Cánh diều 2020: Thôi thế cũng xong

24/12/2021 - 07:19

PNO - Vài năm gần đây, “Cánh diều” ngày càng giảm đi sự thu hút do cách phân bố giải thưởng theo kiểu cả làng cùng vui.

Sau Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII, điện ảnh Việt có thêm một giải thưởng chuyên môn uy tín nữa vừa diễn ra là giải Cánh diều 2020 với phần công bố kết quả vào ngày 22/12 vừa qua. Nếu như liên hoan phim diễn ra tương đối rầm rộ dưới hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, và kết quả giải khá thuyết phục, thì giải Cánh diều tổ chức trong lặng lẽ và cho ra kết quả bất ngờ ở một số hạng mục.

Sự âm thầm của Cánh diều một mặt có lý do khách quan của dịch bệnh, nhưng mặt khác cũng cho thấy một cách làm kiểu cho xong của Hội Điện ảnh Việt Nam, khi mà thông tin về giải hoàn toàn không được truyền thông rộng rãi. Bản chất giải thưởng là một cuộc tổng kết mang tính nội bộ hằng năm của một hội nghề nghiệp, nhưng điện ảnh là lĩnh vực thu hút nhiều quan tâm nhất trong số bảy bộ môn nghệ thuật, nên giải Cánh diều được chú ý là lẽ hiển nhiên. Vì lẽ đó mà từ năm 2003 đến nay, lễ trao giải trở thành sự kiện được truyền hình trực tiếp, được công chúng đón đợi.

Diễn viên Karen Nguyễn nhận giải thưởng Nữ diễn viên phụ xuất sắc hạng mục Phim truyện điện ảnh
Diễn viên Karen Nguyễn nhận giải thưởng Nữ diễn viên phụ xuất sắc hạng mục Phim truyện điện ảnh

Tuy nhiên vài năm gần đây, Cánh diều ngày càng giảm đi sự thu hút, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ phải tinh giản, rút gọn quy mô tổ chức do dịch bệnh, mà còn do cách phân bố giải thưởng theo kiểu cả làng cùng vui.

Năm nay, không chỉ lặp lại tình trạng “mưa” giải thưởng ở mảng điện ảnh (một vàng, hai bạc và ba bằng khen), mà giải Cánh diều còn gây tranh cãi khi có những tác phẩm, cá nhân chưa xuất sắc lại được tưởng thưởng, như là giải Nữ phụ xuất sắc thuộc về Karen Nguyễn trong Người cần quên phải nhớ, và bằng khen cho phim Con đường có mặt trời.

Có thể đánh giá của khán giả không trùng khớp với nhận định của giới chuyên môn, nên kết quả giải thưởng của Cánh diều “vênh” với công chúng, nhưng chất lượng diễn xuất hay cảm xúc mà phim mang lại, là những điều khán giả có thể nhìn nhận ra.  

Thông thường ở một giải thưởng, chất lượng các đề cử là điều làm nên giá trị giải. Ở giải Cánh diều năm nay, danh sách đề cử các tác phẩm, cá nhân xuất sắc không được phổ biến đến giới truyền thông, công chúng. Ngay cả thời điểm trao giải cũng không được công bố rộng rãi.

Không như liên hoan phim mang tính chất hội hè, liên hoan nhiều hơn, Cánh diều là giải thưởng của hội nghề nghiệp nên giá trị giải thưởng tất yếu vẫn cao hơn. Nhưng với cách làm như hiện nay, Cánh diều chưa cho thấy tầm vóc xứng đáng của giải. Lễ trao giải diễn ra ngày 22/12 tại Hà Nội như một sự tổng kết vội vã, làm cho có. Cứ như vậy, Cánh diều đang ngày càng mất dần chỗ đứng trong lòng công chúng - những người yêu điện ảnh và luôn mong muốn Cánh diều trở thành một Oscar của Việt Nam.

Bao giờ diều bay cao? Câu hỏi đó phải chờ chính người trong cuộc trả lời.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI