Cảnh giác với những biểu hiện trẻ bị bạo hành

09/12/2017 - 10:04

PNO - Gần đây, mạng xã hội lan truyền những clip trẻ mầm non bị đánh đập, thậm chí trẻ hai tháng tuổi bị bạo hành dã man.

Phẫn nộ, xót xa cho con người khác, những người làm cha mẹ không khỏi lo lắng: Con mình đi học có bị bạo hành không? Hãy nhận diện những biểu hiện của trẻ bị bạo hành để kịp thời ngăn chặn.

Canh giac voi nhung bieu hien tre bi bao hanh
Ảnh minh họa

Về thể chất

Khi tắm cho trẻ, bạn quan sát xem con có những vết bầm tím ở đầu, mặt, tay, chân, mông, lòng bàn tay bàn chân… không?

Với trẻ còn nhỏ chưa đi nhà trẻ, cha mẹ phải gửi cho cô, dì hay người giúp việc, nếu bé bị rung lắc mạnh từ trước ra sau, hoặc bị tung lên cao như ta thấy trong các clip khiến não bé đập vào vỏ não gây sung phù trên đầu, thậm chí là tụ máu màng cứng. Mắt bé bị đỏ, lờ đờ, bỏ bú.

Trẻ hoảng loạn trong giấc ngủ. Không ngẩng đầu lên được, nôn ói, thậm chí mê man không tỉnh dậy… Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị bạo hành khá cao. Cha mẹ cần chú ý nhiều hơn khi gửi con cho bất kỳ ai. Tốt nhất nên chăm con cho đến khi trẻ biết nói, cha mẹ hãy nghĩ đến việc gửi trẻ.

Về tinh thần

Trẻ em từ 2-5 tuổi đi nhà trẻ hay mẫu giáo khi bị bạo hành thường có các dấu hiệu sau: 

- Khi ngủ hay trở người, giật mình, khóc, hoảng loạn trong giấc ngủ.

- Khi gặp cô bảo mẫu, cô giáo, trẻ có biểu hiện sợ hãi, bám chặt lấy mẹ. Trẻ hay quay mặt đi không dám nhìn khi cô đón. 

Canh giac voi nhung bieu hien tre bi bao hanh
Ảnh minh họa

- Lớn hơn chút nữa, bé thường nói đau bụng khi chuẩn bị đi học. Có bé trì hoãn, rề rà cho trễ giờ học, không chịu mặc quần áo, than thở. Đừng vội la mắng bé, cho rằng con nói dối. Trẻ không nói dối, vì khi lo sợ khiến bao tử co thắt làm bé đau bụng, ợ chua, cảm giác mắc đi toilet. Đừng ép bé tới trường mà phải tìm hiểu nguyên nhân.

Nếu hỏi cặn kẽ, có bé mách mẹ thường bị cô nhốt vào nhà tắm, dọa cho ma cắn, ông ba bị ăn thịt... Đây cũng là cách bạo hành về tinh thần, một kiểu cư xử độc ác mà các cô bảo mẫu hay dùng với trẻ. 

Trẻ bị bạo hành thường có hai cách cư xử bất thường, đối lập khi về nhà, so với trước đây: 

- Một số trẻ “cố thủ” không chia sẻ với cha mẹ, nổi giận, quấy khóc hay ăn vạ rất vô cớ. Đồng nghiệp của tôi cho biết, bé gái 3 tuổi nhà chị vốn rất thương con chó Lucky.  Bé chăm sóc, cho ăn, vuốt ve và trò chuyện với Lucky. Nhưng nay đi học về là bé đánh con chó dù không có nguyên nhân gì khiến bé nổi giận. 

- Một số trẻ khác thì bám cha mẹ, lẵng nhẵng theo sau quấy khóc đòi ẵm.

Muốn biết con có bị bạo hành không, khi đi ngủ, cha mẹ hỏi trẻ một số câu nhẹ nhàng mang tính gợi mở:

- Con đi học có vui không?

- Các bạn nào không ngoan, cô có đánh bạn không? Đánh ra sao?

- Cô có nhốt bạn nào không? Cô thường phạt các bạn không ngoan như thế nào?

- Khi đánh các bạn, cô có dặn không kể cho ba mẹ nghe không?

Khi không nói trực tiếp về bản thân mình, trẻ dễ dàng tâm sự hơn, sau đó ta sẽ hỏi những câu có tính trực tiếp hơn về bản thân bé: Vậy cô có đánh con không? Có dọa con không? Có nhốt con không?...

Trẻ em thường không nói dối, người lớn lại hay che giấu hành vi không tốt với trẻ nên cha mẹ cần khéo léo khi tìm hiểu sự thật. 

Cha mẹ phải biết bảo vệ con mình và cảnh giác với những biểu hiện trẻ bị bạo hành. Vết thương thân thể rồi có thể lành nhưng vết thương tinh thần mãi mãi in dấu trong đời bé, trên hành vi của trẻ sau này. Nó khiến bước đường hình thành nhân cách của trẻ xấu đi, bé sẽ mất tự tin, nhút nhát, hay lo lắng, dễ nóng giận.

Khi lớn lên, trẻ không hiểu giá trị bản thân và thường tự đánh giá thấp năng lực của mình, tự dằn vặt, có suy nghĩ tiêu cực về bản thân, từ đó có một cuộc đời lầm lũi, buồn tẻ.

Bảo Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI