Cánh diều… không gió?

05/03/2013 - 14:53

PNO - PNO - Diều muốn bay lên hẳn nhiên phải nhờ trời có gió, cũng vậy một giải thưởng điện ảnh muốn thành công thì phải có phim tham gia. Nhìn con số khiêm tốn các phim tranh giải “Cánh diều vàng” của Hội Điện ảnh Việt Nam năm nay có...

Với một nền điện ảnh cũng khá lâu đời, từng tạo được một nền tảng khá vững trong quá khứ mà chỉ vỏn vẹn 11 bộ phim điện ảnh gửi tranh giải thưởng được xem là “giải thưởng quốc gia” thì chắc chắn đây là một vấn đề nan giải lớn, cần nghiêm túc nhìn nhận và xem ai là người phải chịu trách nhiệm cho sự tụt dốc này.

Canh dieu… khong gio?
Midu trong Mùa hè lạnh - phim vừa tham gia Cánh diều sau khi được BTC... thuyết phục

Thậm chí nếu phân tích một cách sòng phẳng, trong 11 bộ phim điện ảnh tranh giải, thì Mùa hè lạnh của đạo diễn Ngô Quang Hải được vớt vát vào giờ chót sau khi Ban tổ chức giải… hết lời thuyết phục! Ngoài ra còn có hai bộ phim là Cát nóng của đạo diễn Lê Hoàng và Lạc lối của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang chưa được công chiếu ở bất kỳ cụm rạp nào vẫn có tên trong danh sách tranh giải.

Dù bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, với chức danh Phó chủ tịch thường trực hội Điện ảnh Việt Nam đã giải thích: “Dù ban tổ chức từng thuyết phục rất nhiều đạo diễn nhưng họ vẫn không gửi phim tham dự” và lý giải: “Các phim này (Cát nóngLạc lối) do không đủ điều kiện phát hành và rạp chiếu nên chưa được công chiếu rộng rãi. Các bạn phóng viên muốn thì xin mời xem cùng với ban tổ chức!”.

Đây quả là những phát biểu có một không hai cho bất kỳ một giải thưởng điện ảnh nào trên thế giới bởi ai cũng hiểu việc một bộ phim chưa từng được công chiếu vẫn được dự giải là một điều khó có thể chấp nhận, bởi như vậy khác nào các vị tự đóng cửa trao giải cho nhau, xóa bỏ mọi đánh giá khách quan từ truyền thông lẫn khán giả. Đó là chưa nói “tiền lệ” này đã đi ngược lại tiêu chí mà chính Hội Điện ảnh Việt Nam đã đặt ra, đó là bên cạnh việc “đề cao tác phẩm điện ảnh… có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn” thì tác phẩm đó phải “đạt hiệu quả xã hội tích cực”.

Hiện nay, tại các thành phố lớn, chúng ta đã có những cụm rạp hiện đại, giới trẻ đã bắt đầu trở lại thói quen xem phim chiếu rạp. Thế nhưng các bộ phim cả điện ảnh lẫn phim truyền hình hiện tại đều gần như trông chờ vào những nhà sản xuất tư nhân, mà với những người làm kinh doanh, đồng vốn bỏ ra ai không muốn tạo ra lợi nhuận. Và vì vậy phim Việt Nam ra rạp chỉ toàn là “chân dài với danh hài”, nhàn nhạt những tiếng cười và thịt da váy áo!

Ai phải chịu trách nhiệm cho sự đi xuống này nếu không là những người đang ngồi trên những chiếc ghế cao nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam và cả những người đang tham gia vào mọi lĩnh vực của ngành điện ảnh. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhìn nhận lại mình, trông sang các nền điện ảnh cất cánh huy hoàng như Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí Thái Lan, Indonesia… mà tự vấn lương tâm để những năm sau này còn hy vọng có một giải thưởng điện ảnh cánh diều… no gió.

NGỌC THƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI