Mùa xuân năm 1956, khi đất nước vẫn còn chia cắt hai miền, ngày nọ, một phụ nữ xinh đẹp ở Sài Gòn đã nhận được lá thư viết tay trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang gửi từ miền Bắc. Trên đó là một bản nhạc được kẻ, vẽ cẩn thận, nắn nót, có tên gọi Gửi người em gái miền Nam nhưng không đề tên người gửi.
Ca khúc có giai điệu chậm buồn, được bắt đầu bằng những câu rất nên thơ nhưng đượm màu hoài niệm, bâng khuâng:
“Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
Hà Nội chờ đón tết, vắng bóng người đi, liễu rủ... mà chi…”
Rất lâu sau này, người phụ nữ ấy mới biết tác giả của “bức tình thư bằng âm nhạc” đó, không phải ai xa lạ mà chính là Đoàn Chuẩn - vị nhạc sĩ phong lưu, tài hoa đất Bắc. Và người phụ nữ ấy là ca sĩ Mộc Lan, một tài nữ nổi tiếng tại các phòng trà ca nhạc những năm 50, sau này là vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ, bà là giọng ca nổi tiếng nhất nhì Sài thành lúc bấy giờ.
Nhiều năm trôi qua, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Mộc Lan đã không còn có thể gặp lại nhau lần nào, dù chỉ là để hát cho nhau nghe những giai điệu tha thiết ấy. Nhưng 64 năm trôi qua, Gửi người em gái miền Nam đã trở thành một trong những bản nhạc tình mùa xuân nổi tiếng nhất của tân nhạc và của cả nền âm nhạc Việt Nam cho đến tận bây giờ.
Mối tình ở hai bờ Hiền Lương
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của tân nhạc với những bản nhạc đậm chất lãng mạn, bay bổng, đặc biệt là những bản nhạc về mùa thu - mùa tình trong năm như Thu quyến rũ, Chuyển bến, Gởi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều… Dù hầu như các sáng tác của Đoàn Chuẩn đều được đón nhận và trở nên rất nổi tiếng, ông vẫn luôn tự nhận mình là "tay mơ" trong sáng tác âm nhạc và cả trong tình yêu.
Theo lời nghệ sĩ Đoàn Đính, con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, sinh thời, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là người nổi tiếng phong lưu, đa tình. Thế nên xung quanh ông luôn có những bóng dáng giai nhân khiến ông si mê đắm đuối. Những cô gái ấy đi vào cả trong thơ ca, âm nhạc của ông. Gửi người em gái miền Nam và nữ danh ca Mộc Lan cũng là một câu chuyện như thế.
Danh ca Mộc Lan (tên thật Phạm Thị Ngà) là một tài nữ của dòng tân nhạc những năm 1950. Bà sinh ra tại Hải Phòng nhưng theo anh trai vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 13, 14 tuổi. Với nhan sắc và tài năng nổi bật, lại nhận được sự nâng đỡ từ những ngày đầu của nhạc sĩ Lê Thương, Mộc Lan nhanh chóng trở thành thần tượng của cả một thế hệ thanh niên yêu nhạc ngày đó.
Đoàn Chuẩn và Mộc Lan tình cờ gặp nhau trong một chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Gần như ngay lập tức, vị nhạc sĩ đa tình đã cảm mến nàng. Nhưng tiếc thay, không lâu sau, Mộc Lan phải quay trở lại miền Nam. Từ đó, mối tình ấy bị chia cách giữa hai bờ Hiền Lương. Những năm tháng chiến tranh giao thông cách trở, những hẹn hò của tình yêu vì thế càng trở nên vô cùng khó khăn.
Khao khát gặp người tình, có lần, Đoàn Chuẩn đã đáp máy bay vào thăm nhưng lại nhận được tin nàng đang sống cùng chồng. Buồn bã thất vọng, nhưng với bản tính lãng tử, Đoàn Chuẩn đã thuê một tiệm hoa lớn ở Sài Gòn mang hoa đến tặng nàng vào mỗi buổi sáng trong suốt ba năm liền. Sau đó, khi trở về Hà Nội, lòng ông vẫn không nguôi thương nhớ bóng hình giai nhân, Đoàn Chuẩn đã viết ca khúc Gửi người em gái miền Nam để gửi gắm nỗi niềm.
Cho đến tận cuối đời, dù không có cơ hội gặp lại nhau thêm lần nào nhưng họ đã dành cho nhau nhiều cảm hứng trong âm nhạc. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Đoàn Chuẩn có nhiều tác phẩm viết riêng cho Mộc Lan (trong nhiều bản nhạc của ông sau này có ghi hai chữ "tặng ML"), nổi tiếng nhất có bài Gửi gió cho mây ngàn bay hay bài Chuyển bến với bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh.
Ca khúc sau khi ra đời cũng gặp nhiều thăng trầm như chính mối tình dang dở của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Có những giai đoạn, các sáng tác của Đoàn Chuẩn bị cấm lưu hành ở miền Bắc vì một vài lý do (mãi đến thập niên 1990, nhạc Đoàn Chuẩn mới được hát lại trong phạm vi toàn quốc), cho nên phần lời của Gửi người em gái miền Nam cũng theo những biến cố mà bị tam sao thất bản. Phần lời được cho là chính xác với nguyên bản nhất là phần lời đầu tiên do tài tử Ngọc Bảo thể hiện.
Đây cũng là một trong những phần thể hiện được chính nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nhận xét là thành công nhất của ca khúc này. Sau đó, ca khúc chủ yếu lưu hành trong miền Nam và được một số nghệ sĩ sửa lại ca từ cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, tên ca khúc cũng từ Gửi người em gái miền Nam được sửa thành Gửi người em gái. Mãi cho đến gần đây, trước ý kiến của gia đình và nhiều nhà nghiên cứu, ca khúc mới dần được phục hồi nguyên bản.
Những mộng ước mùa xuân
Gửi người em gái miền Nam có thể được xem là một trong những bài hát hay nhất về mùa xuân miền Bắc, một tác phẩm ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong chiều dài phát triển của âm nhạc Việt Nam. Viết về không khí mùa xuân và tết nhưng Đoàn Chuẩn không sử dụng những giai điệu vui tươi, rộn ràng theo “công thức chung” của những bản nhạc xuân, mà thay vào đó, ca khúc mang tính tự sự, suy tưởng với giai điệu Boléro đặc trưng của miền Nam.
Đây là một trong những sáng tác đầu tiên của tân nhạc ứng dụng khúc thức ba đoạn A - B - A mà Văn Cao, Cung Tiến và sau này là Trịnh Công Sơn thường sử dụng viết tình khúc. Và một điểm độc đáo, mới mẻ nữa là dù bản nhạc được viết trên giai điệu thất cung hiện đại của phương Tây nhưng tác giả lại thả vào đó một nét chấm phá bằng cặp câu lục bát rất Việt Nam:
“… Người đi trong dạ sao đành
Đường quen lối cũ ân tình nghĩa xưa…”
Âm nhạc của Đoàn Chuẩn, dù chỉ mang cái “tiểu tự sự” của tình yêu, của nỗi lòng, của thân phận với cấu trúc đơn giản, thì đằng sau đó vẫn ẩn hiện nỗi niềm của một nghệ sĩ, đại diện cho một lớp trí thức nhạy cảm trước cái “đại sự” của thời cuộc, trước sự đổi thay của thời gian khi phải chứng kiến những phôi phai qua thăng trầm lịch sử, những con người nặng lòng với một thời quá vãng, với “đường quen lối cũ ân tình, nghĩa xưa".
Gửi người em gái miền Nam được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vẽ nên như một bức tranh Hà Nội trầm mặc trong thời khắc chuyển giao của đất trời, “Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê/ Chuông reo vui, Ngọc Sơn sao uy nghi/ Ngàn phía đến lễ đền/ Chạnh lòng tôi nhớ tới... người em…”, một không gian như mơ như thực. Là giấc mơ về một bóng hình giai nhân dường như đã vĩnh viễn tuột khỏi tầm tay nhưng vẫn còn lại mãi trong trái tim người nhạc sĩ si tình.
|
Gửi người em gái (Gửi người em gái miền Nam) - ca sĩ Đức Tuấn |
Nhưng xa hơn, đó còn là giấc mơ giang sơn thu về một mối, nhà nhà đoàn viên: “Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ/ Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng/ Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em... giữa cầu Hiền Lương...”. Ca khúc nhờ thế vẫn mang đậm tinh thần dân tộc và không khí mùa xuân sum vầy, đoàn tụ của Hà Nội, của cả miền Bắc trong những ngày tháng chia cách của đất nước khiến bất cứ ai khi nghe lại đều không khỏi nao lòng trong khoảnh khắc tết đến, xuân về.
Cho đến nay, trải qua 64 năm thăng trầm, Gửi người em gái miền Nam mãi mãi là một bài thơ tình đẹp nhất, tinh tế và lãng mạn của tân nhạc Việt Nam, được nhiều ca sĩ thể hiện và nhiều thế hệ người Việt trong và ngoài nước say sưa đón nhận.
Lan Anh