Cảnh giác trước những dự án “mì ăn liền”

23/07/2016 - 07:06

PNO - Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, nhiều chủ đầu tư ở TP. HCM đã thu gom đất nông nghiệp trong dân vẽ ra như dự án rồi “xẻ thịt” bán mà không đầu tư đầy đủ hạ tầng theo quy định.

Những công trình này đang phá nát quy hoạch chung của thành phố, gây nguy cơ phát sinh những khu dân cư ổ chuột, đưa ra thị trường những sản phẩm đầy rủi ro cho người mua.

"Biến dạng" quy hoạch chung

Dọc hai bên đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn qua địa bàn Q.9) chúng tôi thử đếm được không dưới chục dự án đất nền đang rao bán. Trên các băng rôn quảng cáo, hầu hết đều vẽ vời lung linh không kém bất kỳ dự án nghiêm túc thật sự nào. Trong vai khách hàng, chúng tôi vào dự án Riocasa do Công ty (CT) cổ phần đầu tư và phát triển nhà Đông Á xây dựng, cách UBND P.Long Trường khoảng 500m. Nhìn từ xa, dự án khá bắt mắt. Những con đường rộng khoảng 6m trải nhựa phẳng lì . Thế nhưng, ngoài đường và một vài hạ tầng khác, dự án hầu như chẳng đầu tư gì thêm.

Theo quy định hiện nay, tất cả các dự án xây mới đều phải ngầm hóa lưới điện nhưng tại đây “mạng nhện” vẫn giăng đầy trên không; vỉa hè, đèn chiếu sáng công cộng cũng chẳng thấy. T. (tự giới thiệu nhân viên bán hàng dự án) chào mời: “Diện tích từ 50 - 80m2, giá khoảng trên dưới 17 triệu đồng/ m2, anh muốn mua loại nào cũng có. Pháp lý đầy đủ”. Theo quy định, diện tích tối thiểu tách thửa ở Q.9 với đất chưa có nhà ở là 80m2, những nền nhỏ hơn phải sở hữu chung giấy chủ quyền - tôi thắc mắc. T. chỉ những căn nhà không người ở trên dự án, trấn an: “CT lo được hết, anh không cần bận tâm”. T. bật mí, thực tế đây là những căn nhà “ma”, xây không phải để ở mà để có căn cứ pháp lý cho khách hàng. Theo quy định, diện tích tối thiểu tách thửa ở Q.9 với đất đã có nhà chỉ 50m2. Vì vậy, những căn nhà này là làm cho có để tách thửa sau đó… đập bỏ. Theo ghi nhận của chúng tôi, dự án này đã tách được rất nhiều thửa đất nhỏ như vậy.

 Canh giac truoc nhung du an “mi an lien”
Nhiều người mua nền tại một dự án “mì ăn liền” cạnh khu dân cư Sài Gòn mới hơn hai năm chưa thể xây nhà 

Tương tự, tại huyện Nhà Bè, theo quy định diện tích tối thiểu tách thửa với đất chưa có nhà ở 120m2 và 80m2 với đất có nhà ở. Quy định này nhằm tạo ra bộ mặt đô thị khang trang hơn, ngăn chặn những khu dân cư ổ chuột phát sinh. Tuy nhiên, quy hoạch tại đây đang bị biến tướng ở nhiều nơi. Cạnh dự án khu dân cư Sài Gòn mới (thị trấn Nhà Bè), hàng trăm nền đất có diện tích chỉ khoảng 50m2 đang được rao bán rầm rộ. Nhiều người mua đất xong, cất nhà lên, lại tiếp tục chia nhỏ thành hai căn rồi bán dưới dạng sở hữu chung giấy chủ quyền.

Tại đây, lưới điện cũng không được ngầm hóa, đèn chiếu sáng công cộng, hệ thống cứu hỏa, vỉa hè… không có. Tất cả tạo nên bộ mặt vô cùng nhếch nhác, nguy cơ trở thành khu “ổ chuột” đã thấy trước mắt. Cách đó khoảng 1km, một dự án “mì ăn liền” khác cũng vừa “mọc” lên; đầu tư hạ tầng kỹ thuật rất sơ sài. Đường sá chỉ tráng bê tông. Hệ thống thoát nước không đặt cống mà chỉ tạo rãnh bê tông cho có… Rất nhiều dự án “mì ăn liền” khác trên địa bàn huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Q.Thủ Đức… cũng đang “mọc” lên dày đặc. Để tận dụng quỹ đất, hầ u hết các dự án này đều không đầu tư hạ tầng xã hội như công viên, khu vui chơi trẻ em, khu tập thể thao, trường học, khu thương mại…

Coi chừng mất cả chì lẫn chài

Giao dịch tại những dự án này, khách hàng phải đối diện với rất nhiều rủi ro vì hầu hết đều rao bán từ lúc còn trên giấy. Việc tách thửa, xác lập cơ sở pháp lý từng lô đất chưa có, hai bên mua bán chủ yếu bằng… niềm tin. Thực tế, nhiều khách hàng đã trở thành nạn nhân của những dự án “mì ăn liền” này. Cạnh khu dân cư Sài Gòn mới (huyện Nhà Bè), hàng trăm khách hàng đang khốn đốn vì trót mua nền từ lúc chủ đầu tư còn san lấp mặt bằng với giá chỉ khoảng 300 triệu đồng/ nền diện tích 90m2. Chủ đầu tư là CT P.M.T., nhưng khi làm hợp đồng chỉ có cá nhân ông T. (lãnh đạo CT) đứng ra ký kết, không đóng dấu. CT hứa trong khoảng sáu tháng sẽ tách thửa, ra sổ riêng từng nền cho khách hàng, nhưng đến nay đã hơn hai năm, chủ đầu tư vẫn chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang thổ cư. Mới đây, dự án còn bị phát hiện lấp rạch trái phép. Hậu quả, đến nay hàng trăm khách hàng vẫn chưa thể xây nhà ở.

 Canh giac truoc nhung du an “mi an lien”
Theo một nhân viên bán hàng của dự án Riocasa, Q.9, đây là những căn nhà xây để có căn cứ pháp lý rồi... đập

Tương tự, nhiều khách hàng mua nền đất tại một dự án “mì ăn liền” khác trong hẻm 1982 đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè trước đây cũng được chủ đầu tư hứa hẹn đủ điều, nhưng khi chủ đầu tư triển khai dự án, bất ngờ bị người dân ở hẻm này phản đối, không cho kết nối với khu dân cư vì sợ hạ tầng không đồng bộ gây ngập. Hậu quả, dự án không có đường ra. Nhiều khách hàng đã lỡ đóng tiền mua nền mất ăn mất ngủ, không biết giải quyết thế nào.

Tại hẻm 360 đường Phạm Hữu Lầu, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, thay vì mua đất, để “an toàn”, nhiều khách hàng đã mua nhà xây sẵn từ một dự án “mì ăn liền” của ông C. với giá khoảng 1 tỷ đồng/căn. Lúc mua, ông C. hứa ra giấy tờ pháp lý đầy đủ. Đến hẹn, ông C. cũng giao nhà với đủ giấy tờ như cam kết, nhưng xem kỹ lại, nhiều người giật mình vì căn nhà mình đã mua đang… nợ tiền sử dụng đất. Vì thế, nhiều người chỉ đóng khoảng 50%, bị chủ đầu tư dọa đưa giang hồ đến “xử” khiến cả xóm phập phồng lo lắng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Trương - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương, các khu đất trên do tổ chức, cá nhân tự phân lô, bán nền, chứ không phải được nhà nước giao đất. Lẽ ra khi mua bán, hai bên phải công chứng theo đúng thủ tục mua bán nhà đất, nhưng vì các sản phẩm mua bán thuộc dạng hình thành trong tương lai nên không thể công chứng. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện cam kết hoặc không thể “lách luật” làm giấy tờ được, dự án “chết” giữa chừng, khách hàng sẽ lãnh đủ.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy, đang có hiện tượng nhiều quận, huyện cố tình hiểu sai quy định tách thửa. Đây là quy định nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, không nhằm mục đích chuyển nhượng kinh doanh bất động sản không đúng quy định pháp luật và không đảm bảo về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Dù vậy, một số quận, huyện lại giải quyết tách thửa nhằm mục đích kinh doanh, gây ảnh hưởng đến quản lý quy hoạch đã được phê duyệt. Hiện Sở đang rà soát lại tình trạng này để có giải pháp chấn chỉnh.

Tiến sĩ Trần Trọng Nhân (chuyên gia kinh tế) nhận định, nếu không kịp thời ngăn chặn, việc phân lô bán nền hiện nay sẽ phá nát quy hoạch đô thị của thành phố. Hạ tầng kỹ thuật những khu vực này không chỉ đầu tư thiếu mà còn khó đảm bảo chất lượng. Sau khi chủ đầu tư bán nền, rút đi, hạ tầng xuống cấp, người dân sẽ lãnh đủ. Ngoài ra, nhiều khu dân cư có đến hàng trăm hộ dân nhưng không có trường học, khu vui chơi, công viên… trong tương lai sẽ gây quá tải hạ tầng của khu vực vì hệ thống y tế, trường học trong khu vực không đủ sức phục vụ.

Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI