè mà vẫn muốn còn nữa để ăn thêm. Với tôi, đó là bữa ăn ngon nhất đời mình.

Chẳng đặng đừng, chúng tôi một hai buộc mẹ phải nói cho nghe nồi canh chua “thần thánh” ấy ở đâu ra. Câu trả lời của mẹ làm đứa nào cũng chưng hửng, không tin - lá khoai già mà chúng tôi đòi mang đi bỏ. Ôi, lá khoai già mà mẹ “biến” thành tô canh chua đưa cơm gạo mốc thế này sao?!

Lá khoai mẹ rửa sạch, mang phơi 1 nắng cho quéo, cắt làm đôi, rồi bỏ vào chum sành. Cứ 1 lớp lá, 1 nắm muối hột, đầy chum thì gài lại bên trên nùi lá chuối bịt kín miệng chum. 5 ngày sau, mẹ mang ra nấu nồi canh chua đổi vị. Mẹ sợ lá khoai già chúng tôi không chịu ăn, ăn không được nên vơ vét ao hồ được mớ cá vụn để “nghi binh”, đánh lừa vị giác của lũ con. Có ngờ đâu tô canh chua lá khoai hợp với lũ con cho mẹ đỡ âu lo.

Vạt khoai và những tô canh chua của mẹ, đủ cho chúng tôi đi qua một mùa hè trần ai nắng cháy. Chúng tôi như lịm đi trong cái vị ngọt ngọt chua chua khe khé ấy, không thể nào quên; để từ ấy, năm nào mẹ tôi cũng trồng một đám khoai chỉ để lấy lá muối chua.

Chúng tôi đi học, ra trường, rồi ở lại thành phố lập nghiệp. Nhưng mỗi năm đến hè, có bận việc gì thì tôi cũng “lùa” cả nhà về ăn cơm với mẹ và nhất định phải vòi vĩnh mẹ nấu tô canh chua lá khoai mì. Tôi ăn hoài mà vẫn thòm thèm, chỉ có lũ con là lắc đầu ngơ ngác. Chúng luôn hỏi nhau, tô canh chua lá khoai rậm rì rậm rịt chát xít xìn xịt, có gì ngon mà má mình thèm dữ vậy ta. 

Thủy Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI