Cảnh giác với bệnh đau mắt đỏ ở TPHCM

08/09/2023 - 06:55

PNO - TPHCM đã phát hiện hơn 63.000 ca mắc đau mắt đỏ trong 8 tháng đầu năm 2023, trong đó số lượng người bị biến chứng viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực… chiếm 1,5%. Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh là hơn 15.000 trẻ.

 

Chị N. đang được bác sĩ tại Bệnh viện Mắt TPHCM thăm khám
Chị N. đang được bác sĩ tại Bệnh viện Mắt TPHCM thăm khám

Nhiều trẻ em, người lớn bị đau mắt đỏ

Đưa con gái 6 tuổi T.H.P.T. từ Bình Dương đến TPHCM khám bệnh, anh Trần Văn Tuấn không khỏi lo lắng. Ôm con vào lòng, lâu lâu anh lại nhìn xuống đôi mắt đỏ mọng của con. Bé T. chỉ mới đi học được vài ngày thì bị bệnh. 2 hôm trước, sau khi đi học về, bé bị đỏ mắt bên phải, ngứa mắt, dụi liên tục. Nghĩ con bị mỏi mắt, anh T. nhỏ nước mắt nhân tạo cho bé. Sau đó, bé T. cảm thấy mắt dịu hơn. Đến tối, mắt của bé hơi sưng, không đau nên anh Tuấn nói con đi ngủ sớm. Không ngờ, sáng hôm sau, cả 2 mắt của bé sưng bụp, chảy nước mắt liên tục. 

“Tôi đưa bé đến phòng khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ) rồi cho thuốc uống, thuốc nhỏ mắt. Nhưng nhỏ được 2 ngày, cả 2 mắt của bé đỏ ngầu. Dù bác sĩ nói chỉ cần uống thuốc 2 tuần sẽ khỏi, con không kêu đau, mắt không đổ ghèn, nhưng mắt ngày càng đỏ, như có máu đọng bên trong. Vì lo lắng nên tôi cùng vợ đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám lại” - anh Tuấn kể. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé T. bị đau mắt đỏ khả năng do vi rút, bệnh diễn tiến nặng, xung huyết gần hết kết mạc 2 mắt. Bác sĩ kê đơn thuốc và hướng dẫn anh Tuấn cách chăm sóc cho bé, cũng như phòng bệnh cho gia đình, người xung quanh.
Tương tự, bé L.N.Y. (7 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM) cũng được mẹ đưa đến bệnh viện khám với đôi mắt sưng bụp, đổ nhiều ghèn, chảy nước mắt sống liên tục. Chị Nguyễn Thị Hằng - mẹ của bé Y. - kể bé có những triệu chứng trên sau khi ăn tôm nên chị nghĩ con bị dị ứng hải sản. Nhưng tình trạng bệnh của bé Y. ngày càng nặng, mắt đỏ mọng. Nhớ lại ở khu nhà trọ gần đó có vài người lớn bị đau mắt, chị nghi con mình bị lây. “Do gia đình còn 2 bé nữa nhưng không bị đau mắt, nghĩ con bị dị ứng nhiều hơn nên tôi ra tiệm mua thuốc cho bé uống. Nhưng bé vẫn bị ngứa mắt, chỉ vài giờ sau, 2 mắt đỏ ngầu, tôi lo quá nên chở bé đi khám” - chị Hằng cho hay.

Tại Bệnh viện Mắt TPHCM, số lượng người lớn bị các vấn đề về mắt đến khám khá đông. Trong đó, nhiều người được chẩn đoán đau mắt đỏ. Chị N.T.N. (34 tuổi, ở TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết chị bị đau mắt đã 3 ngày. Bệnh khởi phát khi chị N. đi làm về. Cảm thấy ngứa, xốn mắt trái, nghĩ chạy xe bị bụi, chị nhỏ mắt và đi ngủ. Khi thức dậy, chị hốt hoảng vì 2 mắt đều sưng, đỏ nên liền đến bệnh viện khám. Chị chia sẻ: “Gần đây, xung quanh nhà tôi có 2-3 người bị đau mắt đỏ. Tôi đã cố gắng đề phòng nhưng không ngờ cũng bị lây”.

Bệnh nhi bị đau mắt đỏ được bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm khám
Bệnh nhi bị đau mắt đỏ được bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm khám

Chú ý phòng bệnh cho học sinh

Tại Bệnh viện Mắt TPHCM, mỗi ngày có khoảng 3.200 người mắc các bệnh liên quan về mắt đến khám. Trong đó, có khoảng 60-70 trường hợp được chẩn đoán đau mắt đỏ. Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận khoảng 50 trẻ bị đau mắt đỏ/ngày với nhiều triệu chứng. Có bé chỉ mới ở giai đoạn khởi phát như ngứa rát mắt, sưng mắt, chảy nước mắt nhiều. Có bé đã vào giai đoạn nặng, bị xung huyết kết mạc, sưng nề, giả mạc…

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đình Trung Chính - chuyên khoa mắt, Khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết bệnh đau mắt đỏ là tình trạng người bệnh bị nhiễm trùng mắt do vi khuẩn, vi rút hay các tác nhân khác gây ra. Ban đầu, người bệnh có cảm giác nóng, rát mắt, xốn, cộm mắt như có bụi, cát; mi mắt sưng nề, chảy nước mắt sống, đổ ghèn, đỏ ở 1 bên mắt. Sau đó, mắt còn lại cũng bị lây sang. Do tác nhân là vi khuẩn, vi rút Adeno gây bệnh nên giai đoạn khởi phát, người bệnh ngoài đau mắt đỏ, có thể kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ… 

Đa số người bị bệnh do vi rút Adeno gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên phần lớn trường hợp vẫn là theo dõi, điều trị kháng sinh, triệu chứng, dùng nước mắt nhân tạo… giúp người bệnh dễ chịu hơn. Bệnh sẽ thuyên giảm, thoái lui trong khoảng 2 tuần, ít để lại di chứng. “Tuy nhiên, một số bệnh nhân điều trị không đúng, điều trị trễ phải đối mặt với biến chứng viêm loét giác mạc, ảnh hưởng nhiều đến thị lực. Bệnh này cũng có những triệu chứng giống với bệnh tăng nhãn áp, viêm màn bồ đào. Đây là những bệnh rất nguy hiểm, cần được chẩn đoán, điều trị sớm” - bác sĩ Nguyễn Đình Trung Chính chia sẻ.

Bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh. Hiện, trẻ em đã quay lại trường học, tiếp xúc với nhau nhiều hơn, thời tiết tại TPHCM và các tỉnh lân cận lúc nắng, lúc mưa cũng tạo điều kiện cho bệnh lây lan nhanh hơn. Do đó, khi một người bị sưng mắt, ngứa ngáy khó chịu, chảy nước mắt, đổ ghèn nhiều, nên đi khám để được điều trị sớm.

Các phụ huynh cần chú ý hướng dẫn cho các bé thường xuyên rửa tay bằng xà bông, dung dịch sát khuẩn để phòng tránh bệnh, nhắc nhở con không dụi mắt, mũi, miệng… Nếu trẻ bị mệt mỏi, đau họng, kèm hạch trước tai, đổ ghèn nhiều, đỏ mắt… khả năng trẻ đã bị mắc bệnh, cần đi khám ngay. Đồng thời thông báo với giáo viên, nhà trường, cho trẻ nghỉ học ở nhà, tránh lây bệnh cho bạn khác. 

Không để bệnh đau mắt đỏ lây lan thành dịch 

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, theo báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn, từ đầu năm đến ngày 6/9 đã có hơn 71.000 lượt người đến bệnh viện khám chữa bệnh đau mắt đỏ. Số ca bệnh đang có dấu hiệu tăng so với những tháng đầu năm.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM đã phối hợp Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford nghiên cứu để tìm, xác định chính xác tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi đến Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị chủ động tăng cường phát hiện, hướng dẫn học sinh, phụ huynh cách phát hiện và phòng bệnh đau mắt đỏ, không để bệnh lây lan thành dịch.


Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI