Phim Đam mê (đạo diễn Phi Tiến Sơn) với cách kể nhạt nhẽo khiến khán giả thất vọng - ảnh: H.N.
Dấu hiệu cáo chung của phim truyện nhựa quốc doanh
Sự sa sút về lượng lẫn chất của những bộ phim truyện nhựa được sản xuất từ tiền Nhà nước, gọi nôm na là phim quốc doanh, trong những năm gần đây, đã làm cho phim quốc doanh bị phim tư nhân và phim nước ngoài đánh bật ra khỏi mạng lưới chiếu bóng là điều ai cũng thấy. “Tệ” như hai bộ phim Đam mê (đạo diễn Phi Tiến Sơn) và Cát nóng (đạo diễn Lê Hoàng) năm nay có lẽ là tiếng chuông cuối cùng báo tử cho một nền điện ảnh bao cấp. Một cốt truyện không có “truyện” cộng với cách “kể” nhạt nhẽo ở Đam mê đã xóa mất dấu vết của một Phi Tiến Sơn sắc nét ngày nào ở Lưới trời. Tương tự, Lê Hoàng "nay còn đâu” một thời gây dấu ấn cùng Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý, Gái nhảy… khi trình làng một Cát nóng “nóng” với chất giỡn chơi nhiều hơn làm thiệt về một câu chuyện dễ động lòng người là bảo vệ môi trường.
Là đại diện duy nhất của hai hãng phim quốc doanh lớn, Đam mê và Cát nóng đã minh chứng rõ nét về sự suy vong tất yếu của một cách làm phim lạc hậu, không bắt nhịp kịp với hơi thở của thời đại, từ trang thiết bị kỹ thuật cho đến con người; từ phương cách quản lý cho đến tư duy trí tuệ. Do vậy, cũng khó trách Phi Tiến Sơn và Lê Hoàng khi họ, có thể không muốn, hoặc không đủ lực để thoát ra khỏi cách vận hành theo cơ chế nặng nề của bộ máy cũ kỹ đó. Luồng gió hiện đại của điện ảnh thế giới đã và đang ào ạt tràn như sóng thần vào các rạp chiếu trên cả nước, “quân ta” với những sản phẩm kiểu như Đam mê, Cát nóng… mà không bị nhấn chìm xuống đáy biển mới là chuyện lạ.
Phim Cát nóng (đạo diễn Lê Hoàng) trình làng chất giỡn chơi hơn làm thiệt về một câu chuyện bảo vệ môi trường - ảnh: H.N.
Nhà có năm nàng tiên (đạo diễn Trần Ngọc Giàu) phim sân khấu có ngoại cảnh kèm "yếu tố" hài Hoài Linh
Phim Việt kiều - một thế lực mới
Trừ hai phim quốc doanh Đam mê và Cát nóng, chín phim còn lại do tư nhân sản xuất có mặt trong giải Cánh diều 2012 lần này chia gần đều cho hai nguồn đạo diễn: bốn Việt kiều và năm Việt… Nam (cách gọi vui, chỉ những đạo diễn trong nước). Trong số năm phim do các đạo diễn “nội địa” dàn dựng, Gia sư nữ quái (đạo diễn Lê Bảo Trung) và Nhà có năm nàng tiên (đạo diễn Trần Ngọc Giàu) tuy có doanh thu cao song một được xếp vào loại phim hài nhảm, còn một là phim sân khấu có ngoại cảnh, ăn khách nhờ mang nội dung nhân ái nhẹ nhàng kèm theo “yếu tố” Hoài Linh. Mùa hè lạnh của đạo diễn Ngô Quang Hải là một bộ phim thuộc dạng “đánh đố” người xem. Anh đã cố tình phức tạp hóa một câu chuyện đơn giản với những thủ pháp cắt khúc thời gian, không gian, mạch truyện khiến người xem như đi vào mê hồn trận để rồi rơi vào một cái kết bí hiểm nửa hiện thực, nửa giả định. Có lẽ đó là lý do khiến Mùa hè lạnh bị khán giả trong nước lạnh lùng khi ra rạp. Dành cho tháng Sáu, phim đầu tay của nhà quay phim tài ba Nguyễn Hữu Tuấn, tuy có thể hiện được đôi chỗ hóm hỉnh, trẻ trung, song với một câu chuyện quá mỏng cùng những khuôn hình trận đấu bóng rổ quá thô sơ, khiến phim thiếu hẳn sức hấp dẫn. Vẫn với một sự cảm thông rất dịu dàng dành cho phụ nữ nhưng lần này, ở Lạc lối, một phim độc lập của nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang không để lại dấu ấn điện ảnh gì, ngoài một câu chuyện nhàn nhạt, mới xem phần đầu đã đoán được phần sau.
Trong khi đó, bốn phim còn lại của ba đạo diễn gốc Việt đều tỏ rõ sự vượt trội. Đội ngũ này thể hiện sự hơn hẳn về tư duy nội dung và tay nghề dàn dựng. Được đánh giá nhẹ “đô” nhất trong số này là phim Cưới ngay kẻo lỡ của Charlie Nguyễn, tuy nặng tính giải trí nhưng cũng là một phim ẩn chứa chất nhân văn bên cạnh cách gây cười nhẹ nhàng. Lưu Huỳnh là một cái tên vốn từng được công chúng cũng như giới làm nghề trong nước ngưỡng mộ từ khá lâu về sự chỉn chu và sâu sắc với những bộ phim như Em và Michael Jackson, Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử… Trở lại lần này với Lấy chồng người ta, mặc dù các khuôn hình vẫn rất chỉn chu, kỹ lưỡng song câu chuyện quá bạo lực không hợp với tâm lý số đông người xem khiến anh phần nào bị “mất điểm”. Victor Vũ mới thực sự là “điểm nóng” của giải. Xem xong hai phim Thiên mệnh anh hùng và Scandal - Bí mật thảm đỏ, một thành viên Ban giám khảo đã nói nửa đùa nửa thật rằng “Victor Vũ và những phần còn lại”. Sự chiến thắng gần như toàn diện của anh lần này là điều nằm trong dự đoán. Về nước làm phim với thời gian chưa dài song Victor Vũ đã nhanh chóng “hội nhập” với những bộ phim ngày càng chiếm được cảm tình của công chúng như Chuyện tình xa xứ, Cô dâu đại chiến, Thiên mệnh anh hùng, Scandal - Bí mật thảm đỏ...
Chiến thắng của Victor Vũ tại giải Cánh diều 2012 không nằm ngoài dự đoán với Thiên mệnh anh hùng và Scandal - Bí mật thảm đỏ
Trận chiến không cân sức
Rõ ràng sự xuất hiện của “thế lực mới” này vô hình trung đang tạo ra một sự thách thức, một cuộc cạnh tranh không cân sức cho những đạo diễn trong nước. Một thế hệ làm phim cũ đã rời sân chơi, một thế hệ mới tiếp nối chưa ai đủ lực để tạo niềm tin. Điện ảnh là một ngành đòi hỏi nhiều điều kiện “cấp cao”, từ nguồn lực tài chính dồi dào đến những con người có kiến thức, có tài năng. Nhưng, với phong trào nhà nhà làm phim, người người làm đạo diễn theo kiểu ăn xổi ở thì như hiện nay trách sao tránh khỏi phim “thảm họa”. Hai gương mặt sáng giá nhất của “chủ nhà” là Vũ Ngọc Đãng và Nguyễn Quang Dũng, sau những cú chơi phá cách tạo hiệu ứng, chưa thấy có thêm chiêu trò gì mới, ngoại trừ một Mỹ nhân kế của Dũng “khùng” vừa ra rạp trong năm mà sự lộng lẫy bên ngoài không che nổi cái rỗng tuếch ở nội dung. “Thảm họa” thật sự của điện ảnh Việt hiện nay là thay vì biết mình biết ta, khai thác vũ khí riêng là yếu tố dân tộc như một thế mạnh, lại đẩy những chiến binh tay không lao vào đánh xáp lá cà với một đối phương được trang bị hiện đại. Gần đây, có nhiều cuộc thi phim ngắn diễn ra hằng năm để chọn nhân tài, đó là những bước đi không thể thiếu, song để có một “mùa hè ấm” vào tháng Ba hằng năm cho giải Cánh diều, có lẽ một thế hệ làm điện ảnh mới đang cần nhiều điều kiện “ắt có” để bắt đầu lại.
Cát Vũ