PNO - PN - Giải Cánh Diều năm nay tôn vinh xứng đáng phim Những đứa con của làng, nhưng một lần nữa lại thấy sự vô tình của khán giả khi không nhận được sự quan tâm của số đông.
edf40wrjww2tblPage:Content
Phim Những đứa con của làng gieo cảm xúc từ đầu đến cuối
Được trao giải Cánh diều Bạc 2014 (không có giải vàng) và Giải do báo chí bình chọn nhưng suốt một tuần công chiếu tại CCV ArtHouse (Parkson Paragon - TP.HCM), bộ phim Những đứa con của làng (ĐD - NSƯT Nguyễn Đức Việt, Hồng Ngát Film sản xuất theo đặt hàng của Bộ VH-TT-DL và Cục Điện ảnh) chỉ lèo tèo vài khán giả đến xem cho mỗi suất chiếu, có suất rạp không bán được vé nào. Phim rất hay nhưng không đến được với số đông thật sự là một tiếc nuối đến đau xót!
Tôi đã từng một mình một rạp khi đi xem phim Sống cùng lịch sử (nhân dịp phim chiếu miễn phí tại TP.HCM vào khoảng cuối năm 2014), không ngờ một lần nữa đã phải bước vào rạp một mình xem phim Những đứa con của làng (suất chiếu 9g20 phút ngày 13/3 - một ngày sau khi bộ phim được vinh danh tại Giải Cánh diều 2014). Tôi hỏi nhân viên phụ trách rạp: “Những suất khác có nhiều khán giả không?”. Nhận được câu trả lời không khỏi ngậm ngùi: “Chỉ vài ba người thôi, có suất không có ai xem cả”. Những đứa con của làng được ra rạp từ ngày 27/2 đến nay đã gần hết thời gian công chiếu. Liệu rằng có khán giả nào sẽ vì giải Cánh Diều Bạc mà đến thưởng thức bộ phim?
Cảm giác đau xót xốn xang cứ theo tôi suốt thời gian xem phim, Những đứa con của làng thật sự là một phim quá hay, nó vượt qua khỏi những kỳ vọng - hoặc là những lầm tưởng thường hằng về một dự án điện ảnh đặt hàng của nhà nước. Phim mở đầu bằng một cuộc càn giết 104 người dân làng vô tội. Hai hình ảnh đối kháng: đôi mắt trưởng làng trước khi chìm xuống dòng nước nhuộm máu tươi và đôi mắt của kẻ chỉ điểm “rước voi về giày mả tổ”. 20 năm sau, nỗi hận của dân làng, của từng thế hệ được truyền đi bằng câu hát, bằng chiếc chuông làng còn ghi ngày giỗ làng, bằng những lời thề và những chiếc gậy vụt lên nắm mộ của kẻ chỉ điểm năm nào.
Tôi đã từng đọc những tác phẩm văn học bi thương đẫm nước mắt về thân phận con người thời hậu chiến. Bây giờ được trở lại không gian ấy trên màn ảnh, hiện hữu đầy đau thương. Từng đứa con của làng: cô Bưởi, thằng Bè, "con của kẻ thù" Đông, trưởng làng… chấp chới sống dưới gánh nặng của quá khứ, thù hận và khốn cùng trong cái nghèo, cái đau của thời thế.
Mỗi một thân phận trong phim đều có sức nặng
Giải biên kịch xuất sắc cho nhà biên kịch Phạm Dũng quả thật vô cùng xứng đáng. Không một phim nào trong số phim dự giải Cánh diều năm nay lại có được một kịch bản chặt chẽ, chi tiết nào cũng đắt, ám ảnh đến từng tình huống như thế. Đến cả tiếng cười gieo vào phim cũng là tiếng cười của hồn nhiên mà nghẹn ngào, của bi thương mà cứu rỗi. Đầy những hình ảnh ẩn dụ, đẹp và đau. Đầy những lời thoại ngỡ nhẹ nhàng như không mà đầy sức nặng. Nhân vật cứ sống cuộc đời chân thực của họ trên màn ảnh, bình thản mà người xem thấy đau.
Ở lại sâu nhất có lẽ là nhân vật thằng Bè của diễn viên Huy Cường - một trong số những người hiếm hoi sống sót sau trận càn 20 năm trước. Bè sống trong căn nhà tồi tàn, mỗi ngày đi tìm thùng phuy, gỗ, dây thừng… cặm cụi làm chiếc cầu qua sông. Còn cây cầu bê tông xây thiếu một nhịp mà ba năm trời không thể hoàn thành khi kinh phí huyện cấp vào tay chủ tịch xã.
Bè có một tình yêu nghẹn ngào đằng đẵng với cô lái đò tên Bưởi - cũng vì tin tay chủ tịch xã mà trao đời con gái, hoang thai. Bè chơi với con gà trống, xem nó như tri âm, vậy mà để cứu Bưởi đã phải lạy con gà ba lạy trước khi làm thịt nấu cháo cho người yêu. Bè là hiện thân của một sự hồn nhiên bác ái cứu rỗi sau tất cả bi kịch của làng và của cả cuộc đời mình.
Diễn viên Huy Cường đã có một cuộc hóa thân xuất sắc trong từng dáng đi, biểu cảm khuôn mặt và ánh mắt. Sự ương bướng, đau khổ, xấu hổ hay cả niềm vui vỡ òa của Bè được Huy Cường chuyển tải đến người xem bằng những cung bậc cao nhất của cảm xúc. Giải diễn viên phụ xuất sắc dành cho anh là hoàn toàn thuyết phục.
Ám ảnh nhất và cũng đẹp đẽ nhất là vai thằng Bè của diễn viên Huy Cường
Không có chi tiết thừa, cũng không thiếu cao trào, kết thúc đầy nhân văn không khiên cưỡng, Những đứa con của làng mỗi một khoảnh khắc đều cuốn người xem vào mạch cảm xúc của nhân vật. Điều đó chứng tỏ rằng điện ảnh Việt hoàn toàn có thể có những bộ phim thật sự hay, phim nhà nước không phải lúc nào cũng là “phim cúng cụ”.
Một bộ phim chạm đến được những rung cảm sâu thẳm trong lòng người xem xứng đáng là một tác phẩm điện ảnh đáng được thưởng thức, vậy mà Những đứa con của làng lại chẳng được chiếu ở nhiều rạp như nhiều phim Việt khác. ArtHouse Parkson Paragon quá xa cho một lựa chọn xem phim Việt nếu không phải là những người quan tâm đến điện ảnh Việt Nam. (Chưa kể có những giờ chiếu “thách thức” khán giả: 22g40 phút, ngoài hai suất khác: 9g20 phút và 17g10 phút - hoặc 18g50 phút mỗi ngày).
Giải Cánh Diều năm nay đã tôn vinh xứng đáng cho Những đứa con của làng (bên cạnh hai Cánh diều Bạc dành cho Lạc giới và Hương ga). Nhưng cũng là một mùa giải nhìn thấy sự vô tình của khán giả khi quay lưng với những tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa và lựa chọn nhiều hơn với phim hài chưa hẳn là đã để lại giá trị.