Cảnh giác với chiêu thu mua hàng trả góp

15/01/2018 - 07:51

PNO - Hiện nay, rất nhiều người chọn vay mua trả góp từ các công ty tài chính; dẫn đến tình trạng không ít nơi giả mạo các công ty tài chính để chào mời, thậm chí mua lại sản phẩm trả góp.

Giáp tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao; nhưng năm nay, thay vì chọn cách vay mượn từ bạn bè, người thân hoặc vay tín dụng, nhiều người đã chọn vay mua trả góp từ các công ty tài chính; dẫn đến tình trạng không ít nơi giả mạo các công ty tài chính để chào mời, thậm chí mua lại sản phẩm trả góp.

Canh giac voi chieu thu mua hang tra gop

Vay tiêu dùng tăng mạnh 

Nhiều chuỗi cửa hàng điện thoại, điện máy lớn như FPT Shop, CellphoneS, Thế Giới Di Động cho biết, doanh số từ sản phẩm (SP) trả góp hiện đã chiếm khoảng hơn một nửa tổng doanh số bán hàng.

Ngày 14/1, quan sát tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim (Q.12), chúng tôi nhận thấy cứ 10 khách đến mua thì đã 7 người chọn hình thức trả góp; thậm chí có khách mua một lúc 2-3 SP, làm luôn mấy bộ hồ sơ vay vốn một lúc. “Tôi đang trả góp máy điều hòa giá 15 triệu đồng nhưng còn cần thêm máy giặt nên mua trả góp tiếp” - chị Thanh, một khách đang mua hàng tại siêu thị cho biết.  

Ông Đặng Thanh Phong - Giám đốc Marketing Thế Giới Di Động - cho biết, xu hướng mua trả góp đang gia tăng vì nhiều lý do, trong đó có sự thay đổi nhận thức tiêu dùng của nhiều khách hàng, xem mua hàng trả góp là chuyện bình thường.

Bên cạnh đó, nhiều công ty (CT) tài chính và các hệ thống siêu thị luôn tung ra các chương trình trả góp lãi suất 0-0,5% để kích cầu mua sắm. Thủ tục duyệt hồ sơ cũng nhanh hơn, đơn giản hơn nhiều khiến người tiêu dùng sẵn sàng sử dụng hình thức vay trả góp.

Ví dụ, trước đây nhiều đơn vị cho vay yêu cầu phải có hộ khẩu, hóa đơn điện, nước… thì nay khoảng 80% hồ sơ không cần đến các thủ tục đó; thời gian xét duyệt thay vì 3-4 giờ như trước, nay chỉ khoảng 15-20 phút là xong. Nhiều khách hàng cũng đã mạnh tay mua trả góp SP có giá trị lớn hơn trước.

Theo đại diện CT tài chính HD Saison, khách hàng ngày nay muốn mua xe phân khối lớn hơn là xe số, mua smartphone cao cấp hơn là điện thoại giá rẻ nên phân khúc SP dưới 4-5 triệu đồng trả góp chỉ có 11% nhưng SP trên 10 triệu đồng trả góp lên đến 48%. 

Ăn theo cho vay tiêu dùng của công ty lớn 

Trong khi thị trường cho vay tiêu dùng nới lỏng các điều kiện để người dân dễ dàng vay vốn thì đồng thời cũng xuất hiện những tổ chức tín dụng “đen” trá hình lập website cho vay, khi có khách hàng gọi đến sẽ tự xưng là CT con hoặc được ủy quyền của ngân hàng hay CT tài chính lớn, nhưng mức lãi suất “cắt cổ”. Nhiều khách hàng chỉ chú tâm vào việc vay cho được số tiền mình cần, đến khi “sập bẫy” mới “tá hỏa”.

Chị Nguyễn Thị Toàn, ngụ 43/13E ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, H. Hóc Môn, TP.HCM, cho biết, do nghe nói vay tiền từ các CT tài chính rất dễ, trên internet có rất nhiều CT như thế nên chi tìm trên Google thấy một website có tên “vaynhanh”.

Tin tưởng vì CT có địa chỉ cụ thể tại đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM, nhân viên lại giới thiệu là được sự ủy quyền của CT tài chính HD Saison, đưa ra cả namecard có in logo của CT này nên chị yên tâm vay. Nhân viên này cho biết, vay của CT tài chính lãi sẽ cao hơn so với các ngân hàng và đưa ra mức lãi suất 3,96%/tháng.

Bất chấp chị Toàn là công nhân, mức lương chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, CT này vẫn chấp nhận cho chị vay 20 triệu đồng. Sau đó, tìm hiểu lại, chị Toàn mới biết mình đã vay với lãi suất quá cao so với các CT tài chính (chỉ từ 1,49-1,53%/tháng).

“Thời hạn vay của tôi là 18 tháng, tính ra CT này đã ăn tiền lời gần bằng phân nửa số tiền vay; nhưng hợp đồng đã ký, tôi đành phải đóng tiền theo thỏa thuận”, chị cho biết.

Ăn theo xu hướng vay tiêu dùng tăng mạnh và lợi dụng nhu cầu tiền mặt của khách hàng, nhất là vào thời điểm cận tết, nhiều nơi còn rao cho vay tiền nhanh bằng hình thức mua hàng trả góp sau đó quy đổi thành tiền mặt, khiến nhiều khách hàng thiếu cảnh giác trong phút chốc đã mất tiền triệu.

Chỉ cần gõ từ khóa “thu mua hàng trả góp” tên Google, người tìm kiếm sẽ nhận lại đến 4.110.000 kết quả, đều là các trang web chuyên về dịch vụ này, có hẳn địa chỉ trụ sở để khách đến bán SP.

Tại một địa chỉ thu mua hàng trả góp trong hẻm 299 đường Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM), một người đàn ông tên Thắng giới thiệu đang làm việc tại CT tài chính Home Credit, hướng dẫn chúng tôi đến các siêu thị như Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động, FPT Shop… để đứng tên mua trả góp SP.

Khi hồ sơ được duyệt, chúng tôi nhận SP xong là Thắng sẽ mua lại ngay SP đó với giá 70%, riêng iPhone có giá 75%. Thậm chí, nếu cần trả trước 30% mới được cho mua trả góp, Thắng sẵn sàng ứng trước. Sau này, chúng tôi chỉ trả lãi hằng tháng cho CT tài chính.

Liên hệ nhiều website khác, những nơi này cũng đều giới thiệu là nhân viên các CT tài chính như HD Saison, FE credit, ACS… cam kết thu mua lại SP với giá 70-90%. Không ít khách hàng cứ tưởng những người thu mua SP là người của CT tài chính trên thật, việc họ thu lợi 10-30% trên SP là có thể chấp nhận được.

Thật ra, hiện các CT tài chính không hề có dịch vụ này. Đại diện CT tài chính HD Saison cho biết, CT không hề có chương trình thu mua lại SP trả góp của khách. 

Trước sự bùng nổ các dịch vụ thu mua SP trả góp, nhiều người đã lao vào vay để xoay tiền “tươi”, sau đó vừa phải  trả góp cho CT tài chính, vừa chịu lỗ đến 30% số tiền vay cho bên “thu mua” nên “đuối sức”, có người phải trả nợ chậm trễ, trở thành nợ xấu. Thiệt thòi này cả người tiêu dùng và CT tài chính lãnh đủ.

Canh giac voi chieu thu mua hang tra gop
 

Luật sư Bùi Minh Nghĩa - Phó giám đốc CT luật TNHH MTV Đại Luật Hằng Sinh, Đoàn Luật sư TP.HCM - cảnh báo: “Hình thức thu mua lại SP trả góp đang phát triển tràn lan và… không vi phạm pháp luật vì người mua và người bán đồng thuận với nhau. 

Riêng các CT tài chính bát nháo mạo danh các CT tài chính lớn (như trường hợp chị Toàn), có CT cũng đăng ký thành lập, hoạt động hợp pháp, nhưng không thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước, do đó lãi suất rất cao. Vì vậy, khách hàng cần tỉnh táo, đừng vì ham được tiền vay quá dễ mà tự biến mình thành “con nợ gánh mức lãi suất cắt cổ” của các tổ chức tín dụng này. Phải thật sự tỉnh táo chọn nơi giao dịch uy tín trong bối cảnh “ăn theo vay tiêu dùng bát nháo” hiện nay. 

Để tránh thiệt hại, khách hàng vay vốn, người tiêu dùng chỉ nên liên hệ với các CT tài chính qua số tổng đài, truy cập website CT, nhắn tin qua fanpage, đến trực tiếp trụ sở chính của CT hoặc đến bất cứ cửa hàng trực thuộc nào (có đầy đủ đồng phục, phù hiệu, thẻ tên… do CT cấp). Khách hàng có thể kiểm tra hợp đồng vay qua số hotline của CT.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI