Lên phương án điều trị
Với hơn 16.000 ca nhiễm trên toàn thế giới và mới đây, Thái Lan và Campuchia cũng ghi nhận ca mắc, bác sĩ Đỗ Hồng Hiên - chuyên gia dịch tễ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam - khẳng định, dù Việt Nam chưa có báo cáo ca bệnh nhưng đây “chỉ là vấn đề thời gian”. Bà cũng đặt ra tình huống, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng song chưa được giám sát, phát hiện.
Tại cuộc họp nghiệm thu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người” ngày 26/7, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cũng nhấn mạnh nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập Việt Nam là rất cao. Do đó, Việt Nam cần ban hành ngay hướng dẫn chẩn đoán, điều trị để phát hiện sớm những ca bệnh đầu tiên, sẵn sàng phương án điều trị, ngăn chặn nguy cơ bệnh diễn biến thành dịch.
|
Các chuyên gia y tế cho biết cần cảnh giác nhưng không nên quá lo lắng về bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh: Getty Images |
Theo các chuyên gia, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ và có thể diễn biến nặng. Trong đó, với thể nhẹ, các triệu chứng thường hết sau 2 - 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào. Tuy nhiên ở thể nặng, bệnh thường gặp trên nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch… và dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ hai của bệnh. Bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn da với biểu hiện có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục. Thậm chí, bệnh nhân cũng có thể bị viêm phổi, viêm não hay nhiễm khuẩn huyết.
Theo dự thảo hướng dẫn được đưa ra tại cuộc họp, với các trường hợp thể nhẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng, đảm bảo dinh dưỡng… Còn với các trường hợp nặng, cần điều trị tại khoa hồi sức, có buồng cách ly và điều trị biến chứng nếu có. Dự thảo hướng dẫn cũng nêu nguyên tắc phân tuyến điều trị. Theo đó, ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường của bệnh điều trị tại y tế xã, huyện. Tuyến y tế tỉnh, Trung ương tiếp nhận các ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng.
Không nên quá hoang mang
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) - khuyến cáo: Việt Nam cần tăng cường hệ thống giám sát để phát hiện sớm các ca đậu mùa khỉ xâm nhập. Dù vậy, không nên quá hoang mang, bởi đậu mùa khỉ khó có thể lây lan và trở thành đại dịch như COVID-19. Thống kê các ca đậu mùa khỉ cho thấy, bệnh này chủ yếu lây lan qua tiếp xúc gần, qua giọt bắn lớn tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Đa số ca bệnh trên thế giới mắc đậu mùa khỉ là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và nhiều bạn tình.
Dấu hiệu nhận biết đậu mùa khỉ Theo dự thảo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người, có bốn giai đoạn trong diễn biến bệnh đậu mùa khỉ. Cụ thể, ở giai đoạn ủ bệnh (kéo dài từ 6 - 13 ngày), người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. Ở giai đoạn khởi phát, các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Viruscó thể lây sang người khác từ giai đoạn này. Giai đoạn toàn phát có đặc trưng là sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày. Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục. Ban tuần tự từ tổn thương có nền phẳng đến sẩn, rồi thành mụn nước, mụn mủ. Mụn này sẽ đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo. |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm - cũng chỉ ra hầu hết các ca bệnh hiện là nam đồng tính, còn các nhóm đối tượng khác rất hiếm. Ông cho rằng, để mắc bệnh có thể phải tiếp xúc rất gần và rất lâu qua da. Virus này có thể tìm thấy trong tinh dịch, trong giọt bắn nhưng là giọt bắn lớn. Các giọt bắn này không lơ lửng trong không khí mà rơi nhanh xuống thấp nên không dễ lây qua hô hấp.
Để chủ động phòng bệnh, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu khuyên người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế như giữ vệ sinh cá nhân, liên hệ cơ quan y tế khi có phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân. Nếu đến những quốc gia đang xuất hiện dịch đậu mùa khỉ như khu vực Trung và Tây Phi, cần tránh tiếp xúc với động vật có vú như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay về Việt Nam, cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
Đầu tuần này, thêm một loại vắc xin đậu mùa khỉ đã được Ủy ban châu Âu cấp phép để chống lại căn bệnh được WHO vừa ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, số lượng vắc xin hiện chưa nhiều và cũng chưa quá cần thiết trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Điều tối quan trọng là nâng cao khả năng giám sát, phát hiện ca mắc sớm.
Kiểm dịch chặt tại các cửa khẩu Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), do Việt Nam bỏ tờ khai y tế đối với khách quốc tế từ tháng 4/2022 nên người nhập cảnh vào Việt Nam rất thuận lợi, trong đó có các quốc gia đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Cục đã đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành có hoạt động kiểm dịch y tế thực hiện nghiêm, đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện và hàng hóa… Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế thành phố đang triển khai các biện pháp tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, tăng cường sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh và tăng cường truyền thông trong cộng đồng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, người nhập cảnh sẽ được hướng dẫn đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi. |
Huyền Anh