"Cánh đồng hoang": Vẻ đẹp trữ tình của điện ảnh cách mạng Việt Nam

30/04/2022 - 16:32

PNO - Ra đời trong giai đoạn nhiều khốn khó, tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt đến nay vẫn làm khán giả bồi hồi khi thể hiện lòng quyết tâm đánh giặc lẫn tình cảm đời thường của con người cách mạng.

Cánh đồng hoang là bộ phim của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, công chiếu đúng ngày 30/4/1979. Dự án quy tụ một loạt anh tài thời bấy giờ, gồm diễn viên Lâm Tới, Thúy An, nhà văn Nguyễn Quang Sáng (biên kịch) và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (nhạc phim).

Câu chuyện ra đời từ chính trải nghiệm của Nguyễn Quang Sáng, như ông kể lại: “Tôi nghĩ kịch bản phim Cánh đồng hoang từ năm 1966 rồi. Năm đó, tôi đi về chiến trường Đồng Tháp Mười và ghi nhận được một số hình ảnh về chiến tranh ở đây rất độc đáo. Mãi cho đến ngày 18/12/1978, tôi mới bắt đầu viết Cánh đồng hoang”.

Cánh đồng hoang là những thước phim kinh điển của điện ảnh Việt, giúp thế hệ sau hiểu hơn về cuộc chiến của những người đi trước
Cánh đồng hoang là những thước phim kinh điển của điện ảnh Việt, giúp thế hệ sau hiểu hơn về cuộc chiến của những người đi trước

Ở vùng Đồng Tháp Mười, nhà văn chứng kiến một kiểu chiến trường đặc biệt là các cánh đồng sông nước, trong đó việc giao liên diễn ra trên xuồng. Những chiến sĩ ở đây không có hầm tránh bom, cũng không thể lẩn trốn vào rừng rậm. Họ sinh hoạt ngay trên xuồng và chỉ có cách lặn để tránh bom đạn kẻ thù. Sự quan sát tinh tế này đã trở thành cảm hứng để Nguyễn Quang Sáng làm nên kịch bản.

Phim xoay quanh vợ chồng Ba Đô (NSND Lâm Tới) và Sáu Xoa (Thúy An) sống cùng con nhỏ trong một căn chòi nhỏ giữa dòng nước. Họ có nhiệm vụ quan trọng là giữ đường dây liên lạc cho bộ đội. Giữa những trận chiến, họ phải nuôi đứa trẻ cũng như tìm kiếm lương thực.

Quân đội Mỹ xem đây là một mục tiêu quan trọng cần tiêu diệt để dập tắt kháng chiến ở khu vực này. Trực thăng quần thảo trên sông, còn bom đạn không ngớt trút xuống. Trong một trận càn quét, Ba Đô hy sinh dưới làn đạn. Để trả thù cho chồng, Sáu Xoa đuổi theo và cùng đội du kích bắn rơi trực thăng.

Vẻ đẹp trữ tình và đôn hậu củangười dân Nam bộ

Dựa trên kịch bản gốc, đạo diễn Hồng Sến đã làm nên một tác phẩm thấm đẫm tình người và cuộc sống Nam bộ. Sau những trận chiến, Ba Đô và Sáu Xoa vẫn là những người miền Tây đôn hậu và hào sảng. Đan xen giữa những cảnh bom đạn là giọng hát, tiếng đàn và những lời yêu thương của đôi vợ chồng. Có thể nói, Cánh đồng hoang là một trong những phim cách mạng đậm chất trữ tình nhất từ trước đến nay.

Dù cuộc chiến đã kết thúc gần 50 năm, Cánh đồng hoang vẫn giữ sức sống vượt thời gian
Dù cuộc chiến đã kết thúc gần 50 năm, Cánh đồng hoang vẫn giữ sức sống vượt thời gian

Nhiều cảnh cận được nhà quay phim Đường Tuấn Ba dùng để mô tả sức sống của con người thời chiến. Ba Đô mang vẻ đẹp rắn rỏi, mạnh mẽ của người đàn ông Nam bộ. Anh quan tâm đến vợ con nhưng cũng từng nổi nóng với vợ khi con gặp hiểm nguy. Có lúc, Ba Đô bắt được chú trăn và xoay vòng trên đầu hồn nhiên như đứa trẻ.

Với Thúy An (vợ của đạo diễn Hồng Sến), máy quay mô tả vẻ đẹp giàu sức sống của người phụ nữ trẻ. Sáu Xoa dịu dàng, luôn chăm sóc chồng con nhưng không kém phần quả cảm mỗi lần đối diện tình huống sinh tử. Đó là một người mẹ, người vợ vừa hết lòng vì kháng chiến, vừa giữ được những nét tinh tế rất phụ nữ.

Diễn xuất của Lâm Tới và Thúy An từng khiến nhiều thế hệ khán giả không thể rời mắt khỏi màn ảnh. Lâm Tới (sinh năm 1937) là tài tử gạo cội của điện ảnh Việt với nhiều phim kinh điển như Nổi gió (1964) hay Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973). Khi đóng Cánh đồng hoang, cố nghệ sĩ đang ở độ tuổi ngoài 40 với vẻ đẹp đầy nam tính, bộc trực.

Còn Thúy An là ngôi sao từ thập niên 1970, mang gương mặt đôn hậu nhưng có thể nhanh chóng chuyển thành nét cương nghị. Trước máy quay, hai diễn viên có sự hòa hợp tinh tế để tạo ra những phân cảnh khiến người xem tin vào nhân vật. Điều đáng nể phục hơn là Lâm Tới và Thúy An đều quay phim này trong hoàn cảnh khắc nghiệt, liên tục phải dầm nước để diễn tả đúng tình huống.

Trận chiến trên không và dưới nước

Bởi yêu quý gia đình nhỏ của Ba Đô, khán giả sẵn lòng đồng hành cùng họ suốt 1 giờ 30 phút trên màn ảnh. Ngay từ đầu phim, người xem không khỏi choáng ngợp với bối cảnh sông nước. Họ cũng không khỏi đặt ra câu hỏi: khi không có vật che chắn, làm sao những con người như vợ chồng Ba Đô có thể đương đầu với vũ khí tối tân của Mỹ?

Cuộc chiến không cân sức này được đạo diễn Hồng Sến mô tả theo hướng vừa căng thẳng vừa nhân văn. Thiên nhiên được vợ chồng Ba Đô sử dụng như một đồng minh. Họ ngụp lặn dưới nước, tận dụng bụi cỏ làm chỗ ẩn nấp. Sự đối lập trong từng cảnh quay được làm rõ khi một bên sử dụng trực thăng và súng - những biểu tượng đầy tính cơ khí của công nghệ hiện đại, một bên dựa vào thiên nhiên và những công cụ có phần thô sơ.

Cảnh quay kinh điển của phim là khi hai chiếc trực thăng quần thảo trên không, đôi vợ chồng phải cho con vào bịch ni-lông, cột miệng lại và dìm xuống nước để che giấu. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết ra tình tiết này từ chuyện có thật ở chiến trường. Trên trường quay, cảnh này cũng được ghi hình thật. Nhà quay phim Đường Tuấn Ba kể rằng ông từng lo lắng đến rơi nước mắt khi thực hiện đoạn này. Ở cảnh khác, cậu bé rớt xuống nước vì với theo chiếc ca nhựa, một lần nữa lại khiến nhà quay phim bật khóc.

Diễn viên nhí trong phim trở thành một điểm nhấn với những cảnh cười đùa tự nhiên bên “cha mẹ” trên màn ảnh. Năm 2006, tên tuổi anh lần đầu được tiết lộ. Anh là Nguyễn Văn Thuận, con ông Nguyễn Văn Việt, cháu ruột đạo diễn Hồng Sến. Lúc đóng phim, Thuận được chín tháng tuổi. Cha anh đóng vai du kích và mẹ anh phụ việc trong đoàn phim.

Đạo diễn Hồng Sến cùng ê-kíp đã vượt qua sự gian khổ để làm nên những thước phim kỳ công. Năm phim ghi hình, lũ lớn khiến đồng ngập sâu. Diễn viên Lâm Tới, Thúy An phải ghi hình ở căn chòi tạm bợ giữa Đồng Tháp Mười; còn cậu bé Nguyễn Văn Thuận cũng bị cảm vì ngâm nước nhiều.

Cánh đồng hoang trở thành tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt có lẽ vì chất đời thường cũng như những trải nghiệm thực tế mà ê-kíp đã đưa vào phim. Đạo diễn Hồng Sến, biên kịch Nguyễn Quang Sáng hay diễn viên Lâm Tới, Thúy An đều là những người từng đi qua chiến tranh nên thấu hiểu bối cảnh và tâm lý nhân vật. Cũng không thể không dành lời khen cho phần nhạc phim xuất sắc của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, người luôn mang ưu tư và trăn trở trên con đường truy cầu hòa bình.

Cánh đồng hoang còn để lại dư vị về tính nhân văn phổ quát, không phân biệt chiến tuyến. Cuối phim có cảnh một phi công Mỹ chết, tấm ảnh vợ con anh ta rơi khỏi túi áo. Từng có ý kiến muốn cắt bỏ đoạn này nhưng cuối cùng nó vẫn được giữ lại. Trích đoạn cho thấy sự tang thương bội phần của cuộc chiến khi khắc họa lính Mỹ cũng chỉ là những con người bình thường bị đẩy vào bi kịch. Họ bị chính phủ Mỹ đưa tới một cuộc chiến mà có thể chính họ cũng không muốn, ở một đất nước xa lạ.

Trong nước, Cánh đồng hoang nhận giải Bông sen vàng ở Liên hoan phim Việt Nam năm 1980 cùng giải biên kịch, nam diễn viên chính và quay phim. Tại Liên hoan phim Moscow năm 1981, tác phẩm của đạo diễn Hồng Sến được vinh danh với huy chương vàng.

Dù cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc gần 50 năm, Cánh đồng hoang vẫn giữ sức sống vượt thời gian nhờ câu chuyện chân thật, tình người đậm đà cũng như nỗ lực mà những người làm phim đặt vào tác phẩm. 

Ân Nguyễn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Yen 11-01-2024 22:49:32

    Không biết ở đâu có bản phụ đề tiếng ANh nhỉ? Đồng nghiệp ngoại quốc của tối rất muốn tìm hiều về Việt Nam, bô phim này là công cụ gới thiệu rất tốt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI