Cảnh giác với bệnh cúm, sởi cuối năm

27/12/2024 - 06:21

PNO - Các chuyên gia đánh giá, trong số các bệnh truyền nhiễm, cúm và sởi là vấn đề đáng ngại, bởi diễn biến phức tạp, số ca tử vong tăng trong năm qua.

Năm 2024, tử vong do cúm tăng

Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) hiện ghi nhận số ca mắc cúm gia tăng. Trong số người tới khám, có tới 50% phải nhập viện điều trị với nhiều trường hợp biến chứng nguy hiểm. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân L.T.L. (40 tuổi, ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có biểu hiện sốt nóng từng cơn, đau đầu nhiều, mỏi người, khó thở, đau rát họng… Sau 3 ngày điều trị tại nhà không thuyên giảm, chị nhập viện trong tình trạng bội nhiễm viêm phổi, suy hô hấp và phải thở máy. Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A, gây bội nhiễm viêm phổi và suy hô hấp. Nhiều địa phương cũng ghi nhận số ca cúm A đang có xu hướng gia tăng trong dịp cận tết.

Bệnh nhân cúm mùa điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Bệnh nhân cúm mùa điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 diễn ra sáng 26/12, ông Nguyễn Lương Tâm - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết trong năm 2024, cả nước ghi nhận 287.548 ca mắc bệnh cúm, trong đó có 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 18,6% nhưng số ca tử vong tăng 5 ca. Một số địa phương có số mắc cao như Thanh Hóa (46.600 ca), Thái Bình (26.345 ca), Nghệ An (17.949 ca), Hà Tĩnh (12.807 ca), Sơn La (10.162 ca).

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - đánh giá: “Các ca cúm mùa tử vong cơ bản là các trường hợp có bệnh nền, phát hiện muộn. Đối với người mắc bệnh nền, khi nhiễm cúm mùa, nguy cơ tử vong tăng cao. Bên cạnh đó, chúng ta nên cảnh giác với chủng cúm mới”. Ông đề nghị, các cơ sở y tế cần phân tuyến điều trị. Bệnh cúm lây qua đường hô hấp nên chủ động cách ly tại chỗ, điều trị đúng phác đồ ngay từ đầu.

Bệnh sởi vẫn là thách thức

Trong năm 2024, số ca mắc sởi cũng tăng rất cao so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Lương Tâm cho hay, số ca sốt phát ban nghi sởi là 38.364, tăng hơn 94 lần so với năm 2023; số ca dương tính với sởi là 6.725, tăng hơn 130 lần so với năm 2023. Một số tỉnh có số ca mắc cao như Đồng Nai (6.360 ca), TPHCM (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca)… Đến nay, cả nước đã ghi nhận 13 trường hợp tử vong do sởi.

Bà Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, địa phương đã công bố dịch sởi - cho biết: tính tới ngày 22/12, TPHCM đã tiêm vắc xin sởi cho hơn 50.000 trẻ từ 1-5 tuổi, hơn 122.000 trẻ từ 6-10 tuổi và hơn 10.200 trẻ từ 6-9 tháng. Trong đợt dịch này, ngành y tế TPHCM rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Điển hình là cần chủ động bảo vệ trẻ nguy cơ cao, tiêm vắc xin sởi cho trẻ nguy cơ cao, bệnh nền. Việc tiêm vắc xin được thực hiện ở bệnh viện, tổ chức tiêm chủng khi trẻ xuất viện. Công tác quản lý đối tượng tiêm chủng không thể phụ thuộc vào hệ thống tiêm chủng quốc gia mà phải dựa vào thực tế trên địa bàn. Thực tế, có tới 20% trẻ sống ở TPHCM nhưng địa chỉ khai báo trên hệ thống lại không thuộc thành phố nên các trạm y tế xã, phường không thể phát hiện và theo dõi tình trạng tiêm chủng.

Về nguyên nhân dịch sởi gia tăng, theo ông Nguyễn Lương Tâm, do miễn dịch cộng đồng không đạt yêu cầu vì gián đoạn tiêm chủng sau dịch COVID-19. Bên cạnh đó ý thức phòng bệnh của người dân còn hạn chế; thiếu cục bộ thuốc, vật tư, thiết bị y tế; kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống dịch hằng năm hạn chế, không kịp thời…

Năm 2025, theo Cục Y tế dự phòng, sởi vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi phải có phương án dự phòng và đáp ứng nhanh, quyết liệt. Cụ thể các cơ sở y tế đang điều trị nhiều ca bệnh từ 6-9 tháng tuổi phải hạn chế lây nhiễm chéo, các bệnh viện phải cách ly, phân luồng sàng lọc bệnh hô hấp khi nhập viện, kiểm soát nhiễm khuẩn. Các địa phương cần tổ chức tiêm bù, tiêm vét, rà soát đối tượng tiêm chủng…

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI