Cánh chim không mỏi

29/04/2014 - 21:36

PNO - PN - Dì Nguyễn Thị Lắm (SN 1948) được bà con KP.1, P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM quý mến bởi cách sống giản dị, chịu thương chịu khó. Dù đã ngấp nghé tuổi 70, dì vẫn tâm niệm “hưu mà không nghỉ” nên luôn làm tròn việc nhà, việc...

edf40wrjww2tblPage:Content

NHỮNG NGÀY GIAN KHÓ

Tôi ghé nhà dì Lắm vào một buổi trưa cuối tuần. Đang tỉ mẩn chuẩn bị làm bột chiên bán, thấy khách đến, dì tất tả đi ra nhà trước với nụ cười tươi: “Chừng 2g chiều thì tôi dọn hàng bán bột chiên và gỏi cuốn. Cũng nhờ có vốn vay của Hội PN mới tập tành buôn bán vậy đó”.

Dì Lắm quê ở An Giang. Vì gia đình có đến 10 anh em nên từ nhỏ cuộc sống của dì đã khá chật vật. Học ngành sư phạm, ra trường dì có thời gian dạy học ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) rồi về thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang) công tác tại trường tiểu học cơ sở 5 (nay là Trường tiểu học Lê Lợi). Dì Lắm nhớ lại: “Hồi đó, tôi làm giáo viên, còn chồng thì chạy xe lôi. Cuộc sống khó nhọc. Sau giờ dạy, tôi đi bán bánh mì, rau củ, chiều thì mấy mẹ con ghé phòng lương thực của thị xã xin phân loại lúa để được trả công là một lít gạo (ba lon sữa bò). Thiếu trước hụt sau hoài, nhưng tính tôi chẳng mấy khi buồn. Tôi thích hát, múa và tham gia hoạt động xã hội, có lẽ vì thế mà bén duyên với Hội lúc nào không hay. Hồi còn ở Châu Đốc, tôi thường chèo xuồng đưa y tá vô các xã vùng sâu tuyên truyền tiêm chủng cho trẻ em, “tự biên tự diễn” văn nghệ cho bà con coi. Với tôi, Hội là duyên, là nghĩa tình”.

Khoảng năm 2000, gia đình dì Lắm chuyển lên TP.HCM. Ban đầu, dì giúp việc nhà tại khu Chợ Lớn (Q.5), sau bán quán cơm bình dân ở Q.Gò Vấp. Ba người con trai của dì đều tham gia nghĩa vụ quân sự. Mẹ dì - cụ Võ Thị Thân, tuổi cao sức yếu nên những năm cuối đời phải nằm một chỗ. Thương mẹ, dì Lắm vừa ngược xuôi lo cơm áo, vừa túc trực tắm giặt, làm vệ sinh cá nhân cho mẹ mỗi ngày.

Canh chim khong moi
Dì Lắm thăm hỏi động viên vợ chồng anh Thành - Chị Tiệp

NGHĨA TÌNH VỚI HỘI

Những năm 1993-1999, dì Lắm là Phó chủ tịch Hội LHPN phường Châu Phú B, thị xã Châu Đốc. Gánh nặng cơm áo trong những năm đầu gia đình mới chuyển lên TPHCM khiến dì phải tạm xa Hội một thời gian. Đến năm 2005, “duyên xưa” của dì được nối lại tại P.Tân Hưng Thuận, Q.12. Từ đó đến nay, dì là tổ trưởng tổ PN 9, KP.1, P.Tân Hưng Thuận.

Thấy vợ chồng chị Nguyễn Thị Tiệp (53 tuổi) - anh Nguyễn Văn Thành (57 tuổi) chí thú làm ăn nhưng khó vẫn hoàn khó, dì Lắm hay ghé nhà động viên. Cuối năm 2013, anh Thành bị tai biến, dì Lắm cùng dì Trần Thị Niệm, tổ trưởng tổ PN 10 đã vận động chị em đóng góp được 1.550.000 đồng giúp anh Thành điều trị bệnh.

KP.1 có rất nhiều công nhân, người lao động nhập cư về thuê trọ, cuộc sống không tránh khỏi những mâu thuẫn trong gia đình, xóm giềng với nhau. Những khi ấy, chị em lại chạy đi tìm dì Lắm báo tin “Dì ơi, dì mau qua bên này hòa giải với”, “Dì ơi, chỗ đó có đánh nhau”… Bất kể đang bận rộn mấy, dì cũng tất tả đi làm “hòa giải viên bất đắc dĩ”. Với cách nói chuyện nhẹ nhàng, cởi mở mà hợp tình hợp lý, dì trở thành chỗ dựa tinh thần cho chị em trong tổ. Có lần, dì Lắm đang lui cui bán bột chiên ngoài bãi đất trống của khu phố thì chị L. hớt hơ hớt hải chạy tới, nói trong tiếng thở dốc: “Ảnh đánh con quá dì ơi. Dì giúp con với”. Sau khi tìm hiểu, biết vợ chồng chị L. “cơm không lành canh không ngọt” vì chuyện tiền bạc, ghen tuông bóng gió, dì Lắm liền tới nhà thăm, phân tích cái đúng cái sai của từng người. Sau mấy lần hòa giải, dần dần vợ chồng chị L. cũng xuôi, chịu ngồi lại tâm sự, chia sẻ với nhau để cùng giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Thực hiện chương trình “Gia đình hội viên tiết kiệm điện”, dì đã tuyên truyền vận động các hộ có nhà trọ đăng ký định mức điện, không tăng giá phòng thuê, vận động hội viên thực hiện tiết kiệm điện như tắt những thiết bị không cần thiết, sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện…

Vào mùa mưa, những con hẻm trong khu phố ngập ngụa sình lầy, trẻ con cứ bước ra đường là té nhào. Dì Lắm trăn trở: “Phải làm sao có con đường sạch đẹp cho bà con mình đi?”. Rồi dì báo với trưởng khu phố vận động bà con góp tiền nâng cấp con hẻm.

Dì Lắm còn viết nhiều tiểu phẩm, diễn kịch và hướng dẫn cho các hội viên tham gia văn nghệ của khu phố, phường. Chị Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó chủ tịch Hội LHPN P.Tân Hưng Thuận nhận xét: “Trong hoạt động Hội, dì Lắm là một cán bộ mẫu mực, năng nổ và nhiệt tình. Dì làm rất tốt công tác vận động bà con tham gia phong trào Hội. Không chỉ vậy, dì còn là tấm gương sáng về hiếu nghĩa. Dì đã được Hội LHPN - Hội LHTN phường tuyên dương gương Người con hiếu thảo hai năm 2011, 2012. Dì Lắm còn có nhiều đóng góp thiết thực cho công tác giảm nghèo, hỗ trợ phụ nữ, tiết kiệm điện, kế hoạch hóa gia đình”.

 MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI