Với gần 100 suất diễn trong vòng chưa đầy hai năm kể từ ngày ra mắt - con số mơ ước của không ít người làm công tác quản lý sân khấu kịch nói hiện nay, Yêu là thoát tội (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: Xuân Hồng) vẫn đang là một trong số những vở diễn hiếm hoi được rất nhiều trường PTTH - PTCS trong thành phố tiếp tục “đặt lịch” để đưa học sinh đến xem, như một giờ học ngoại khóa về môn văn và lịch sử.
Một cánh cửa đã mở…
Thành công này nằm ngoài mong đợi của nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM). Chưa từng nghĩ sẽ đưa Yêu là thoát tội vào diễn cho học sinh, một phần vì những thành viên đồng sáng lập Nhà hát Thế Giới Trẻ vốn mạnh về công tác biểu diễn, dàn dựng hơn là công tác tiếp thị, quảng cáo. Phần nữa vì Yêu là thoát tội mang nhiều yếu tố thử nghiệm, phong cách dàn dựng chỉ thích hợp với khán giả am hiểu và yêu thích sân khấu kịch nói.
Khá bất ngờ khi người có công kết nối Yêu là thoát tội với các trường học lại chỉ là một khán giả yêu thích vở diễn. Đến nay, đã có rất nhiều trường học từ bậc PTCS tổ chức cho học sinh xem, đồng thời tiếp tục đặt hàng Nhà hát Thế Giới Trẻ những vở diễn về các sự kiện, nhân vật lịch sử có trong chương trình giảng dạy. Lịch diễn hợp đồng của Nhà hát Thế Giới Trẻ hiện nay khá dày, có thời điểm, nhà hát phải tổ chức đến bốn suất diễn/ngày để đáp ứng nhu cầu của các trường học.
|
Yêu là thoát tội - vở diễn mở cánh cửa mới cho Nhà hát Thế Giới Trẻ sau gần mười năm thành lập |
Nhìn lại hành trình thành lập Nhà hát Thế Giới Trẻ, mới hiểu hơn ý nghĩa của dấu ấn 100 suất diễn vở Yêu là thoát tội. Năm 2012, Nhà hát Thế Giới Trẻ khiến giới làm nghề xôn xao khi ra mắt Âm binh, vở diễn mang những yếu tố thử nghiệm mới lạ, hấp dẫn, kết hợp giữa tranh cát động, âm nhạc với kỹ thuật diễn xuất. Tiếp đó là Cát trắng như gạo, Mê Đê… những vở diễn vẫn theo phong cách thử nghiệm, cho thấy nỗ lực, và sự kiên định của những người làm nghề trong lúc sân khấu kịch nói đang chao đảo giữa nghệ thuật và giải trí đơn thuần. Vở diễn kén khán giả, những người làm công việc sáng tạo phải kiêm luôn việc quảng bá, tiếp thị… vở diễn.
Ngoài biểu diễn cho một số trường đại học, thì các suất diễn còn lại chỉ tổ chức ở các địa phương khác. Phải đến Yêu là thoát tội, một cánh cửa khác mới được mở ra. Có lẽ đã rất lâu, những người quản lý Nhà hát Thế Giới Trẻ mới “cắt” được nỗi lo phải bỏ tiền túi bù lỗ cho vở diễn.
Nhưng thách thức là không nhỏ…
Hào hứng với lối đi mới, nhưng chỉ đến khi bắt tay dựng vở tiếp theo đơn đặt hàng là Truyện Kiều, và chính thức công diễn vở kịch lịch sử mới Vụ án cậu trời (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: Lê Hay, cố vấn dàn dựng: NSND Trần Ngọc Giàu), những người quản lý Nhà hát Thế Giới Trẻ mới nhận rằng, mọi việc không đơn giản, và thành công của Yêu là thoát tội lại là thách thức lớn nhất mà họ phải vượt qua.
Vở Truyện Kiều đành tạm gác lại, dù đã đi gần đến giai đoạn cuối cùng, sau nhiều bàn bạc và được cả ê-kíp thống nhất. Vụ án cậu trời - câu chuyện về tuyên phi Đặng Thị Huệ và vụ án Đặng Mậu Lân được thay thế ngay sau đó. Tái hiện một phần lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối đời của chúa Trịnh Sâm với cuộc tranh giành quyền lực trong phủ chúa và một xã hội đầy loạn lạc, công lý lung lay trước cường quyền, kỷ cương phép nước trong triều chính chao đảo nhiễu nhương… Vụ án cậu trời mang lại sự hào hứng cho cả ê-kíp thực hiện, từ khâu kịch bản, đến trang trí sân khấu, phục trang, dàn dựng… Nhưng sau những suất diễn đầu tiên tiếp cận với học sinh, ê-kíp đã kịp nhận ra lứa khán giả này không hào hứng với tác phẩm như mình mong đợi, và cũng đã có những ý kiến phản hồi từ các em học sinh.
“Học sinh ngày nay không nghĩ về sân khấu kịch nói đơn giản như người lớn vẫn hình dung về nhu cầu thưởng thức sân khấu của các em. Các em hào hứng, thích thú với những sáng tạo mới lạ trong ngôn ngữ dàn dựng. Khán giả học sinh có thể nhớ rất rõ lời thoại của từng nhân vật và rất tinh ý nhận ra sự trùng lặp, dù chỉ là na ná nhau ở các vở diễn khác nhau. Kể một câu chuyện, một sự kiện lịch sử, dù có đặt ở góc nhìn mới mẻ nào, thì điều quan trọng nhất vẫn là vở diễn phải chạm được vào cảm xúc của các em, chứ không thể chỉ là những lời thoại khô khan, những sự kiện nặng tính “khoa giáo”. Kéo được khán giả đến rạp rồi, bài toán giữ chân khán giả còn khó hơn gấp nhiều lần” - NSND Hoàng Yến chia sẻ.
Lắng nghe phản hồi từ giáo viên, học sinh, bình tĩnh nhìn nhận lại sự thành công của Yêu là thoát tội, những người gắn bó với Nhà hát Thế Giới Trẻ nhận ra rằng, một tác phẩm sân khấu, dù dựa trên tác phẩm văn học hay được viết lại từ những sự kiện, nhân vật lịch sử thì vẫn không thể thiếu chất thơ, sự bay bổng lãng mạn. Nhưng ở những vở chính sử, mọi sự lãng mạn bay bổng vẫn phải đi sát lịch sử, đồng thời phải phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi… của học sinh trung học. “Để có được một kịch bản đáp ứng tất cả những yếu tố đó là điều không đơn giản. Do vậy, chúng tôi buộc phải tính lại kế hoạch dàn dựng một loạt kịch bản về các vụ án chốn hoàng cung theo như dự tính trước đây” - NSND Hoàng Yến cho biết thêm.
Nhưng cái khó không làm những người thực hiện nao núng, thậm chí còn khiến họ thêm quyết tâm đối mặt với thử thách. Vụ án cậu trời sẽ được sửa chữa cho mềm mại hơn, bớt “khoa giáo” hơn. Dự kiến một kịch bản khác được viết dựa trên Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ được đưa lên sàn tập ngay sau khi Vụ án cậu trời được chỉnh lý hoàn chỉnh. Mục tiêu xa hơn của Nhà hát Thế Giới Trẻ là dàn dựng một loạt vở diễn dựa trên các tác phẩm văn học, nhân vật, sự kiện lịch sử đang được giảng dạy trong trường học để có đủ “tự tin” tiếp cận Sở Giáo dục và Đào tạo, phối hợp thực hiện dự án đưa kịch văn học và lịch sử vào trường học.
Thảo Vân