Cảnh giác với thực phẩm chay trôi nổi

10/04/2021 - 06:45

PNO - Các sản phẩm chay không bao bì, nhãn mác; nhập khẩu nhưng không có thông tin tiếng Việt trên bao bì vẫn xuất hiện nhan nhản trên thị trường dù gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm chay.

Thực phẩm chay (TPC) được bán phổ biến ở hầu hết các chợ lẻ của TPHCM, như đậu hũ, mì căn, chao, đồ chay giả mặn (chả, thịt heo, bò, gà, cá…). 

Ghé các chợ Bà Chiểu, Gò Vấp, Tân Sơn Nhất, chúng tôi được tiểu thương giới thiệu nhiều loại TPC mô phỏng thực phẩm mặn trông như thật, gồm sườn non, cá cục, bò lát, giò sống, cá lóc, cá cơm, xúc xích, giá từ 60.000-150.000 đồng/kg.

Các loại TPC “nhà làm” thì vô số, vừa bán lẻ vừa bán dạng cân ký và hầu hết không có bao bì, nhãn mác nên không thể biết được ngày sản xuất, hạn sử dụng. Khi chúng tôi thắc mắc, người bán cam kết: “Hàng mới làm, nếu để ở nhiệt độ thường thì sử dụng được từ 3-5 ngày; để ngăn mát tủ lạnh thì dùng cả tuần, còn bảo quản ngăn đá thì để cả năm cũng không sao”. 

Rất nhiều loại thực phẩm chay ở các chợ không rõ cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng
Rất nhiều loại thực phẩm chay ở các chợ không rõ cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng

Chưa kể gần đây, nhiều đơn vị, cá nhân còn chào bán TPC nhập khẩu từ Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia… dưới nhiều dạng: đóng hộp, khô, đông lạnh. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm, chỉ có thông tin bằng chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt. Ngoài ra, trên thị trường, còn có các sản phẩm “thịt thực vật” với thành phần được giới thiệu là protein đậu nành, đậu Hà Lan, protein gạo, dầu canola ép kèm hương liệu; hình dạng và mùi vị khá giống thịt động vật. 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội - TPC giả mặn hay thịt thực vật đều có chung đặc điểm: ngoài thành phần chính là đậu nành, còn có các chất phụ gia tạo màu, mùi, vị, chất bảo quản, chống ẩm mốc, chất định hình để làm cho chúng có đặc điểm, hương vị giống thực phẩm mặn. Điều đáng lo ngại là việc sử dụng các phụ gia, hóa chất trong sản xuất, chế biến TPC hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ. Do thiếu hiểu biết hoặc chạy theo lợi nhuận, các cơ sở nhỏ lẻ có thể dùng hóa chất công nghiệp rẻ tiền hoặc phụ gia thực phẩm có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế nhưng quá liều lượng cho phép, gây nguy hại sức khỏe người dùng. Trong sản xuất TPC mô phỏng thịt động vật, quy trình, công nghệ sản xuất đóng vai trò quan trọng, chỉ cần một khâu không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng tới độ an toàn của sản phẩm.

Đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cũng cảnh báo, các cơ sở sản xuất, chế biến TPC thường bổ sung phụ gia, hương liệu để sản phẩm có độ dai và hương vị giống các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Nếu không kiểm soát được nguyên liệu, khi chế biến, sản phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, nhiễm hóa chất độc hại; người ăn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn…

Theo vị này, không chỉ TPC tươi, TPC đóng hộp cũng có nguy cơ gây ngộ độc nếu có sự xâm nhập của vi khuẩn Clostridium botulinum trong quá trình đóng hộp. Vi khuẩn này tiết ra chất cực độc tác động lên thần kinh gây liệt cơ, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và có thể gây tử vong. Việc dùng phẩm màu tổng hợp vượt mức cho phép để chế biến TPC sẽ gây hại sức khỏe. Các loại TPC tươi phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 1-15oC để giữ được dưỡng chất, ngăn vi khuẩn phát triển, hạn sử dụng từ 5-7 ngày. Nếu để ở nhiệt độ thường hoặc quá hạn sử dụng, vi khuẩn, vi sinh vật sẽ sinh sôi, phát triển, khi ăn vào có thể bị ngộ độc.

Để bảo đảm an toàn, khi mua TPC, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin nhãn sản phẩm, tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác hoặc hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm bị biến dạng. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI