Những chiêu lừa trên từng cây số
Chị M.N., ngụ Q.2, TP.HCM, cho biết đã nhận được một đơn hàng trị giá hơn 300.000 đồng từ đơn vị chuyển phát Giao hàng tiết kiệm. Ở mục người gửi ghi "Shopee". Đáng chú ý, gia đình chị M.N. không hề đặt đơn hàng này nhưng thông tin từ địa chỉ, số điện thoại đến tên tuổi đều ghi hoàn toàn đúng.
"Gói hàng này do người giúp việc nhận giúp vì thông tin rất chính xác. Do nhà tôi đông người nên khi có đơn hàng giao đến thường chủ động nhận vì nghĩ rằng người nào đó trong nhà đã đặt", chị M.N. chia sẻ.
Có thể thấy, sự phát triển của thương mại điện tử kéo theo sự phát triển của ngành nghề giao hàng. Người giao hàng (shipper) là cầu nối quan trọng giữa người mua - người bán. Mọi người vẫn thường nghe câu chuyện về các shipper vất vả rong ruổi đường phố nhưng lại bị chủ hàng lừa tiền. Song, không hiếm những câu chuyện tiêu cực về shipper như chiếm đoạt hàng có giá trị mà không giao hoặc “hét giá” ship quá cao khiến chủ cửa hàng bị mất uy tín.
Thậm chí có cả những shipper tự ý báo giá món hàng cao hơn hóa đơn của cửa hàng để cố tình lừa những người mua online thường xuyên mà không nhớ hết giá trị từng món hàng. Nếu bị phát hiện, họ đơn giản chỉ trả lời là ship nhiều quá nên bị nhầm.
Nhưng đáng báo động hơn cả là tình trạng ship “lụi” bất ngờ gia tăng số lượng lẫn độ tinh vi trong thời gian ngắn gần đây. Ship “lụi” ám chỉ việc người mua không đặt hàng nhưng vẫn nhận được hàng giao đến và yêu cầu thanh toán. Ship “lụi” thường nhắm vào người thường xuyên mua online, không có nhà để nhận hàng mà người nhà sẽ nhận hộ. Người nhà đa phần thường không biết người thân của mình có đặt hàng hay không, phí bao nhiêu mà chỉ căn cứ theo báo giá của shipper rồi thanh toán, nhận hàng.
Hơn thế, các đơn hàng này thường có giá trị thấp, chỉ vài trăm ngàn đồng trở lại. Thế nên người nhà cứ thế nhận, thậm chí còn không kiểm lại thông tin với người thân, không mở ra kiểm tra xem đó là hàng gì. Chỉ chờ có thế, thực hiện trót lọt vài cuộc ship “lụi” là shipper đã có thể đút túi vài triệu đồng một cách đơn giản.
Mới đây nhất, trên diễn đàn otofun.net có chia sẻ câu chuyện của nickname Ngọc Mai 2611 về việc bị lừa khi mua hàng qua ứng dụng Shopee và đơn vị vận chuyển là Giao hàng nhanh. Kẻ gian đã biết thông tin sớm nên đến trước shipper của Giao hàng nhanh và đã lừa thành công số tiền 5.069.000 đồng.
Hay như trường hợp của tài khoản Facebook Đ.H. cho biết anh có đặt mua bốn hộp thuốc của một shop online khá uy tín trên Instagram và cũng bị kẻ gian lợi dụng mánh khóe này lừa mất 4 triệu đồng.
|
Người mua hàng cần cẩn trọng khi nhận hàng và thanh toán |
Qua những trường hợp trên, có thể thấy rằng kẻ lừa đảo khá am hiểu về thói quen mua sắm của nạn nhân, các mặt hàng thường được đặt ở một số cửa hàng đông khách. Trong quá trình theo dõi, kẻ gian cũng nắm bắt được thông tin chính xác của người mua (tên họ, địa chỉ, số điện thoại), shop bán, chi tiết giá trị đơn hàng, thời điểm, đặc điểm giao nhận và “ra tay” sớm hơn các đơn vị giao hàng. Đáng nói là giá trị món hàng không còn dừng lại ở vài trăm ngàn đồng như trước mà lên đến vài triệu đồng.
Tự bảo vệ chính mình
Rõ ràng, những sự cố để kẻ gian lừa được tiền xuất phát từ chuyện cả người mua lẫn cửa hàng đều không chú trọng đúng mức về việc bảo mật thông tin cá nhân cũng như hời hợt trong quá trình giao, nhận hàng.
Dễ thấy nhất là việc người mua hàng thường vứt bao bì gói hàng có đủ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại ra ngoài để rồi kẻ gian có thể đọc được, từ đó nắm sở thích mua sắm online của người mua hàng để lên kế hoạch.
Về phía cửa hàng, quy trình chọn lựa shipper và bảo mật thông tin khách hàng cũng hết sức sơ sài khiến thông tin dễ bị lộ. Sau khi nhận đơn hàng của khách đặt, nhiều chủ cửa hàng lên các hội nhóm Facebook rao tìm shipper giao hàng tự do, đồng thời công khai luôn giá trị món hàng, địa chỉ giao hàng trên đó. Một số kẻ gian lợi dụng kẽ hở này đã nhanh chóng liên hệ cửa hàng để nhận ship.
Tuy nhiên, sau khi lấy được thông tin đầy đủ của khách hàng, shipper chủ động báo hủy ship vì có việc đột xuất. Cửa hàng đồng ý chuyển cho shipper khác thì cũng là lúc shipper này nhanh chân tìm đến địa chỉ của khách hàng mà bản thân đã lấy được thông tin, thực hiện phi vụ lừa đảo hết sức đơn giản trước khi shipper thật giao hàng đến.
Không chỉ người mua mất tiền, các cửa hàng cũng sẽ bị mất uy tín vì không sâu sát trong việc giữ thông tin và kiểm tra kỹ đối tác giao hàng cho mình. Để tránh gặp phải shipper lừa đảo, trước hết các cửa hàng cần kiểm tra lại đội ngũ và đơn vị giao hàng mình lựa chọn. Không dễ dàng chọn shipper lạ. Bảo mật thông tin khách hàng ngay tại cửa hàng, không in nhiều phiếu giao hàng rồi để lọt ra ngoài, tạo điều kiện cho kẻ gian lợi dụng sơ hở.
Tốt nhất, các chủ shop nên có shipper giao hàng uy tín riêng của cửa hàng, không những giao hàng đúng hẹn mà còn giúp tránh được những vụ lừa tiền xảy ra. Việc đăng thông tin tìm shipper trên các hội nhóm giao hàng rất dễ tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng. Bên cạnh đó, chủ shop có thể chọn các dịch vụ ship hàng chuyên nghiệp để giảm thiểu rủi ro cho cả người bán và người mua.
Trong trường hợp cần giao nhanh, phải nhờ đến các hội nhóm giao hàng trên mạng thì chủ shop cần lưu lại thông tin của shipper như chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ để liên hệ khi có rắc rối phát sinh. Shipper phải ứng tiền trước mới được giao hàng. Trong trường hợp shipper không đủ tiền ứng, hãy yêu cầu họ đưa các giấy tờ hoặc tài sản có giá trị để thế chân.
Với cá nhân người mua hàng, cần cẩn trọng khi nhận hàng và thanh toán. Khi shipper giao hàng đến, hãy chủ động mở gói hàng kiểm tra trước khi thanh toán để chắc chắn đó đúng là món hàng đặt mua. Nếu món hàng shipper giao đến do người nhà đặt mua, bạn phải liên lạc với người thân để xác nhận; đồng thời kiểm tra đúng món hàng rồi mới thanh toán.
Ngoài ra, bạn cũng cần bảo mật thông tin của chính mình bằng cách xé, hủy các thông tin giao hàng sau khi mở hộp, không để kẻ xấu đọc được thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại trên bao bì gói hàng đã nhận. Mặt khác, cần thông báo về thủ đoạn ship “lụi” cho người thân để tránh bị lợi dụng.
Hải Dân