19 phim truyện điện ảnh dự thi Cánh diều đã được phổ biến rộng rãi đến công chúng thông qua lịch chiếu miễn phí tại một số cụm rạp ở TP.HCM, nghĩa là chất lượng phim không chỉ qua vòng kiểm định của ban giám khảo mà của cả khán giả.
|
Điểm nổi bật ở những phim truyện điện ảnh dự giải Cánh diều năm nay là có kinh phí rất “khủng” như "Fan cuồng" nhưng chất lượng không hẳn tỷ lệ thuận với vốn đầu tư |
Năm nay là năm “đỉnh cao” về số lượng (Cánh diều 2016 được coi là kỷ lục cũng chỉ có 18 phim) của phim truyện điện ảnh - thể loại được quan tâm nhất giải, nhưng lại là một năm tụt dốc về chất lượng của phim Việt, dẫu nhiều phim được đầu tư kinh phí rất cao (Fan cuồng: 26 tỷ đồng; Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Truy sát, Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu: 20 tỷ; Cha cõng con: 18 tỷ; Bao giờ có yêu nhau: 15 tỷ).
Trừ Cha cõng con, một tác phẩm độc lập của đạo diễn Lương Đình Dũng mà chất lượng nghệ thuật phần nào được khẳng định qua việc đã dự bảy liên hoan phim quốc tế, các phim dự thi còn lại đều cho thấy rõ mục đích ngay từ đầu là phục vụ nhu cầu giải trí. Thế nên hài, hành động hoặc kinh dị - ba thể loại ăn khách - hiện diện khá nhiều trong danh sách dự thi.
Tất nhiên có vài ba tác phẩm nổi trội so với mặt bằng chung như Bao giờ có yêu nhau, Sài Gòn anh yêu em, 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy. Nhưng nhìn vào các phim truyện điện ảnh của mùa giải năm nay thấy rõ sự phát triển mất cân đối của điện ảnh VN năm qua: phim giải trí thống lĩnh thị trường, phim nghệ thuật vắng bóng; hãng tư nhân rầm rộ tung hoành, hãng nhà nước im hơi lặng tiếng; điện ảnh phía Nam nhộn nhịp, phía Bắc ảm đạm.
|
Cảnh trong phim "Vẽ đường cho yêu chạy" |
Khi một nền điện ảnh mà định hướng thẩm mỹ hoàn toàn do tư nhân quyết định, làm phim chạy theo thị hiếu số đông, rập khuôn công thức ăn khách chứ không có những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân, thể hiện sự tìm tòi riêng thì khó mà tiến bộ được, bản thân những người làm nghề cũng khó có cơ hội học hỏi nâng cao chuyên môn.
Điều này lại càng khó khi quy định của giải Cánh diều là không chấp nhận những tác phẩm làm lại từ kịch bản nước ngoài tham gia tranh giải về tác phẩm.
Lý do được NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đơn vị tổ chức giải - đưa ra là: “Phim Việt hóa có kịch bản gốc từ nước ngoài khi về VN kịch bản đó được điều chỉnh, nâng cao hơn rất nhiều, thêm nữa kinh phí thực hiện kịch bản ở nước ngoài và VN cũng chênh lệch. Nếu để phim Việt hóa tranh giải sẽ không cân sức, không công bằng với những phim thuần Việt”.
Ban tổ chức tất nhiên có lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình nhưng sự khắt khe đó e rằng sẽ càng khiến giải Cánh diều năm nay và những năm về sau càng khó “no gió”.
Bởi lẽ phim làm lại (remake) là xu thế hiện nay, không chỉ ở VN mà cả trên thế giới, ngay như Oscar cũng còn chấp nhận và tôn vinh phim làm lại như The Departed (Mỹ hóa từ phim Hongkong Vô gian đạo).
|
Cha cõng con |
Một phim Việt hóa thì từ diễn viên cho đến bối cảnh vẫn chứa đựng những giá trị thuần Việt, chưa kể nội dung ít nhiều cũng được thay đổi để phù hợp văn hóa VN.
Loại bỏ những tác phẩm Việt hóa cũng là đẩy những người cầm cân nảy mực rơi vào hoàn cảnh phải “so bó đũa chọn cột cờ”, dễ dẫn đến giá trị giải thưởng bị giảm sút.
Bên cạnh việc không xem xét về mặt tác phẩm với phim làm lại, quy định không tôn vinh những người không mang quốc tịch VN ở các hạng mục cá nhân cũng khiến giải lâm vào cảnh khó, vì phim Việt hiện nay có xu hướng quốc tế hóa cao ở các thành phần làm phim.
Xem phần credit phim không khó thấy tên người nước ngoài xuất hiện ở vị trí như giám đốc hình ảnh, quay phim, nhạc sĩ, dựng phim... ngày càng nhiều. Sự có mặt của họ ít nhiều giúp phim Việt nâng cao chất lượng hình ảnh, kỹ thuật. Nếu chỉ vì hai chữ “quốc tịch” mà tước đi cơ hội so tài giữa những người làm nghề với nhau là một điều đáng tiếc.
Đành rằng Cánh diều là giải của Hội, nghĩa là sân chơi của các hội viên, nhưng nếu chỉ nghĩ hẹp như vậy thì khó giúp Cánh diều bay cao, bay xa, nâng tầm thành một “Oscar của VN” như kỳ vọng.
Giải thưởng là dịp để những người làm nghề có cơ hội cọ xát chuyên môn, càng “rộng cửa” đối tượng tham gia bao nhiêu thì sự cạnh tranh càng tăng. Với một bộ môn nghệ thuật như điện ảnh, tính sáng tạo trong một tác phẩm mới là điều quan trọng chứ không phải vấn đề xuất xứ của phim hay xuất xứ những thành phần góp mặt trong phim.
Nơi kết nối giao lưu nghệ sĩ và khách mời
Lễ trao giải Cánh diều 2016 sẽ diễn ra vào lúc 19h30 ngày 9/4 tại Nhà hát Quân Đội (TP.HCM). Theo đạo diễn lễ trao giải - diễn viên Quyền Linh, mục đích chính của giải thưởng vẫn là trao giải, tôn vinh các tác phẩm, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh nên không khí trao giải sẽ đậm chất điện ảnh, thiết kế không gian hướng đến tính thẩm mỹ, hoành tráng để thành nơi kết nối, giao lưu giữa các nghệ sĩ và khách mời.
Hai tên tuổi được “chọn mặt gửi vàng” cho vai trò MC là diễn viên Hồng Ánh và MC Nguyên Khang. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1.
|
Nguyễn Ngọc