Cảnh giác với “bẫy” lừa sinh viên làm thêm cuối năm

12/01/2024 - 07:24

PNO - Cuối năm, đánh vào nhu cầu cần tìm việc làm thêm của sinh viên, các nhóm lừa đảo tăng cường rải các thông tin trên mạng xã hội. Bị hấp dẫn bởi các thông tin thù lao “khủng”, hoa hồng cao, không ít sinh viên bị lừa mất tiền. Có trường đại học còn cảnh báo việc sinh viên bị lừa sang Campuchia khi tìm việc làm.

 

Sinh viên cần cảnh giác khi tìm việc qua các trang mạng xã hội, đây là môi trường nhiều nguy cơ lừa đảo - ẢNH: TRANG THƯ
Sinh viên cần cảnh giác khi tìm việc qua các trang mạng xã hội, đây là môi trường nhiều nguy cơ lừa đảo - Ảnh: Trang Thư

Ma trận “việc nhẹ, lương cao”

Vừa kết thúc kỳ thực tập, lịch học trống nên Huỳnh Thu - sinh viên (SV) năm cuối Trường đại học (ĐH) Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM - đã tìm việc làm thêm để có tiền chi tiêu trong dịp tết. Thấy công việc gia sư có thu nhập cao, Thu liên hệ nhiều trung tâm môi giới qua Facebook để xin tìm việc dạy kèm. Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, thẻ SV, Thu được một trung tâm cho nhận lớp với thù lao là 900.000 đồng/buổi dạy với điều kiện phải đóng trước 400.000 đồng phí nhận lớp. 

Khi Thu còn đắn đo suy nghĩ, người của trung tâm này liền hối thúc, yêu cầu đóng phí nhận lớp nhanh nếu không sẽ chuyển lớp cho gia sư khác. Sợ mất cơ hội, Thu vội chuyển tiền. Ngay sau đó, Thu bị phía trung tâm chặn liên lạc. “Tôi mất cảnh giác, không tìm hiểu về họ mà chỉ quan tâm đến lớp học mình sắp nhận, không ngờ lại bị lừa” - Huỳnh Thu ấm ức nói. 

Trang Vy - SV năm 3 của một trường ĐH tại TPHCM - cũng mất gần 3 triệu đồng khi làm cộng tác viên đặt hàng online. Theo phía tuyển dụng, sau khi đặt và chuyển tiền thanh toán thành công đơn hàng Vy sẽ được hoàn tiền lại và trả thêm hoa hồng tương đương 30% giá trị đơn hàng. Ở 5 đơn hàng đầu giá trị mỗi đơn hàng chỉ vài trăm ngàn đồng, Vy được hoàn tiền, trả hoa hồng ngay.

Đến đơn thứ 6 với giá trị khoảng 1 triệu đồng, vì đã tin tưởng nên Vy vẫn thực hiện như trước đó. Lần này, nhóm lừa đảo báo hệ thống đang lỗi, yêu cầu Vy phải đặt và thanh toán tiếp một sản phẩm 2 triệu đồng nữa mới được hoàn tiền cả 2 đơn. Dù đã sinh nghi nhưng vì sợ mất tiền, Vy vẫn quyết định mượn tiền bạn bè để thanh toán 2 triệu đồng theo yêu cầu. Ngay sau đó, những kẻ lừa đảo cắt liên lạc.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - Marketing - cho biết: năm 2023, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp không nhiều nên tỉ lệ SV tìm kiếm việc cuối năm rất cao. Mặt khác, tìm việc trên các nền tảng số hiện nay rất tiện lợi nên được nhiều SV ưu tiên. Các đối tượng lừa đảo cũng nhắm vào đây để tìm “con mồi”. Những người này thường sẽ chủ động nhắn tin, gọi điện và mời SV vào nhóm kín, nơi có nhiều người tự nhận đã làm việc và nhận được nhiều tiền để tạo lòng tin.

Do đó, SV phải cẩn thận để không rơi vào bẫy. “Nếu tìm việc ở những trang mạng xã hội, các bạn cần xác định nội dung thông tin, đơn vị tuyển dụng đó có thật hay không bằng cách tra Google hoặc nhờ thầy cô kiểm tra. Khi đã bị lừa tiền qua mạng xã hội thì rất khó có khả năng lấy lại được” - bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ.

Một nạn nhân được gia đình chuộc về sau khi bị lừa đảo đưa sang Campuchia - ẢNH: PHONG BỤI
Một nạn nhân được gia đình chuộc về sau khi bị lừa đảo đưa sang Campuchia - Ảnh: Phong Bụi

Nguy cơ bị đưa ra nước ngoài

Vừa qua, Phòng Tuyển sinh và Công tác SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã đăng thông tin về trường hợp SV một trường ĐH tại TPHCM bị lừa sang Campuchia khi tìm việc làm. Cụ thể, sau khi nộp hồ sơ cho một sàn thương mại điện tử, em này được phía tuyển dụng đề nghị kết nối Zalo, cung cấp email và hẹn ngày phỏng vấn. Sau đó, em được xác nhận trúng tuyển và yêu cầu đi thực tập tại tỉnh Long An.

Trong quá trình di chuyển bằng xe của phía tuyển dụng, em bị một nhóm người (cả Việt Nam và Campuchia) tước hết tài sản, điện thoại… sau đó đưa đến cửa khẩu Tây Ninh. SV này bị đánh và đưa sang một xe khác cũng đang có 2 người khác bị khống chế tương tự, chở qua Campuchia. Khi những kẻ lừa đảo chuẩn bị đổi xe, lợi dụng trời tối, SV này bỏ chạy và may mắn thoát về được Việt Nam. Em này bị chấn thương phần mềm, đã đến công an cửa khẩu, công an địa phương và trình báo sự việc.

Từng bị bán sang Campuchia từ 2 năm trước, L.N.T.O. - 17 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre - vẫn nhớ như in những lần bị hành hạ, đánh đập. “Lúc biết mình bị bán em rất sợ sẽ không về được với gia đình. Họ bắt em làm quen với nhiều người trên mạng để lừa đảo chuyển tiền, không làm được thì bị đánh, bị bỏ đói và chích điện. 2-3 tháng sau khi về Việt Nam, em vẫn ngủ mớ và khóc” - em kể.

Năm đó, T.O. đang học lớp Chín. Khi xin việc qua mạng, em trúng tuyển vào vị trí cộng tác viên gõ văn bản với hứa hẹn có thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. Sau đó, em bị đưa sang Campuchia theo đường sông và liên tục bị bán qua 3 công ty. Sau gần 50 ngày, em liên hệ được với gia đình và được chuộc về với giá hơn 3.600 USD.

Anh Lê Phong (biệt danh Phong Bụi) - người từng tham gia giải cứu nhiều trường hợp bị bán sang Campuchia - cho hay, những nạn nhân anh tiếp xúc đa phần trong độ tuổi từ 14-19. Mức lương mà các đường dây lừa đảo đưa ra thường rất hấp dẫn, dao động khoảng 1.000-1.500 USD/tháng, điều kiện tuyển dụng thì không yêu cầu kinh nghiệm hay kỹ năng. Phần lớn nạn nhân sẽ được dẫn dụ đến những khu vực vắng người, gần biên giới của tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An, sau đó được mời uống nước, đánh thuốc mê và đưa qua biên giới. “Trong số 150 nạn nhân mà tôi đưa về nước, hơn một nửa đã bị sang chấn tâm lý, và có 5 trường hợp bỏ mạng ở nước ngoài” - anh chia sẻ.

Anh Lê Phong cũng thông tin thêm, khi SV biết mình bị lừa nhưng vẫn còn trên lãnh thổ Việt Nam thì nên chủ động hô hoán, tìm cách hoãn binh như giả đi vệ sinh rồi tháo chạy. Các đối tượng lái xe đưa nạn nhân đến cửa khẩu đều là tài xế được thuê với giá cao, không dám truy đuổi nạn nhân vì đường đến cửa khẩu thường rất đông đúc. “Khi đã bị bán ra nước ngoài, các bạn chỉ nên liên hệ với người nhà, đề nghị người nhà cung cấp thông tin cho cơ quan công an để thông báo với Đại sứ quán Việt Nam. Cố gắng chia sẻ vị trí mình bị giam giữ. Đây là cách an toàn nhất” - anh Lê Phong khuyên.

Kiểm tra kỹ tư cách pháp nhân của đơn vị tuyển dụng 

Thạc sĩ Trần Nam - Trưởng phòng Công tác SV, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM - cho biết: cận tết là lúc SV vừa thi học kỳ và có thời gian nghỉ, trong khi các nhà tuyển dụng trả lương cao nên nhu cầu làm thêm sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, SV lưu ý một số trường hợp lừa đảo như công việc không giống thỏa thuận, công việc không hợp pháp, không trả lương hoặc làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, di chuyển xa nơi ở… “Các bạn phải kiểm tra thật kỹ về tư cách pháp nhân của đơn vị tuyển dụng, tính chất và môi trường làm việc, cam kết tiền lương… trước khi ứng tuyển. Chúng ta không làm việc lúc này thì sẽ làm lúc khác, không làm ở chỗ này thì có thể tìm việc ở chỗ khác nên đừng nhắm mắt nghe theo những lời quảng bá, dẫn dụ rồi rơi vào những trường hợp nguy hiểm” - ông Trần Nam nói.

Giới thiệu 4.000 vị trí việc làm cho sinh viên

Nhằm hỗ trợ cho SV trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, SV TPHCM đã triển khai hoạt động giới thiệu 4.000 vị trí việc làm trong dịp tết cho SV có nhu cầu. Theo đó, trung tâm đẩy mạnh hoạt động mời gọi doanh nghiệp tuyển dụng SV làm việc bán thời gian trong dịp tết, từ ngày 1/1 đến 15/2/2024.

Việc làm được tuyển dụng nhiều là: thu ngân, nhân viên kho, nhân viên lên hàng, gói quà, chế biến tại siêu thị; phục vụ, phụ bếp, giữ xe nhà hàng, chuỗi cửa hàng ăn uống; nhân viên bảo vệ, giao hàng, phụ việc nhà, dọn vườn, trông coi nhà cửa trong dịp tết… Mức thu nhập trung bình từ 25.000-50.000 đồng/giờ, hoặc 140.000-400.000 đồng/ngày, tùy theo thời gian, thời điểm làm việc, loại hình công việc và khối lượng công việc. 
Trong các ngày tết, các doanh nghiệp trả lương cao gấp đôi, gấp ba so với bình thường hoặc tặng quà, lì xì tết cho SV làm việc. SV vào website: sac.vn để theo dõi thêm thông tin.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI