Ưu thế của artbook
Theo thông tin trên website Nhà xuất bản (NXB) Pan Macmillan, phiên bản Mỹ tác phẩm Chang hoang dã - Gấu (Saving Sorya - Chang and the Sun Bear) sẽ chính thức được phát hành tại Mỹ vào ngày 30/9. Đầu năm 2021, phiên bản Anh cuốn sách này cũng đã được phát hành. Hiện NXB Pan Macmillan cũng đã nhượng quyền xuất bản cho các NXB tại Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây chỉ mới là cuốn đầu tiên trong series artbook - dự án của nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn và họa sĩ Jeet Zdung (NXB Kim Đồng ấn hành).
Mới đây, artbook Hành trình đầu tiên của hai họa sĩ trẻ Phùng Nguyên Quang - Huỳnh Kim Liên cũng vừa được giới thiệu trang trọng trên New York Times và The Wall Street Journal, với phiên bản tiếng Anh có tiêu đề: My First Day. Tính đến thời điểm này, ngoài bản quyền phát hành tiếng Việt thuộc về NXB Kim Đồng, Hành trình đầu tiên đã được bán bản quyền tại Singapore, Mỹ và Nhật Bản. Họa sĩ Phùng Nguyên Quang cho biết, trong phiên bản Mỹ, NXB Penguin Random House có dành riêng một trang để giới thiệu khá chi tiết về Mekong Delta (đồng bằng sông Cửu Long).
|
Một số tác phẩm sách minh họa đã được chuyển ngữ và phát hành ở các nước: Đúng là tết, Chang hoang dã - Gấu… |
Điều đáng chú ý là đường ra thế giới của hai tựa sách kể trên là thông qua kết nối của các tác giả. Nếu Chang hoang dã - Gấu có sự thuận lợi hơn nhờ tác giả là nhà bảo tồn động vật hoang dã được biết đến tại nhiều quốc gia, thì Hành trình đầu tiên gây chú ý với các NXB thế giới nhờ giải thưởng Scholastic Picture Book Award tại Singapore từ năm 2015.
Nhiều năm trước, cuốn Những nàng công chúa bí ẩn của họa sĩ Khoa Lê được các NXB tại Pháp và Ý mua bản quyền, cũng nhờ ảnh hưởng từ tên tuổi cá nhân tác giả. Họa sĩ Huỳnh Kim Liên cho biết hiện cô và Phùng Nguyên Quang vừa được một NXB Mỹ nhận đặt hàng hai tác phẩm sách tranh. Song song với vẽ tranh minh họa cho các thương hiệu/các NXB trong nước, Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên vẫn đang âm thầm thực hiện các dự án cá nhân. Theo chia sẻ của hai họa sĩ, tinh thần cũng giống như Hành trình đầu tiên, đó sẽ là những cuốn sách tranh mang đậm dấu ấn văn hóa, bản sắc Việt.
Bà Phan Thanh Lan - cán bộ phòng bản quyền, NXB Kim Đồng - nhận định: “So với sách chữ, artbook hoặc sách tranh minh họa có ưu thế hơn trong việc giới thiệu với các đối tác nước ngoài. Thêm vào đó, đội ngũ họa sĩ trẻ đã có riêng những sân chơi, kết nối với cộng đồng quốc tế nên ít nhiều tạo dựng được uy tín, tác phẩm được trao giải thu hút sự chú ý của các nhà làm sách”.
Trong số khoảng hơn 60 tựa sách đã được bán bản quyền cho các đối tác nước ngoài của NXB Kim Đồng, chiếm phần nhiều là các tác phẩm có đầu tư tranh minh họa. Không kể tiêu chí đánh giá về mỹ thuật, việc giới thiệu sách tranh với đối tác nước ngoài luôn dễ hơn so với sách chữ (việc chuyển ngữ phức tạp hơn nhiều, đây cũng là trở ngại đối với các nhà làm sách trong nước).
Đi mãi sẽ thành đường
Đội ngũ họa sĩ trẻ tham gia lĩnh vực xuất bản ngày càng nhiều. Ngoài việc tạo nên những bộ tranh minh họa công phu cho các tác phẩm, họ cũng chính là lực lượng có khả năng sáng tác, thực hiện những tác phẩm artbook cho riêng mình. Chính những cuốn sách minh họa công phu này góp phần tạo niềm hy vọng cho tương lai của xuất khẩu sách Việt.
Một số tựa sách minh họa đã được bán bản quyền ra nước ngoài: Lược sử nước Việt bằng tranh (đã chuyển ngữ và phát hành tại Trung Quốc, Hàn Quốc), Đúng là tết (phát hành tại Đức), Tranh truyện dân gian Việt Nam (Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan)… Mới đây nhất là bộ sách Những chuyến phiêu lưu của mèo Tita (tác giả: Búp Bê, họa sĩ: Lam, Công ty TNHH Giáo dục và Sức khỏe Hoa Ôrô cùng NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) được NXB Olympia, Anh mua bản quyền phát hành toàn cầu.
Vẫn còn rất nhiều tựa/bộ sách được đầu tư chăm chút: Việt Nam dọc miền du ký (Thái Hà Books), Lịch sử Việt Nam bằng tranh (NXB Trẻ), Việt Nam danh tác (Nhã Nam), Thiện và ác và cổ tích, Hành trình Đông A, Lĩnh nam chích quái, Ấn tượng Hà Nội - Từ ký họa những công trình thời Pháp, Truyện Kiều tự kể (NXB Kim Đồng)… Không phải tất cả artbook/sách minh họa đều có cơ hội bán bản quyền ra thế giới, nhưng đã sẵn có một nguồn lực dồi dào và đầy tiềm năng. Nếu các đơn vị nỗ lực kết nối quảng bá với các đối tác nước ngoài, có thể mong đợi một bước tiến lạc quan.
“Tôi tin rằng con đường đã mở ra và sẽ còn phát triển. các tác giả/họa sĩ của dòng sách tranh đang có nhiều cơ hội để giới thiệu tác phẩm đến với bạn bè quốc tế” - họa sĩ Phùng Nguyên Quang nhìn nhận. Theo giới làm sách, nếu chú tâm hướng đến thị trường quốc tế, nhà làm sách trong nước cũng cần chú ý tổ chức lại đề tài phù hợp với nhu cầu của bạn đọc thế giới. Ví dụ khai thác vấn đề bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường… hoặc những vấn đề mang tính toàn cầu.
Việc “xuất khẩu” sách Việt nói chung và sách minh họa nói riêng lâu nay chủ yếu qua kết nối của các đơn vị xuất bản hoặc từ cá nhân tác giả, họa sĩ. Hoạt động vẫn còn khá riêng lẻ, rời rạc. Theo bà Phan Thanh Lan, Phòng bản quyền, NXB Kim Đồng, cho rằng cái khó trước mắt là Việt Nam chưa có được một sàn giao dịch bản quyền quốc tế. Tại Hội sách trực tuyến quốc gia vào tháng 4/2021, lần đầu tiên sàn giao dịch bản quyền được tổ chức trên trang Book365, thu hút hơn 50 đơn vị xuất bản trong và ngoài nước tham gia. Hoạt động thí điểm trong khuôn khổ hội sách trực tuyến này bước đầu được đánh giá hiệu quả, nhưng vẫn chưa thể duy trì lâu dài.
Lục Diệp