Cảnh giác lừa đảo việc làm cuối năm

26/12/2024 - 19:35

PNO - TPHCM có hơn 32.000 vị trí việc làm cuối năm đang chờ người lao động. Tuy nhiên, các chiêu lừa đảo tinh vi cũng gia tăng, người lao động cần cẩn trọng.

Chiều 26/12, tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội TPHCM, bà Lượng Thị Tới - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM đã thông tin về thị trường lao động dịp cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Theo bà Tới, thời điểm cuối năm là giai đoạn cao điểm, nền kinh tế bước vào chu kỳ sôi động với nhu cầu tiêu dùng tăng cao, chuẩn bị cho lễ, tết. Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lớn, đặc biệt ở các vị trí việc làm thời vụ và bán thời gian trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ.

Hiện tại, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM ghi nhận hơn 32.476 vị trí việc làm trống. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các ngành: dệt may, lao động phổ thông, nhân viên bán hàng, kinh doanh, kế toán, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn, giao hàng, đóng gói…

Thời điểm cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, đặc biệt ở các vị trí thời vụ, bán thời gian - Ảnh: Hà Duyên
Thời điểm cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, đặc biệt ở các vị trí thời vụ, bán thời gian - Ảnh: Hà Duyên

Đây là cơ hội tốt cho người lao động, đặc biệt là công nhân, học sinh - sinh viên ở lại TPHCM trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 để kiếm thêm thu nhập. Các công việc thời vụ có mức lương dao động từ 25.000 - 100.000 đồng/giờ, tùy tính chất công việc. Những ngày tết, ngoài lương, người lao động còn được thưởng hoặc lì xì từ người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, thông tin việc làm dồi dào cũng đi kèm với nguy cơ lừa đảo. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM đã ghi nhận nhiều phương thức lừa đảo tinh vi, đánh vào tâm lý "việc nhẹ lương cao" của người lao động. Đặc biệt, các chiêu trò này thường xuất hiện trên mạng xã hội, hứa hẹn không yêu cầu kinh nghiệm hoặc điều kiện cao, nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc hoặc phí môi giới.

Trước tình trạng này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM đã ban hành văn bản, gửi các địa phương, cơ sở đào tạo, yêu cầu tuyên truyền, phổ biến thông tin để người lao động, học sinh - sinh viên nâng cao cảnh giác. Danh sách các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm cũng được công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở. Đồng thời, cơ quan chức năng đề nghị Công an TPHCM triển khai biện pháp ngăn chặn các quảng cáo việc làm sai sự thật.

“Người lao động cần kiểm chứng thông tin tuyển dụng trước khi nộp hồ sơ hoặc đóng phí. Các trung tâm dịch vụ việc làm chính thống tại TPHCM hiện có 2 trung tâm công lập, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 141 doanh nghiệp được cấp phép. Người dân nên ưu tiên liên hệ với các đơn vị này để tìm kiếm việc làm an toàn và phù hợp” - bà Tới chia sẻ.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI