Phong vị của những chuyến di cư
Hỏi những người Hoa gốc Quảng Đông di cư vào Việt Nam thập niên 60 - 70 tại Đà Lạt, Đức Trọng, Chợ Lớn về món “canh gừng”, nếu may mắn bạn có thể tìm được một cái nhìn hoàn toàn khác về cách dùng gừng trong chế biến ngày tết.
Giai đoạn đầu nhập cư, người Hoa gốc Quảng Đông đa phần làm công việc tay chân, kinh tế không nhiều. Thế nhưng không vì thế mà họ dễ dãi, tiếc chi tiêu với các dịp cúng, bái, hội, lễ linh đình, đặc biệt là tiết Đoan ngọ, Trung thu và tân niên. Thường ngày có thể đạm bạc nhưng liên quan đến thần linh, tổ tiên không bao giờ được phép xuề xòa.
Thường thì mỗi năm tầm 26, 27 tháng Chạp, con cháu trong nhà sẽ đến nhà chính mang đồ ăn được chuẩn bị sẵn về. Tùy tình hình tài chính mà mỗi năm mỗi khác, không năm nào giống năm nào. Thế nhưng có hai món luôn phải có là bánh tổ và canh gừng.
Bánh tổ người Hoa có lẽ đã quá nổi tiếng, mỗi quốc gia lại có nhiều biến thể với vô số cách kết hợp cùng nguyên liệu sẵn có của từng vùng. Còn canh gừng thì ngược lại, ít phổ biến hơn ngay cả với chính cộng đồng người Hoa di cư từ Quảng Đông. Làm canh gừng tốn rất nhiều thời gian và sức lực, lại thêm kiêng kỵ rất nhiều yếu tố từ thời gian ăn đến làm dụng cụ. Trừ tân niên hoặc chăm bệnh, chẳng mấy khi có người chịu vào bếp để chuẩn bị món này.
Đầu tiên là công đoạn làm sạch, bào gừng. Những năm 2000 trở về trước, gừng được bào bằng ống bô nhôm đục lỗ. Từ những chiếc xe hỏng, người Hoa tách ra thành từng tấm và dùng dụng cụ đục từng lỗ một. Đồ bào rất bén, nếu không cẩn thận thì 2, 3 lớp bao tay cũng chẳng đủ để bảo vệ cơ thể khỏi những vết cắt. Gừng sau khi làm sạch vỏ bằng muỗng inox sẽ chà lên đồ bào tới khi nát vụn. Từ phần xác, tiến hành bào và vắt nước thêm nhiều lần. Kế đó đem xào thịt để riêng, xào tiếp gừng và trộn hỗn hợp trứng, gừng, thịt chiên lên thành từng mảng. Cuối cùng, hòa nước gừng vắt cùng nước sôi để hoàn thành món ăn.
Còn thời nay, đúng là gừng có thể bào bằng các loại máy, dao bào chuyên dụng. Thế nhưng thịt cho ra không nhuyễn và vị cũng rất bợn, nhiều xác khô, khó ăn. Hoặc cũng có thể vì canh gừng đúng chuẩn làm ra rất khó nên người Hoa bao giờ cũng trân quý thứ phong vị này. Nồi canh gừng 4 người ăn cũng cần ít nhất 4 – 5 củ gừng với nửa giờ bào tay. Đấy là chưa kể đến tân niên, canh gừng chuẩn bị cho con cháu rất nhiều. Tờ mờ sáng đã thấy tất bật nơi bếp từ những người phụ nữ trong gia đình.
Chỉ nấu cho những người mình thương
Ai từng bào gừng sẽ biết hơi gừng rất cay. Càng dồn sức lại càng đổ mồ hôi nhiều. Chắc tại trân quý mà chục cái tết, canh gừng bao giờ cũng là món được trông mong. Thịt ngon, canh ấm nhưng lại phải giữ chừng mực khi ăn. Bởi canh gừng khi ăn phải tầm 1 – 2 giờ sau mới lên nhiệt. Ham vị ngon chốc lát mà ăn quá một bát kiểu gì cũng phải chịu đựng cái nóng bứt rứt hành hạ suốt vài giờ liền.
Nghệ thuật ẩm thực của người Hoa mang theo rất nhiều câu chuyện, càng tìm hiểu lại càng thấy hấp dẫn đến lạ kỳ. Với canh gừng là tính nhiệt, dùng trước khi mặt trời lặn xuống trong ngày và chỉ nấu cho những người mình thương.
Hơi nóng trong canh là rất nhiều mồ hôi, sức lực kỳ công nơi góc trong bếp. Vị ngọt trong thịt là tình yêu mà ông bà không quản khó nhọc chuẩn bị cho con cháu ngày tết về từ phương xa. Và quan trọng nhất là cách làm canh gừng từ ống bô xe đục lỗ, nó nhắc về những ngày di cư không quản cực nhọc mà tiếp nối truyền thống nhiều đời.
Có lẽ ngay tại Quảng Đông, canh gừng cũng không còn là một món phổ biến trong cuộc sống đời thường. Phần vì quá cực công chuẩn bị, phần lại dần lãng quên trước dòng chảy ẩm thực luôn đổi mới từng ngày. Thế nhưng đâu đó trong những nhóm người di cư gốc Quảng Đông nơi đất Việt, canh gừng ngày tết vẫn sẽ âm thầm chảy trong dòng văn hóa. Nhắc về nó người ta sẽ nhớ về một món ăn ngày tết không thể tìm mua – món canh gừng chỉ nấu cho duy nhất những người mình thương.
Nguyễn Vũ Thiên Anh