Cánh diều 2014: Đến hẹn lại lo

12/03/2015 - 07:29

PNO - PN - Đi qua chặng đường hơn 10 năm, giải thưởng điện ảnh Cánh diều chưa bao giờ sải cánh bay trong yên ả, mà luôn vướng víu bởi vô số nỗi lo “muôn năm cũ”: lo ban giám khảo (BGK) lớn tuổi nên kết quả “già hóa”, lo việc đãi...

edf40wrjww2tblPage:Content

Một giải thưởng mang tính tổng kết ngành như bao bộ môn nghệ thuật khác nhưng luôn trở thành tâm điểm chú ý vì đặc thù của nó, chưa bao giờ thôi gây xôn xao mỗi khi khởi động. Sự chú ý của công chúng cũng biến thành áp lực lớn cho ban tổ chức (BTC) , bởi bất cứ khâu gì cũng bị săm soi: từ việc tuyển chọn phim tham dự nhiều hay ít, ai cầm cân nảy mực hạng mục Phim truyện điện ảnh, tuổi tác trung bình của BGK, cho đến chuyện ai làm đạo diễn (ĐD) chương trình đêm trao giải, MC chương trình do ai đảm nhận, khách mời trao giải gồm những ai…

Tất nhiên, không thể trách công chúng quá khắt khe, vì có yêu mến mới quan tâm.

Mùa giải năm nay, dù đã trải qua hơn 10 lần tổ chức cũng không ngoại lệ. Sự lo lắng đến ngay từ buổi họp báo về giải thưởng khi bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh VN - đơn vị tổ chức - công bố danh sách 11 thành viên giám khảo hạng mục phim truyện điện ảnh với rất nhiều gương mặt gạo cội (dĩ nhiên là lão thành) như GS-TS Trần Luân Kim, NSND Bùi Đình Hạc, nhà văn Chu Lai, các ĐD Nguyễn Vinh Sơn, Đào Bá Sơn...

Trước băn khoăn của báo chí về tuổi tác tầm U70 của những người cầm cân nảy mực, ĐD Nguyễn Vinh Sơn khẳng khái: “Khán giả bình thường ở mỗi độ tuổi có sở thích xem phim khác nhau, nhưng chúng tôi là những người làm nghề chuyên nghiệp, xem phim bằng con mắt của người trong nghề, không bị chi phối bởi tuổi tác”.

Tuy yên tâm với giải thích của giám khảo Nguyễn Vinh Sơn, và thực tế qua bốn ngày xem 17 phim cùng các giám khảo cho thấy, những mái đầu đã bạc kia cũng hưởng ứng rất nồng nhiệt những phim “trẻ” như Scandal 2 - hào quang trở lại, Quả tim máu hay Chàng trai năm ấy, thì nếu một BGK có được vài gương mặt trẻ, dư luận vẫn hào hứng hơn.

Canh dieu 2014: Den hen lai lo

Khán giả xếp hàng dài trong ngày đầu tiên 5/3 phát vé miễn phí xem phim Cánh diều 2014
tại rạp BHD Phạm Hùng - H.Bình Chánh - Ảnh H.Nhu

Thật ra BTC không phải là chỉ muốn mời người già chấm thi mà là vì người trẻ quá bận rộn. Sự thờ ơ của những người làm nghề trẻ còn thể hiện ở chỗ phớt lờ thư mời gửi phim dự thi. ĐD Nguyễn Hoàng Điệp, mãi đến khi thời hạn chót của thời gian gia hạn đã qua quá 10 ngày mới đăng ký, trong khi BTC gửi thư mời từ rất sớm.

Không hào hứng dự thi, không thể gác bỏ công việc để làm giám khảo hay khách mời trao giải, những điều đó phần nào phản ánh thái độ hờ hững của những người trẻ đối với giải. Cũng khó trách họ, bởi khi một hội nghề nghiệp không đủ sức trở thành chỗ dựa tin cậy, khi người trong cuộc không tìm thấy bệ đỡ cho công việc của mình, thì việc quay lưng là điều khó tránh.

Sự thờ ơ này cũng làm nảy sinh một nghịch lý tồn tại quá lâu năm ở giải Cánh diều. Đó là việc rất nhiều phim làm tốn kém tiền tỷ và thu về tiền tỷ, nhưng một lễ tôn vinh các phim trên lại vất vả xoay xở, trong nguồn kinh phí rất “hẻo”. Hiện nay, đa phần các nghệ sĩ ngoài chuyên môn còn là những người kinh doanh mát tay, với mối quan hệ xã hội rất rộng. Vậy mà năm nào đến mùa giải, cũng chỉ thấy mỗi nghệ sĩ Quyền Linh "Vượt lên chính mình" chạy đôn chạy đáo tìm kinh phí.

Nghe anh tâm sự về những khó khăn trong việc chật vật đi tìm tài trợ tại buổi họp báo mà xót xa: “Nói thật, không có sự giúp đỡ của Queen Group, chúng tôi cũng không biết tổ chức đêm trao giải ở đâu vì đụng đến nơi nào cũng phải có tiền”. Ông Nguyễn Văn Tân - Chánh văn phòng Hội Điện ảnh VN - đơn vị tổ chức giải cho biết, đêm trao giải có truyền hình trực tiếp rất tốn kém, trong khi kinh phí Nhà nước cấp không đáng là bao, nên chủ yếu nhờ vào các đơn vị tài trợ.

Năm nay, theo đánh giá của các thành viên BGK, số lượng phim tăng, không ít phim thể hiện sự nổi trội về tay nghề ĐD, kỹ thuật quay phim, nhưng nhìn chung vẫn chưa có phim nào hoàn chỉnh để xứng đáng là “vàng”. Hạn chế của các phim chủ yếu nằm ở khâu kịch bản. Cho dù ĐD giỏi cỡ nào, sử dụng thủ pháp hay như thế nào, diễn viên diễn tốt ra sao, mà nội dung, cốt truyện không thuyết phục thì cũng hỏng.

Trong 17 phim truyện điện ảnh dự thi, có những phim chất lượng kỹ thuật còn thua xa một phim truyền hình thông thường, đến mức có người ta thán “phải chi Cánh diều có giải tương tự Trái cóc xanh hay Mâm xôi vàng để trao”. Có phim không đến nỗi "thảm họa”, nhưng nhàm chán đến mức xem xong, giám khảo thở phào nhẹ nhõm: “May quá đã... hết phim”.

Hôm nay, 12/3, giải Cánh diều tiếp tục "bay", và cho dù có muôn ngàn nỗi lo thì giải sẽ còn "bay" dài dài, vì đây là hoạt động tổng kết thường niên của Hội Điện ảnh VN như các Hội Văn học, Mỹ thuật, Múa… Trong khi các hội khác tính chất tổng kết chỉ gói gọn quy mô nội bộ ngành thì chỉ điện ảnh là bước ra với công chúng. Vì vậy, càng lùm xùm và càng ồn ào, Cánh diều càng gặp khó. Muốn gỡ khó để bay cao, không ít ý kiến cho rằng, cách tốt nhất có khi là cứ để cho giải thưởng này quay về với khuôn khổ nội bộ như bao bộ môn nghệ thuật khác.

 HƯƠNG NHU

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn làm MC Cánh diều

Đêm trao giải Cánh diều 2014 sẽ diễn ra vào tối 12/3 tại Trung tâm hội nghị Queen Hall, số 5 Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9. Lễ trao giải cũng là đêm tôn vinh hai nghệ sĩ cống hiến xuất sắc cho điện ảnh: Đạo diễn - NSND Ngô Mạnh Lân và NSND Nguyễn Thế Anh.

Dự kiến có khoảng 500 nghệ sĩ tham dự, giữ vai trò cầm chịch đêm trao giải là một gương mặt khá mới đối với Cánh diều cũng như lĩnh vực phim ảnh: Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn. Bạn dẫn cùng anh là nữ diễn viên Mai Thu Huyền.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI