Do tin vào những lời ngon ngọt, khách hàng đã ký hợp đồng, đóng hàng trăm triệu nhưng “kỳ nghỉ” lại chỉ... nằm trên giấy.
|
Khách hàng ở TP.HCM thường xuyên đến khiếu nại ALMA nhưng không được giải quyết |
Mang nợ vì “hội thảo du lịch”
Giữa tháng 1/2018, sau khi đã đóng hơn 150 triệu đồng cho hợp đồng (HĐ) “sở hữu kỳ nghỉ”, ông N.V.T. (61 tuổi, Q. Phú Nhuận) đã đến báo Phụ Nữ kêu cứu vì đổ nợ khi dính vào chuyện “sở hữu kỳ nghỉ thiên đường”. theo ông T., đầu năm 2017 có người gọi điện mời ông đi dự hội thảo để tham khảo ý kiến về du lịch.
Tuy nhiên, đến tham gia, vợ chồng ông được đưa vào phòng riêng để xem ảnh các địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước; được nhân viên ALMA đưa “giấy đặt chỗ” mời ký vào để bốc thăm trúng thưởng. Sau đó, ông T. mới phát hiện mình đã ký vào giấy đặt chỗ du lịch và bị yêu cầu phải đóng 20 triệu đồng để “sở hữu kỳ nghỉ” ở Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).
“Tôi nói không có tiền thì nhân viên của họ đeo bám đến tận nhà để... “tư vấn”, hứa hẹn liên kết với ngân hàng để cho vay. Chẳng hiểu lúc đó thế nào mà tôi lại đồng ý đóng 20 triệu đồng cho họ”, ông T. kể.
Khi tỉnh táo xem kỹ lại HĐ, ông T. tá hỏa vì nhận ra gói “sở hữu kỳ nghỉ” của mình lên đến 360 triệu đồng, nếu không đóng tiếp sẽ mất 20 triệu đồng đặt cọc. Tiếc của, ông T. đã vay ngân hàng để đóng tiếp cho ALMA 154 triệu đồng nhưng sau đó lại liên hệ với ALMA để đòi lại tiền đặt cọc và bị từ chối.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng một năm qua, đã có rất nhiều người được mời đến trụ sở của ALMA tại tòa nhà Lim Tower (Q.1, TP.HCM) để dự hội thảo, dụ ký HĐ rồi... đổ nợ như ông T. Nhiều khách hàng (KH) cho biết, họ được tư vấn, nếu ký HĐ sẽ được sở hữu kỳ nghỉ cố định trong 36 năm, mỗi năm đi nghỉ 1 tuần, được ở các căn hộ, biệt thự sang trọng tại Khánh Hòa. Hết hạn, công ty (CT) sẽ gia hạn, KH không phải tốn thêm bất kỳ khoản phí nào. Thế nhưng, đóng tiền rồi KH mới ngã ngửa vì bị “gài” rất nhiều điểm bất lợi trong HĐ.
“Khi ký chúng tôi không được đọc kỹ, chỉ hiểu theo lời nhân viên tư vấn là nếu chọn mức giá 320 triệu đồng HĐ có giá trị trong vòng 35 năm, mỗi năm được đi du lịch 1 lần tại bất cứ đâu trên thế giới, nhưng thực tế trong hợp đồng hoàn toàn khác”- chị L.H. (ngụ Q. Tân Bình) chia sẻ.
Trong HĐ còn gài thêm điều khoản: “Các bên thống nhất rằng, tuyên bố bằng miệng hoặc bằng văn bản, các thông báo và/hoặc công bố của các nhân viên và/hoặc người lao động của CT sẽ không ràng buộc CT trừ khi được ký kết hợp lệ bởi CT” (điều 8.3).
Kỳ lạ là dù HĐ có rất nhiều điểm bất lợi cho KH nhưng nhiều người vẫn chấp nhận ký. Một KH là chị K.T. (ngụ Q.2) giải thích: “Không hiểu sao đến đó nghe họ tư vấn là chúng tôi răm rắp làm theo. Thậm chí người không có tiền cũng tìm cách vay ngân hàng để đóng. Sau đó mới biết mình… sập bẫy”.
Lách luật để... lừa?
Nghi ngờ mình bị lừa, cuối năm 2017 nhiều KH đã tìm đến dự án 300.000m2 mà ALMA đang quảng cáo tại tỉnh Khánh Hòa mới phát hiện đây chỉ là khu đất trống, lèo tèo vài công trình dang dở và đang tạm dừng thi công. Bức xúc, KH đã đến văn phòng ALMA khiếu nại nhưng bị từ chối không tiếp, dẫn đến xô xát giữa KH với bảo vệ CT.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, đã có nhiều người ký HĐ “sở hữu kỳ nghỉ” với ALMA đến nhờ ông bảo vệ quyền lợi, đa số là phụ nữ. Theo luật sư Tú, HĐ mẫu của ALMA có khá nhiều điều khoản bất lợi cho KH, đơn cử là việc giải quyết tranh chấp được quy định sẽ do Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore giải quyết và được thực hiện bằng... tiếng Anh, điều khoản hạn chế quyền khiếu nại của KH: “khách không thực hiện bất cứ khiếu nại hoặc khiếu kiện chống lại CT...”.
Mới đây, Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, đã nhận được đơn của người dân tố cáo ALMA có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân và đã chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để xử lý.
Trong một diễn biến khác, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa từng xử phạt 30 triệu đồng đối với chủ dự án Alma - Long Beach Resort Project do chậm tiến độ, vi phạm cam kết và giấy phép đầu tư. Đã vậy, dù chậm tiến độ nhiều năm, địa điểm triển khai dự án hiện vẫn là bãi cát hoang nhưng ALMA đã tiến hành giao dịch sản phẩm cho KH từ những năm trước.
Thực tế, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã cảnh báo về một số điều khoản trong HĐ “sở hữu kỳ nghỉ” chưa phù hợp với pháp luật Việt Nam. Theo các chuyên viên pháp luật, việc làm HĐ “sở hữu kỳ nghỉ” giữa ALMA và KH là một cách lợi dụng việc Luật Du lịch không cấm nhưng cũng không quy định rõ về việc bán “kỳ nghỉ dưỡng hình thành trong tương lai” để trục lợi. Người mua phải hết sức cảnh giác, đừng tham rẻ mà mất tiền oan.
Sở hữu kỳ nghỉ là gì?
Sở hữu kỳ nghỉ (timeshare) là hình thức kinh doanh đã có từ lâu trên thế giới, mang ý nghĩa chia sẻ thời gian sử dụng sản phẩm với người khác. Sau này, ý tưởng “chia sẻ thời gian” được vận dụng trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn và resort nghỉ dưỡng.
Ngành công nghiệp du lịch nghỉ dưỡng timeshare ra đời ở châu Âu từ những năm 1960, mà Pháp và Thụy Sĩ là những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này. Tại Việt Nam, “sở hữu kỳ nghỉ” chỉ mới xuất hiện vài năm nay nên nhiều người còn khá mơ hồ về mô hình này. Hoạt động mua bán theo mô hình này lại đang diễn ra trong những “khoảng trống” pháp lý, dễ phát sinh nhiều vấn đề trong giao dịch khiến KH thua thiệt.
|
Hoàng Lâm