Nếu chạy theo xếp hạng bằng các dịch vụ quảng cáo quốc tế và xem nhẹ vai trò của khoa học và giáo dục thì chúng ta có thể có một số đại học được xếp hạng tốt, nhưng thành tựu khoa học - công nghệ và giáo dục lại không có gì.
Cuộc đua của “đại gia”
Xếp hạng đại học (ĐH) đang là cuộc đua của nhiều trường ĐH. Theo các chuyên gia, đây là cuộc đua của những trường “đại gia”, vì cần phải đầu tư về con người, cơ sở vật chất không nhỏ. Nếu không có tiềm lực kinh tế thì không có “cửa”. Hiện nay, trên thế giới có 16 bảng xếp hạng ĐH có ảnh hưởng quốc tế ở các mức độ khác nhau. Vấn đề là lựa chọn bảng xếp hạng nào thực sự có uy tín với thế giới hay đơn giản là lựa chọn một bảng xếp hạng để… ra oai.
|
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo |
Nhiều trường ĐH tại Việt Nam chọn bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds - Anh Quốc) bởi tiêu chí của nó “vừa sức”. Nếu tham gia các bảng xếp hạng khác thì còn lâu ĐH Việt Nam mới được xướng tên. Ví dụ, bảng xếp hạng ARWU (từ năm 2003) của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải quan tâm nhiều đến các tiêu chí đánh giá các nghiên cứu trình độ cao (giải thưởng Nobel, bài báo trên Nature, Science...).
Bảng xếp hạng THE (từ năm 2010) thậm chí còn quan tâm đến cả tài trợ của doanh nghiệp và cựu sinh viên cho các hoạt động nghiên cứu. Những tiêu chí này thực sự “quá sức” với số đông các trường ĐH ở khu vực đang phát triển.
Tầm cỡ của một trường ĐH cũng lên - xuống tùy vào tầm cỡ của bảng xếp hạng. Có gần 300 trường ĐH nhưng năm 2017 Việt Nam không có trường ĐH nào xuất hiện trong danh sách 350 trường ĐH tốt nhất châu Á theo xếp hạng của thời báo Times Higher Education.
Thế nhưng, cũng trong năm này, nếu tính theo bảng xếp hạng của QS châu Á, Việt Nam có đến 6 trường ĐH nằm trong top 400 châu Á. Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội xếp vị trí thứ 139, ĐH Quốc gia TP.HCM ở vị trí thứ 142. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 291-300, Trường ĐH Cần Thơ thuộc nhóm 301-350. ĐH Huế ở nhóm 351-400. ĐH Đà Nẵng xếp thứ 417.
|
Ảnh chụp từ https://www.topuniversities.com/ của QS |
Sao chỉ tập trung vào QS?
Ngày 11/4 vừa qua, Bộ GD-ĐT kết hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường ĐH Việt Nam”. Một đại biểu cho rằng, tuy tiêu đề của hội thảo khá rộng nhưng phần lớn thời gian được dành để nghe chuyên đề về xếp hạng ĐH do đại diện của Công ty trách nhiệm hữu hạn QS (Quacquarelli Symonds Limited, Anh quốc) chi nhánh ở Singapore trình bày.
Người báo cáo chính tại hội thảo là Giám đốc điều hành của chi nhánh Singapore, bà Mandy Mok, người từng làm chủ công ty quảng cáo ở Singapore.
Tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển khoa học và công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đã thẳng thắn góp ý tại hội thảo: QS đánh giá đến 50% do đề cử là không khách quan. Đó là chưa kể, QS (vốn dĩ là một doanh nghiệp) gần đây mời các ĐH tham gia hội thảo liên tục.
Những hội thảo này lại mang yếu tố thương mại, phải đóng rất nhiều tiền để tham gia. Như vậy, về mặt hình thức, xếp hạng là không có kinh phí nhưng bản chất phía sau là yếu tố thương mại. Bộ cần hết sức cảnh giác việc này.
Xếp hạng ĐH là vấn đề được quan tâm rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đó phải là việc làm của các chuyên gia am hiểu giáo dục ĐH, chứ không thể là hoạt động của một công ty trách nhiệm hữu hạn. QS định ra các tiêu chí xếp hạng trong đó có tới 50% tổng trọng số của tiêu chí đến từ sự đề cử của các chuyên gia và nhà tuyển dụng trên toàn thế giới.
Vấn đề là QS không công khai cho mọi người biết những “chuyên gia” hay “nhà tuyển dụng” này là những ai (?!) và liệu họ có là người am hiểu về những trường ĐH mà họ được mời đề cử hay không. Ngoài ra, chi nhánh Singapore còn cho các ĐH tham gia có thể giới thiệu những người “đề cử” cho chính họ.
Và để phục vụ cho việc đáp ứng tiêu chí “quyết định” này, Công ty QS đưa ra các gói quảng cáo vài chục đến vài trăm ngàn đô la Mỹ để có ĐH được tăng hạng. Lập luận của họ là: “Muốn được thứ hạng cao, muốn được tăng hạng trong bảng xếp hạng của QS cần tăng cường quảng cáo để các chủ thể đề cử biết đến trường mình” và quảng cáo là quảng cáo qua kênh của QS.
Và tại hội thảo, QS đã giới thiệu thẳng các gói quảng cáo để các ĐH muốn được xếp hạng tốt theo chuẩn của họ cần tham gia.
Chưa hết, QS chỉ dành 20% trọng số đánh giá cho thành tựu về khoa học và phát kiến của ĐH thông qua trích dẫn Scopus. Tuy nhiên, các bài báo khoa học trong cơ sở dữ liệu Scopus cũng nhiều loại và chất lượng rất khác nhau. Việc QS đánh giá tiêu chí khoa học bằng hình thức “cào bằng” như thế rất phản khoa học.
Vấn đề là trong khi nghiên cứu khoa học là một trong ba nhiệm vụ quan trọng nhất của ĐH, nhưng có thể vì nó là tiêu chí khách quan (và không thể tăng/giảm thông qua các dịch vụ quảng cáo ngàn đô của QS) nên nó chỉ được tính 20% số điểm. Đáng ngạc nhiên, một số lãnh đạo ĐH Việt Nam lại ủng hộ việc QS xem nhẹ tiêu chí nghiên cứu khi cho rằng, coi trọng tiêu chí này là không phù hợp với điều kiện Việt Nam...
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT cần giới thiệu thêm nhiều tổ chức xếp hạng ĐH quốc tế để các ĐH có thể tham khảo và tự chọn tổ chức xếp hạng quốc tế phù hợp, thay vì chỉ mỗi tổ chức hội thảo cho Công ty trách nhiệm hữu hạn QS giới thiệu về mình.
Ngoài ra, cần tách bạch giữa xếp hạng và thương mại để có đánh giá các ĐH một cách khách quan và đúng đắn. Nếu mất cảnh giác, chúng ta có thể có một số ĐH được xếp hạng tốt, nhưng thành tựu khoa học - công nghệ và giáo dục lại không có gì, làm xấu đi hình ảnh giáo dục quốc gia, lãng phí tài nguyên, đảo lộn hệ thống giá trị căn bản.
Thanh Thanh