Cảnh giác với thuốc trị tiểu đường trộn chất cấm

09/12/2017 - 09:00

PNO - Theo Giáo sư Thái Hồng Quang - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, tại Việt Nam tỷ lệ người bệnh đái tháo đường chiếm khoảng 5,4% dân số (với hơn 5 triệu người mắc) xếp hàng đầu thế giới.

Tỷ lệ này tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000. Trong bối cảnh này, nhiều loại thuốc chữa bệnh trị tiểu đường k­­­hông rõ nguồn gốc cũng ra sức hoành hành trên thị trường.

Đây là loại thuốc trị tiểu đường từng gây nguy hiểm suýt chết người, có dạng viên nén màu trắng, được đóng vỉ như thuốc Tây. Theo người bán thì thuốc làm từ thảo dược nhưng thực tế lại có chứa một chất đã bị cấm lưu hành cách đây 50 năm.  

Suy thận cấp vì tin thảo dược

Sáng 6/12, Bệnh viện Đại học (BV ĐH) Y Dược TP.HCM đã cảnh báo về một trường hợp nhập viện cấp cứu do hậu quả của việc sử dụng thuốc bằng thảo dược không rõ nguồn gốc. 

Canh giac voi thuoc tri tieu duong tron chat cam
Dù là dùng thuốc Đông y vẫn phải theo chỉ định của bác sĩ


Bệnh nhân (BN) là cụ Lê Văn M. (80 tuổi, Q.7, TP.HCM). Vài tuần trước, BN có biểu hiện mệt mỏi, ói mửa, không ăn uống được nên đến khám tại BV ĐH Y Dược. Bác sĩ (BS) kiểm tra phát hiện BN bị suy thận cấp và toan máu nặng với pH = 6.8 (mức bình thường 7.35-7.45). Tình trạng toan máu nặng này có thể khiến BN tử vong bất kỳ lúc nào. Các BS phải lập tức cho BN lọc máu cấp cứu, kết hợp dùng thuốc điều trị.

Theo người nhà BN, cụ M. bị đái tháo đường đã nhiều năm, nhưng sức khỏe và đường huyết vẫn giữ được ở mức khá ổn định, không cần dùng nhiều thuốc. Gần đây, gia đình được người quen giới thiệu một loại thuốc có tác dụng hạ đường tốt, rẻ tiền, dễ mua, không cần phải khám bệnh hằng tháng nên đã mua về dùng thử mỗi ngày, là thảo dược dạng viên, đựng trong bao ni-lông không nhãn mác.

Kiểm nghiệm thành phần thảo dược này, các BS nhận ra, thuốc không phải làm từ thảo mộc đơn thuần mà chứa cả hóa chất Phenformin, một loại thuốc trị đái tháo đường đã bị cấm lưu hành từ hơn 50 năm nay. Cụ M. may mắn thoát chết nhờ được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời; nhưng vẫn cần phải theo dõi và thở máy, lọc máu liên tục.

Phenformin từng gây ra hàng loạt ca tử vong

Trước đây không lâu, Báo Phụ Nữ từng ghi nhận một trường hợp phải cấp cứu tại BV ĐH Y Dược vì bị hôn mê do dùng thảo dược điều trị tiểu đường. BN là cụ bà P.T.D., 70 tuổi. Sau khi qua cơn nguy kịch, cụ D. cho biết, mỗi ngày cụ đã uống 3 viên thuốc thảo dược, do người quen mua giúp tận Tây Ninh, một liệu trình điều trị là 3 tháng, giá thuốc là 600.000 đồng.

Canh giac voi thuoc tri tieu duong tron chat cam
Để biến chứng, bệnh nhân tiểu đường phải nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Ảnh: Hiếu Nguyễn.

Đây là loại thuốc dạng viên màu trắng, được đóng vỉ nhưng không có nhãn mác. Nguyên nhân hôn mê của cụ D. được xác định là do đường huyết bị giảm mạnh sau khi uống loại thảo dược trên. BN đã được yêu cầu lập tức ngưng sử dụng thảo dược, tái khám định kỳ, điều trị bệnh theo đúng chỉ định của BS.

Theo BS Nguyễn Viết Hậu - Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV ĐH Y Dược, các trường hợp tương tự như bệnh nhân M. có tỷ lệ tử vong lên đến hơn 50%. Phenformin từng là loại thuốc trị đái tháo đường hàng đầu, được đưa vào thị trường năm 1957 tại Mỹ. Tuy nhiên, sau một thời gian được ưa chuộng, thuốc bị cấm sản xuất và lưu hành từ năm 1973, vì các BV ghi nhận hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm acid lactic khi dùng thuốc này.

Tình trạng nhiễm toan acid lactic rất dễ xảy ra khi BN uống Phenformin kèm các thuốc giảm đau, kháng viêm để trị đau nhức, lợi tiểu, huyết áp cao, hay BN sẵn có bệnh thận mạn tính do đái tháo đường lâu năm…

Việc điều trị bằng Phenformin còn có nhiều tác dụng phụ, biến chứng gây tử vong; có khi diễn biến tử vong sau khi dùng thuốc rất nhanh mà không tìm được nguyên nhân, dẫn đến nghi ngờ BN bị đầu độc. Việt Nam và các nước đã cấm lưu hành thuốc này nhưng vẫn tồn tại việc trộn thành phần của thuốc vào các viên Đông dược không nhãn mác, lừa bán cho những người có nhu cầu chữa bệnh đái tháo đường.

BS Hậu khuyến cáo, người bệnh đái tháo đường dù muốn điều trị bằng Đông y hay Tây y đều phải đến các cơ sở y tế uy tín, không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh những hậu quả đáng tiếc. 

Với loại thuốc này, bệnh nhân sẽ bị đánh lừa vì chỉ số đường huyết rất ổn định nhưng lại dẫn đến suy thận. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI