Cánh cửa đã mở

17/09/2017 - 06:46

PNO - Tôi không còn trẻ, và tôi lờ mờ nhận ra cảm giác của mình với anh những ngày gần đây không còn giống như trước. Chúng tôi thường va vào ánh nhìn của nhau rồi vội quay đi.

Ly hôn. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì trút được gánh nặng vô hình. Cái danh “dâu trưởng” có tiếng mà không có miếng khiến tôi xính vính. Từ ông bà mất, bố mẹ chồng ốm, em chồng sửa nhà, con em chồng vào cấp III… lớn nhỏ gì tôi cũng phải “xía” vào. Họ coi tôi là Ôsin miễn phí. Chồng là đích tôn nên chuyện dòng họ trước sau gì cũng do tôi quản, thì tập trước từ giờ cho quen. 

Canh cua da mo

Tôi “quen” đến độ nín nhịn khi bị bắt nạt, hà hiếp. Đỉnh điểm là khi chồng tòm tem vụng trộm, thay vì dạy bảo con trai mình thì bố mẹ chồng cùng đám em chồng xúm vào oán tôi “sống kiểu gì” để chồng chán, đi ngoại tình. Rằng tôi là con đàn bà thất bại không giữ được chồng… và kết cục là ly hôn.

Tôi nghĩ cuộc chiến giành con phải kinh khủng lắm, nhưng nó lại nhẹ nhàng đến không ngờ, do con tôi là con gái, quan trọng hơn là cô bồ của anh ta có bầu. Nhờ cô ta mà cuộc hôn nhân “chồng chúa vợ tôi” của tôi được kết thúc nhanh.

Những ngày đầu sau ly hôn, tôi nghĩ mình sẽ lấy chồng, sẽ lấy người hơn anh ta mọi mặt để anh ta và cả gia đình phải hối hận. Nhưng hai, rồi ba người đàn ông đi qua cuộc đời tôi và… đi luôn. Họ tốt, họ giàu, họ đẹp trai, nhưng khi nói đến chuyện nghiêm túc, tôi lại chùn bước. Họ nói, đưa con gái về ngoại, mang con trả cho bố nó, mình nên sống cho mình…

Tôi khép lòng từ đó, thấy đàn ông ai cũng như ai. Tôi chăm lo cho con gái, dạy con đủ thứ, mong sau này con tôi mạnh mẽ hơn mẹ nó, nếu lấy chồng, hãy chọn lựa cho kỹ, tìm người thích hợp với mình. Còn tình yêu là thứ phù phiếm không hình không dạng, và tất nhiên không đáng tin.

***

Cú điện thoại báo tin con gái bị tai nạn khiến tôi chết điếng. Tôi hớt hải chạy dọc sân bệnh viện tìm phòng cấp cứu và ngất khi mơ hồ thấy ai như con tôi, áo dài thấm máu. Tôi tỉnh dậy sau gần ngày dài mê man, do choáng, kiệt sức và lao lực. Con gái với cái tay băng bột to tướng ngồi cạnh giường, một người đàn ông lạ ngồi cạnh, anh ta và con gái tôi đang nói chuyện gì đó. Và tôi thấy con gái mỉm cười.

Tôi giơ tay: “Có phải ông ấy tông con? Tay con, còn chỗ nào nữa không? Con đã báo công an chưa?”. Con gái xua tay cản nhưng tôi không kìm được. Con gái tôi, từ bé chưa bị mẹ đánh cái nào, nói nặng lời còn không nỡ, thế mà bây giờ, một bên mặt trầy xước, tay bó bột. Người đàn ông kia vẫn ngồi đó, mỉm cười.

“Mẹ ngất, chú ấy đưa mẹ vào phòng cấp cứu đấy!”, con gái cố ngắt lời. Ngỡ ngàng, tôi chưa kịp nói lời xin lỗi thì anh đứng lên: “Chị tỉnh là mừng rồi, tôi sang chỗ bà cụ chút”. Con gái nói, mẹ chú Linh nằm ở khoa ngoại, qua nay chú chạy qua lại hai nơi trông nom, thế mà mẹ…

Tôi sang thăm mẹ anh, muốn tìm anh xin lỗi vì sự hiểu lầm. Nghe nói anh phải nghỉ làm để chăm mẹ vì gia đình một mẹ một con. Mẹ anh thấy tôi thì mừng rỡ, bà xua con trai đi làm, thân thiết kéo tay tôi hỏi han này nọ. Ngày ba lần anh ghé đưa cơm và mang đồ dơ về giặt. Anh chu đáo còn hơn phụ nữ, người thế mà vẫn một mình, bà cụ nói anh sợ ai đó sẽ làm tổn thương bà nên thà ở vậy, một tay chăm mẹ chứ không muốn đứng giữa hai người phụ nữ.

Canh cua da mo
Tôi đã lờ mờ nhận ra cảm giác khác lạ giữa tôi và anh. Ảnh minh họa

Con gái tôi, rồi bà cụ ra viện, chúng tôi vẫn đến thăm bà thường xuyên, ít nhất tuần một lần. Bà cụ rất vui, đến bữa ăn được nhiều hơn. Anh nói, bà mắc chứng kén ăn và mất ngủ mấy năm nay, nhờ có mẹ con tôi mà bà khỏe hẳn. Giá như còn trẻ, tôi sẽ đùa: “Anh mang về một cô con dâu là bà khỏe ngay!”. Tôi không còn trẻ, và tôi lờ mờ nhận ra cảm giác của mình với anh những ngày gần đây không còn giống như trước. Chúng tôi thường va vào ánh nhìn của nhau rồi vội quay đi. Tôi đàn bà đã qua một lửa, tuổi xuân đã tàn lại có con riêng, đâu như đàn ông dù năm mươi vẫn có thể lấy được vợ trẻ.

Tôi tránh mặt thì hết giờ làm anh không về ngay nhà mà ghé chỗ mẹ con tôi, sửa cái này một tí, chỉnh cái kia một tí, có hôm nấu cơm… Thi thoảng anh chở bà cụ sang, tôi ái ngại thì anh nói: “Bà nhớ em, nhớ con bé, anh biết làm sao?”, tôi sững người trước ánh mắt của mẹ anh, anh và con gái. Sau cơn mưa chiều mát mẻ, anh nhìn cái bàn gỗ, thốt lên: “Sao nhà em thứ gì cũng cong vênh vặn vẹo, mẹ con về ở nhà anh cho anh yên tâm, cho mẹ anh có bạn”. Chúng tôi đã nhìn vào mắt nhau, soi bóng mình trong mắt đối phương…

Mười mấy năm, cánh cửa vốn khép chặt, chiều nay nhẹ nhàng mở ra. Sau cơn mưa, cây cối cũng trở nên xanh tươi, và đâu đó, có những hạt mầm khe khẽ cựa mình… 

Thái Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI