Cảnh giác với thông tin lừa đảo đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản

15/11/2016 - 06:46

PNO - Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH đang triển khai chương trình hợp tác với tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản tuyển 500 ứng viên thực tập kỹ thuật tại Nhật. 

Cục quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ LĐ-TB-XH đang triển khai chương trình hợp tác với tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (Im Japan) tuyển 500 ứng viên thực tập kỹ thuật tại Nhật.

Để tham gia chương trình, ứng viên cần chuẩn bị hồ sơ, thủ tục ra sao? Bà Trần Thị Vân Hà, trưởng phòng thông tin, cục QLLĐNN đã có cuộc trao đổi ngắn với báo Phụ nữ về vấn đề này.

PV: Bà có thể giới thiệu ngành nghề tuyển chọn và điều kiện để đăng ký dự tuyển?

Trần Thị Vân Hà: Các ngành nghề tuyển chọn trong chương trình gồm: xây dựng, sản xuất chế tạo và các ngành liên quan; nhưng hiện IM Japan chỉ tập trung tuyển chọn các ứng viên làm việc trong lĩnh vực xây dựng.

Điều kiện đăng ký dự tuyển cụ thể: nam giới tuổi từ 20-30; tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên; cao từ 1m60 trở lên; không xăm mình, không có dị tật, không bị cận thị, nhược thị, rối loạn sắc giác; có đạo đức tốt, ý thức kỷ luật tốt, không có tiền án; là người chưa từng tham gia các chương trình đào tạo thực tập sinh của Nhật Bản.

Canh giac voi thong tin lua dao di thuc tap ky thuat tai Nhat Ban
Thực tập sinh Việt Nam làm việc tại Nhật Bản.

* Mức lương và các chi phí phải đóng khi tham gia chương trình?

- Người lao động (NLĐ) được tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật trong ba năm; hưởng mức lương cơ bản theo hợp đồng khoảng 125.000-150.000 yên/tháng; sau khi hoàn thành chương trình, về nước đúng thời hạn sẽ được IM Japan hỗ trợ 600.000 yên/người (khoảng 120.000.000 đồng VN). Tính ra, các thực tập sinh có thể tích lũy được khoảng 500-600 triệu đồng sau khi hoàn thành chương trình.

NLĐ chỉ phải nộp các khoản chi phí làm hộ chiếu, visa và khám sức khỏe; học phí khóa đào tạo dự bị trong ba tháng đầu; chi phí ăn, ở trong thời gian tham dự các khóa đào tạo tại Việt Nam. NLĐ được miễn chi phí vé máy bay; học phí khóa đào tạo chính thức trong 4 tháng; chi phí đào tạo tay nghề, chi phí ôn tập trước khi xuất cảnh.

NLĐ thuộc đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo theo quy định tại quyết định số 71/2009/QĐ-Ttg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ các chi phí nêu trên theo quy định tại quyết định này; NLĐ thuộc huyện nghèo nhưng không phải là đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 50% chi phí đào tạo.

Canh giac voi thong tin lua dao di thuc tap ky thuat tai Nhat Ban
Bà Trần Thị Vân Hà, trưởng phòng thông tin, cục QLLĐNN

* Hồ sơ và thủ tục đăng ký?

- NLĐ tải hồ sơ đăng ký dự tuyển từ trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước (http://colab. gov.vn/tin-tuc/695/HO-SO-DANGKY-DU-TUYEN-THEO-CHUONGTRINH-DI-THUC-TAP-KY-THUAT-TAINHAT-BAN.aspx). Hồ sơ gồm: sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương; đơn tự nguyện đăng ký dự tuyển đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản; giấy khám và chứng nhận sức khỏe; bản sao có chứng thực giấy CMND; bản sao có chứng thực hộ khẩu; bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp THPT; bản sao có chứng thực giấy chứng nhận thuộc đối tượng gia đình chính sách, con thương binh, liệt sĩ (nếu có).

Hồ sơ nộp về Trung tâm Lao động ngoài nước bằng hình thức gửi bảo đảm chuyển phát nhanh qua đường bưu điện (số 1 Trịnh Hoài Đức, P.Cát Linh, Q.Đống Đa, Hà Nội), chậm nhất là ngày 30/11/2016. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, nếu có vướng mắc, có thể liên hệ Trung tâm Lao động ngoài nước, điện thoại: (04) 37346751.

* Gần đây lại xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp thu tiền của NLĐ trái phép, không có chức năng vẫn tuyển dụng, bà có cảnh báo gì cho NLĐ?

- Lợi dụng sự thiếu thông tin của NLĐ, một số tổ chức đã lừa đảo với nhiều thủ đoạn tinh vi. Cụ thể là gần đây xuất hiện tình trạng một số đơn vị công khai quảng cáo trên các trang mạng việc tuyển chọn, tư vấn đi làm việc tại Nhật, thu tiền của NLĐ trái phép, chủ yếu là để lừa tiền cọc, học phí, dịch vụ phát sinh…; sau đó NLĐ không xuất cảnh được do đơn vị đó không có đơn hàng cung ứng với nghiệp đoàn Nhật Bản được Cục QLLĐNN thẩm định.

Vì vậy, NLĐ cần tìm hiểu thông tin chính thống của Bộ, tìm hiểu kỹ công ty xuất khẩu lao động có giấy phép hoạt động và có hợp đồng được thẩm định của Cục QLLĐNN không, để tránh bị lừa.

Quỳnh Mai (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI